Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Khu Y tế Kỹ thuật Cao Hoa Lâm Shangri La đã ra đời như thế nào?

(DS&PL) -

(ĐS&PL) Trong những ngày gần đây có thông tin vướng mắc về sự ra đời của Khu Y tế Kỹ thuật cao Hoa Lâm Shangri La tại Bình Tân – TP.HCM.

Sáu Bộ cùng thuận

Từ năm 2001, UBND TP HCM đã kêu gọi doanh nghiệp đồng hành cùng Nhà nước xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực y tế. Sau gần 10 năm TP.HCM có chủ trương này và Công ty Hoa Lâm Shangri La tiến hành thủ tục nghiên cứu, khảo sát, lập dự án đầu tư, ngày 07/6/2008, UBND Thành phố đã có văn bản số 3588/UBND-ĐT gửi Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo về dự án đầu tư Khu Y tế kỹ thuật cao, với tổng quy mô 1.750 giường.

Bệnh viện Gia An 115 của Hoa Lâm Shangri La.

Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 3807/VPCP – KGVX ngày 09/06/2008 lấy ý kiến các Bộ ngành và được sáu Bộ phản hồi bao gồm: Bộ Y tế; Bộ Tài chính; Bộ Tài nguyên & Môi trường; Bộ Kế hoạch & Đầu tư; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Xây dựng.

Trên cơ sở ý kiến các bộ ngành, Thủ tướng Chính phủ ban hành Văn bản số 925/TTg-KGVX ngày 21/6/2008 đồng ý với đề nghị của UBND Thành phố về việc đầu tư tại Khu Khu Y tế kỹ thuật cao.

Có được chủ trương thống nhất, Công ty Hoa Lâm Shangri La đã thực hiện các thủ tục đầu tư và được cấp các giấy tờ pháp lý theo quy định pháp luật như giấy chứng nhận đầu tư, phê duyệt quy hoạch, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Dân số toàn bộ dự án dự kiến là 8.000 người, mật độ xây dựng toàn khu là 30,58%, hệ số sử dụng đất tối đa là 3,3, tầng cao xây dựng tối đa là 36 tầng.

Theo đó, Bệnh viện Quốc tế City – Bệnh viện đầu tiên trong số 6 bệnh viện của Khu Y tế kỹ thuật cao Hoa Lâm Shangri La đã được đưa vào hoạt động năm 2014. Từ những viên gạch đầu tiên trên khu đất vùng ven chỉ có lau sậy, sình lầy, đến nay Khu y tế kỹ thuật cao đã được xây dựng thành khu y tế kỹ thuật cao hiện đại.

Để dự án có đầy đủ cơ sở pháp lý để thực hiện, UBND TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Công ty TNHH Dịch vụ Hoa Lâm và Shangri La Heathcare Investment Pte (Singapore – về sau đổi tên thành Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm – Shangri-La) đầu tư xây dựng Khu Y tế kỹ thuật cao với thời gian hoạt động là 69 năm, nhà đầu tư được hưởng ưu đãi về thuế sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp trong suốt quá trình hoạt động của dự án.

Sau khi sáu Bộ có ý kiến thống nhất đồng ý, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép chủ đầu tư thực hiện dự án với những chính sách ưu đãi theo kiến nghị của TP Hồ Chí Minh.

Điều đáng lưu tâm, sau khi được TP Hồ Chí Minh ra quyết định cho thuê đất, phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 1/500, cấp giấy chứng nhận đầu tư, công ty Hoa Lâm – Shangri-La đã có Văn bản số 51/HL-SRL ngày 22/01/2009 xin từ chối quyền miễn nộp 100% tiền thuê đất diện tích đầu tư xây dựng các cơ sở y tế và khu chức năng với diện tích hơn 196 ngàn m2 (miễn tiền thuê đất với diện tích đất giao thông, cây xanh và công trình hạ tầng kỹ thuật) và xin được áp dụng hình thức cho thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê…

Những kiến nghị này sau đó được Bộ Tài Chính, UBND TP Hồ Chí Minh đồng ý, chấp thuận. Còn phía Hoa Lâm trong nỗ lực thực hiện dự án, gọi đây là quyết định “điên rồ” nhất trong lịch sử đầu tư của Tập đoàn…

Xây dựng nhà ở cho cán bộ công, nhân viên theo đúng chủ trương

Từ quy hoạch ban đầu, khu nhà ở phục vụ cho cán bộ nhân viên được UBND Thành phố trình văn bản số 3588/UBND-ĐT ngày 07/06/2008 và được Thủ tướng chính phủ chấp thuận trong văn bản 925/TT/KGVS ngày 21/06/2008.

Theo bà Trần Thị Lâm – Chủ tịch tập đoàn Hoa Lâm, từ mong muốn tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ y bác sĩ, đội ngũ cán bộ công nhân viên có được chỗ ở ổn định để yên tâm công tác, chủ đầu tư đã kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh cho điều chỉnh mục tiêu từ căn hộ phục vụ khu y tế sang ưu tiên bán cho y bác sỹ, cán bộ công nhân viên làm việc tại khu y tế kỹ thuật cao tại diện tích D2 (hơn 12 ngàn m2) và D3 (gần 12 ngàn m2) nằm trong khuôn viên Khu y tế kỹ thuật cao.

Cơ sở pháp lý để chủ đầu tư xin chủ trương này là căn cứ vào văn bản số 11243/BTC-QLCS của Bộ Tài Chính, trong đó Bộ Tài Chính nêu rõ: trường hợp Công ty Hoa Lâm – Shangri – la đã nộp toàn bộ tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê đất đối với phần diện tích đất quy hoạch xây dựng nhà ở theo chính sách và giá đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật tại thời điểm được nhà nước cho thuê đất; không hưởng ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất thì công ty có quyền được xây dựng nhà ở, căn hộ để bán và cho thuê cho các đối tượng được mua nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Về phía lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, sau khi nhận được đề nghị thay đổi từ “phục vụ” thành từ “ưu tiên bán” cho khu nhà D2, D3 thuộc Khu y tế kỹ thuật cao, lãnh đạo thành phố đã giao cho bảy sở ngành địa phương liên quan phối hợp, tham mưu, đề xuất, dự thảo văn bản để thành phố xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trong văn bản số 5594/UBND –DA ngày 8/9/2017 gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hồ Chí Minh nêu rõ thành phố thống nhất với ý kiến của Bộ tài chính về việc nhà đầu tư có quyền nhà đầu tư có quyền được xây dựng nhà ở, căn hộ để bán và cho thuê cho các đối tượng được mua nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở. Thành phố trình Thủ tướng xem xét có ý kiến chỉ đạo về điều chỉnh mục tiêu đầu tư của dự án. Trong trường hợp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh mục tiêu đầu tư của dự án với hạng mục khu nhà từ “căn hộ phục vụ” sang “ưu tiên bán” thì kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính hướng dẫn xác định nghĩa vụ tài chính khi chuyển mục đích sử dụng đất.

Ngày 21/9/2017, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 10028 nêu rõ “Văn phòng Chính phủ đề nghị UBND TP HCM xử lý theo quy định”.

Tiếp đó lãnh đạo thành phố đã giao cho Sở Kế hoạch đầu tư tham mưu trình UBND thành phố. Trong văn bản trình UBND thành phố ngày 16/10/2017, Sở Kế hoạch Đầu tư khẳng định, việc điều chỉnh mục tiêu đầu tư của lô D2, D3 thuộc quyền xử lý của UBND TP theo quy định. Đơn vị này cũng kiến nghị, UBND TP có công văn báo cáo Thường trực thành uỷ thành phố cho ý kiến chấp thuận về chủ trương nêu trên.

Khi có đầy đủ ý kiến tham mưu, đề xuất của các Sở, nghành, UBND TP.HCM đã phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư đối với khu nhà ở D2, D3, trong đó chấp thuận cho chủ đầu tư được điều chỉnh mục tiêu dự án.

Để có cơ sở xác định nghĩa vụ thuế, ngày 1/12/2017, UBND TP.HCM có văn bản đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định nghĩa vụ tài chính khi chuyển hình thức sử dụng đất từ “căn hộ phục vụ” sang “căn hộ (ưu tiên bán)” đối với khu D2, D3, từ đó thành phố sẽ chỉ đạo các đơn vị có liên quan, rà soát, tham mưu UBND thành phố phương án tính thuế đối với nhà đầu tư.

Tiếp đó, Bộ Tài chính có văn bản đề nghị UBND TP.HCM xác định tiền thuê đất nộp một lần cho cả thời gian thuê theo quy định để chủ đầu tư nộp bổ sung vào ngân sách nhà nước và không phải nộp tiền chậm nộp đối với khoản thu bổ sung này trong thời gian trước khi được xác định lại. TP HCM cũng đã truy thu đối với các khoản chủ đầu tư đã được ưu đãi (miễn giảm) theo chính sách xã hội hoá trước đây đối với phần diện tích làm nhà ở.

Như vậy, có thể khẳng định, xã hội hoá nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực y tế là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân. UBND TP Hồ Chí Minh, Tập đoàn Hoa Lâm khi thực hiện chủ trương này đã tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, được sự thống nhất cao của các sở nghành, thành phố cũng báo cáo và xin ý kiến đầy đủ các Bộ, ngành và Thủ tướng Chính phủ. Chủ đầu tư đã tuân thủ nghiêm túc các chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh trong quá trình triển khai xây dựng dự án từ cơ sở pháp lý đến nghĩa phục thuế phải thực hiện.

Khu Y tế kỹ thuật cao Hoa Lâm Shangri-La theo giấy phép đầu tư có tổng cộng 6 bệnh viện bao gồm: Các bệnh viện đa khoa tiêu chuẩn quốc tế và chuyên khoa cùng nhiều công trình phụ trợ. Cho đến thời điểm hiện tại, khu Y tế Kỹ thuật cao Hoa Lâm Shangri-La đã có hai bệnh viện đi vào hoạt động, đó là bệnh viện Gia An 115 và Bệnh viện Quốc tế City.

Bệnh viện quốc tế City khánh thành năm 2014. Trong vòng 4 năm từ 2015 đến 2018, quy mô khám chữa bệnh, điều trị nội trú của bệnh viện đã tăng hơn 3 lần với 14,8 nghìn lượt điều trị nội trú và 68,4 nghìn lượt điều trị ngoại trú trong năm 2018, tăng mạnh so với 4,5 nghìn lượt điều trị nội trú và 19,3 nghìn lượt điều trị ngoại trú năm 2015.

Bệnh viện Gia An 115 đi vào hoạt động năm 2018, đánh dấu một bước đột phá mới trong việc phối hợp giữa bệnh viện công và bệnh viên tư nhằm nâng cao chất lượng điều trị, chữa bệnh cho nhân dân. Đây cũng là bệnh viện tiên phong trong việc thực hiện mô hình hợp tác công tư PPP giữa Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Gia An 115 theo Nghị quyết 93 ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm góp phần tích cực trong việc giảm tải cho các bệnh viện công tuyến cuối tại TP.HCM, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân thành phố nói chung và đặc biệt cho khu vực cửa ngõ miền Tây nói riêng.

Theo Phạm Hùng/ enternews.vn

Tin nổi bật