Trời đổ mưa, cả bản cuống cuồng chuẩn bị di dời
Chỉ vào những vết nứt chạy quanh nhà, ông Ven Phò Hợi, SN 1963, trú bản Nam Tiến 2, xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An cho biết: “Nhà tôi bị như thế này đã 3 năm rồi, ảnh hưởng đến tận móng nhà. Cứ mỗi lần mưa to nhiều ngày là tôi phải huy động mọi người di chuyển đến trường học gần đó để tránh”.
Những vết nứt chạy quanh nhà ông Hợi
Theo ông Ven Phò Hợi, không phải chỉ riêng gia đình ông mà gần như các nhà khác trong bản cũng đều xảy ra tình trạng tương tự. Điều đáng nói, tình trạng này càng lúc càng nguy hiểm khi các vết nứt lan dần khắp cả nhà.
Bản Nam Tiến 2 có 50 hộ dân với hơn 300 nhân khẩu sinh sống nhiều đời nay. Các ngôi nhà được xây dựng dưới chân núi. Thế nhưng, bắt đầu từ năm 2018, trải qua mưa bão liên miên, người dân phát hiện tổng cộng có 9 vết nứt có chiều dài từ 40 đến 220m, sâu nhất là 2m, rộng nhất là 1,5m ở trên đỉnh núi sau bản.
Ông Moong Văn Chăn, Chủ tịch UBND xã Bảo Nam cho biết: “Hiện tượng xuất hiện từ mùa mưa và cơn bão số 3 và 4 của năm 2018. Đến năm 2019, tình trạng xảy ra nghiêm trọng hơn. Cơn bão số 8 năm nay, chúng tôi đã chuẩn bị phương án di dời người dân khẩn cấp khi có cơn mưa dài ngày”.
Dẫn phóng viên đến nhà văn hóa bản Nam Tiến 2, Chủ tịch UBND xã Bảo Nam chỉ vào những điểm nứt nẻ có thể để lọt bàn tay. Đặc biệt, cả phần sân của nhà văn hóa đã bị sụt xuống hàng chục cm trong vòng 2 năm qua. Trước việc này, người dân vô cùng lo lắng và sợ hãi. Một số người dân phải đi đến nhà người thân ở nhờ.
“Ngay thời điểm phát hiện sự việc, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra và báo cho cấp trên. Tuy nhiên, khi chưa tìm được phương án xử lý, các cơn bão khác lại ập đến, mưa kéo dài khiến nền đất bị yếu vì vậy các vết nứt to dần”, ông Nam nói.
Theo quan sát, các vết nứt chạy dài hàng trăm mét ngay cạnh khu dân cư. Có nhiều điểm từng lớp đất đã sụt xuống thấp hơn trước đây hơn 1m. Những tảng đất đá khổng lồ đang dần tách rời, nguy cơ trôi tuột xuống khe suối bất cứ lúc nào. Chính vì thế, mỗi lần mưa lớn, chính quyền đều phải đến để vận động người dân sơ tán tới nơi an toàn.
“Để đảm bảo tính mạng cho người dân, khi trời mưa to, chính quyền địa phương phải huy động lực lượng di dời bà con đến ở tạm tại trường mầm non trong bản. Tuy nhiên, về lâu dài, xã đề nghị chính quyền cấp trên sớm bố trí kinh phí xây dựng khu tái định cư để bà con được di dời đến nơi ở mới an toàn”, Chủ tịch UBND xã Bảo Nam cho biết.
Mưa bão khiến 33 điểm tại tỉnh Nghệ An có nguy cơ sạt lở
Ông Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, trong cơn bão số 8 vừa qua, trên địa bàn có mưa to và rất to nên nguy cơ xảy ra sạt lở đất. Đặc biệt có 9 điểm có nguy cơ, ảnh hưởng đến 384 hộ dân, 2.009 nhân khẩu.
Cụ thể gồm: Bản Xốp Phe, bản Na Mì (xã Mường Típ); bản Bảo Nam Tiến 2 (xã Bảo Nam); bản Xốp Phong (xã Mường Ải); bản Cánh, bản Sa Va (xã Tà Cạ); bản Xốp Tụ (xã Mỹ Lý); bản Pà Khốm (xã Phà Đánh) và bản Lưu Thắng (xã Chiêu Lưu).
“Chúng tôi đã thống kê và có báo cáo gửi UBND tỉnh Nghệ An về những điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở. Hiện, chúng tôi đang chờ kế hoạch của các sở, ban, ngành. Tuy nhiên, UBND huyện cũng kiến nghị di dời người dân càng sớm càng tốt”, ông Minh nói.
Mỗi lần mưa gió, cả gia đình không dám ở trong nhà.
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện còn 33 điểm thường xuyên sạt lở khi có mưa lũ lớn, tuy nhiên, do kinh phí có hạn nên nhiều điểm chưa thể khắc phục hoàn toàn.
Đơn cử, huyện Quỳ Châu có 9 điểm sạt lở tại 4 xã: Châu Hoàn, Diên Lãm, Châu Tiến, Châu Phong ảnh hưởng trực tiếp đến 55 hộ, 236 nhân khẩu; huyện Hưng Nguyên có 5 điểm sạt lở ảnh hưởng đến 52 hộ dân, 225 nhân khẩu...
Hiện nay, tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các địa phương cắt cử lực lượng túc trực và sẵn sàng sơ tán dân đến khu vực an toàn nếu tiếp tục xảy ra sạt lở trong những ngày tới, khi hoàn lưu sau bão số 8 có thể gây mưa lớn.
Anh Ngọc
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 4(177)