(ĐSPL) - Tuy chỉ đứng bên đường xem, không trực tiếp tham gia đánh người và không mang theo hung khí, chồng bạn vẫn có thể vẫn bị xem xét xử lý hình sự.
Kính gửi báo Đời sống & Pháp luật!
Tôi có một câu hỏi về pháp luật mong được tư vấn:
Vào ngày 28/11/2014 chồng tôi được một anh bạn rủ ra bến xe Mỹ Đình để tranh chấp địa bàn. Trong quá trình tranh chấp, mấy người bạn của chồng tôi có đánh một lái xe taxi. Nghe nói anh ấy không bị thương tích gì nhưng cửa kính ôtô thì bị vỡ hết. Chồng tôi không làm gì chỉ đi cùng và đứng ngoài.
Vậy cho tôi hỏi nếu bị khởi tố chồng tôi sẽ phải chịu hình phạt như thế nào?
Yen Hai <haiyen...@gmail.com>
Đứng nhìn nhóm bạn đánh người có thể xử lý hình sự - Ảnh: Internet |
Xin được tư vấn cho bạn như sau:
- Thứ nhất, về hành vi đánh người:
Cần phải căn cứ vào tỉ lệ thương tật của lái xe taxi sau khi bị đánh để xác định cần xử phạt hành chính hay phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
+ Trường hợp tỷ lệ thương tật đủ truy cứu trách nhiệm hình sự
“Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11\% đến 30\% hoặc dưới 11\% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31\% đến 60\% hoặc từ 11\% đến 30\%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61\% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31\% đến 60\%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân”.
+ Trường hợp tỉ lệ thương tật dưới 11\% nhưng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 104 BLHS thì hành vi đánh người trên chỉ bị xử phạt hành chính theo điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Mức phạt là từ 500.000 đến 1.000.000 đồng đối với hành vi đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau.
- Thứ hai, về hành vi đập phá đồ đạc:
Hành vi đập phá tài sản của người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, tùy theo mức độ hư hỏng tài sản mà sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
+ Hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ 2 triệu đồng thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 143 BLHS 1999 sửa đổi bổ sung 2009.
“Điều 143. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản
1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Để che giấu tội phạm khác;
đ) Vì lý do công vụ của người bị hại;
e) Tái phạm nguy hiểm;
g) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
+ Nếu hành vi hủy hoại tài sản đó chưa tới mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
Theo bạn trình bày thì chồng bạn biết trước hành vi phạm tội, được rủ đi và đã đồng ý tham gia. Tùy vào tình tiết chứng minh trong vụ việc mà cơ quan điều tra quyết định truy cứu trách nhiệm hình sự về tội:
1. Tội “Cố ý gây thương tích” và “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” có yếu tố đồng phạm nếu thỏa mãn các yếu tố sau:
- Có căn cứ cho thấy em bạn cùng họp bàn (về việc đi đánh nhau) nghĩa là có sự cấu kết chặt chẽ với các thành viên trong nhóm bạn;
- Tham gia với vai trò giúp sức về tinh thần (đi cùng để gây thanh thế hoặc để động viên tạo điều kiện tinh thần cho những người khác trong nhóm thực hiện tội phạm).
2. Tội che giấu tội phạm:
Nếu em bạn có hành vi che giấu người phạm tội, các dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trợ việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm
3. Tội không tố giác tội phạm:
Khi biết rõ tội phạm đã được thực hiện mà không tố giác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm (Điều 313).
Luật gia Đồng Xuân Thuận
[mecloud]teTE8zw9za[/mecloud]