Theo thông tin trên báo Người Lao Động, Bộ Y tế vừa có công văn gửi Cục Quân y (Bộ Quốc phòng); Cục Y tế (Bộ Công an); các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Sở y tế các tỉnh, thành phố... về việc không sử dụng khí N2O - khí Nitơ Oxyd, trên người bệnh.
Bộ Y tế cho biết, khí N2O là hóa chất được sử dụng trong công nghiệp (sản xuất pin mặt trời, trong kỹ thuật hàn, cắt, dùng cho máy, thiết bị phân tích, tăng công suất động cơ...).
Ngoài ra, loại khí này còn được sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm (có trong danh mục phụ gia thực phẩm của Ủy ban thực phẩm quốc tế - Codex) và đang được nghiên cứu sử dụng để an thần, giảm đau trong nha khoa.
Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng lạm dụng khí N2O tại một số điểm vui chơi, giải trí gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của người dân. Khí N2O được sử dụng trong "bóng cười", mang lại cảm giác hưng phấn, ảo giác cho người sử dụng.
Tình trạng lạm dụng khí N2O tại một số điểm vui chơi, giải trí gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của người dân. Ảnh minh họa: Sức Khỏe & Đời Sống
Báo cáo của Cục Quản lý dược và các đơn vị có liên quan tại cuộc họp ngày cuối tháng 8/2023 khẳng định, khí N2O chưa đủ cơ sở pháp lý được công nhận là thuốc chữa bệnh tại Việt Nam. Do đó, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không sử dụng khí N2O trên người bệnh khi chưa được Bộ Y tế phê duyệt.
Cùng với đó, các đơn vị tăng cường quản lý việc sử dụng loại khí này tại cơ sở (nếu có) để tránh thất thoát, lạm dụng và sử dụng sai mục đích. “Đơn vị nào để xảy ra việc thất thoát, lạm dụng hoặc sử dụng sai mục đích thì thủ trưởng đơn vị đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật", văn bản của Bộ Y tế nhấn mạnh.
Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, Bộ Y tế trước đó cũng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường quản lý, sản xuất, kinh doanh và sử dụng sản phẩm khí N2O.
Theo đó, việc lạm dụng, sử dụng không đúng mục đích khí N2O có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, đặc biệt là trong giới trẻ do thần kinh bị kích thích, hưng phấn và gây cười.
Sử dụng lâu khí này sẽ dẫn đến tự kỉ, đau đầu, mệt mỏi, suy nhược cơ thể; sử dụng liều cao có thể dẫn đến ảo giác... Đồng thời, có thể có những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.
Một bệnh nhân ngộ độc bóng cười được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Người Lao Động
Để tăng cường công tác quản lý đối với khí N2O theo quy định pháp luật, phòng chống việc lạm dụng, sử dụng sai mục đích, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở nhập khẩu, kinh doanh, sang chiết sản phẩm khí N2O bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý hóa chất cũng như quản lý phụ gia thực phẩm.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông đến người dân, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên về tác hại và hậu quả của việc lạm dụng sử dụng, sử dụng sai mục đích khí N2O.
Đồng thời, ban hành các quy định theo thẩm quyền để ngăn ngừa và xử lý việc lạm dụng, sử dụng sai mục đích khí N2O nhất là tại các điểm vui chơi, giải trí như các quán bar, vũ trường, quán karaoke, rạp chiếu phim, công sở, trường học…
XEM THÊM: Người đàn ông khó thở, tức ngực nhập viện nguy kịch sau 1 tháng bị mèo cắn
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương thực hiện rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sản phẩm khí N2O nhằm bảo đảm kiểm soát triệt để nguy cơ lạm dụng, sử dụng sai mục đích, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh theo đúng quy định.
Đinh Kim (T/h)