Theo The Guardian, Zeinab Zeineddine, cư dân sống ở phía Tây Sydney (Australia) đã tiêm filler (chất làm đầy) vài năm trước khi mọi chuyện trở nên khủng khiếp. Đầu năm 2021, cô tìm đến cơ sở thẩm mỹ địa phương do một y tá điều hành và yêu cầu được “tiêm một chút trên má, một chút ở cằm và một chút vào hàm”.
Sau khi chi khoảng 3.500 USD (khoảng 83,4 triệu đồng) để hoàn thành thủ thuật, Zeinab bước ra khỏi phòng khám với diện mạo mới trông “giống như Maleficent” – nàng tiên hắc ám của Disney với gò má nhọn hoắt cùng những đường nét phóng đại.
“Cuối cùng, tôi trông không khác nào một con quái vật. Mỗi lần nhìn vào gương, tôi đều suy sụp. Các con của tôi thường hỏi: ‘Mẹ ơi, điều gì đã xảy ra với khuôn mặt của mẹ? Điều gì đã xảy ra với khuôn mặt xinh đẹp của mẹ vậy?”, người phụ nữ kể.
Câu chuyện của Zeinab đã làm nổi bật những lo ngại ngày càng gia tăng về ngành công nghiệp tiêm thẩm mỹ phần lớn không kiểm soát được, vốn đã bùng nổ trong những năm gần đây. Rất khó có thể đưa ra con số chính xác về sự phát triển của ngành thẩm mỹ này.
Các nhà nghiên cứu thị trường Grand View Research định giá ngành công nghiệp tiêm thẩm mỹ mặt tại Australia ở mức 4,3 tỷ USD vào năm ngoái với mức tăng trưởng dự kiến hơn 25% mỗi năm cho tới năm 2030.
Trong khi một số người gặp phải những vấn đề lớn khi tiêm thẩm mỹ, nhiều người lại cho biết họ hài lòng và hạnh phúc ra sao với kết quả đạt được. Họ đề cao yếu tố dễ dàng tiếp cận, những thay đổi tức thì về ngoại hình cũng như giá thành tương đối thấp khi so sánh với phẫu thuật thẩm mỹ.
Tiến sĩ Cara McDonald, bác sĩ da liễu ở Melbourne (Australia) với khoảng 15 năm kinh nghiệm ở mảng tiêm thẩm mỹ, cho biết nhu cầu đã “tăng vọt”. “Phương pháp làm đẹp này đã bùng nổ và gần như trở thành một phần bình thường của việc tự chăm sóc bản thân”, vị chuyên gia nói.
Cô chia sẻ thêm, trong khi một số người, nhất là những khách hàng lớn tuổi, rất kín tiếng trong việc can thiệp thẩm mỹ, ngày càng nhiều người trẻ ở Australia khoe khoang về vấn đề này.
“Giống như mang một chiếc túi xách hàng hiệu, giới trẻ muốn việc tiêm chất làm đầy được chú ý vì đó là một phần của vị thế xã hội. Các thế hệ trẻ thực sự xem đó là điều không có gì đáng xấu hổ hay kỳ thị”, Tiến sĩ Cara McDonald nêu ý kiến.
Bất chấp mức độ phổ biến và những nguy hiểm nghiêm trọng về cả tinh thần lẫn thể chất mà người tiêm có thể gặp phải, các phương pháp làm đẹp bằng cách tiêm đã bị loại khỏi cuộc đánh giá độc lập về phẫu thuật thẩm mỹ tại Australia, do Cơ quan Quản lý Hành nghề Y tế Australia (Ahpra) ủy quyền.
Theo quy định, đơn thuốc tiêm phải do bác sĩ kê nhưng những người thực hiện không cần phải hoàn thành khóa đào tạo về tiêm thẩm mỹ, ngoài việc đạt tiêu chuẩn sức khỏe chung. Điều này khiến nhiều nha sĩ và y tá cũng có thể tiến hành thủ thuật.
Ahpra hy vọng tất cả nhân viên sẽ tự đánh giá chuyên môn, hành nghề trong phạm vi năng lực và được đào tạo bài bản. “Chúng tôi có thể và sẽ hành động nếu xác định rằng người trong ngành gây rủi ro cho người dân”, đại diện của cơ quan này cho biết.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Cara McDonald cảnh báo mọi người đối mặt với nguy cơ bị tiêm hỏng cao hơn cho tới khi ngành công nghiệp tiêm thẩm mỹ được kiểm soát và chuyên nghiệp hóa. “Bạn có muốn đến một tiệm làm tóc mới mở, chưa từng học nghề và để họ cắt tóc cho mình không? Chúng ta đang để chuyện tương tự diễn ra với khuôn mặt của mình. Có nhiều người tiêm là y tá giỏi và giàu kinh nghiệm hơn là bác sĩ nhưng không có tiêu chuẩn nào mà họ phải đạt được”, nữ tiến sĩ nói.
Khi dịch vụ tiêm thẩm mỹ thịnh hành, nhiều quốc gia trên thế giới đang phải vật lộn để điều chỉnh hoạt động kinh doanh đang bùng nổ này. Gần đây, chính phủ Anh đã công bố luật để đảm bảo tất cả những người hành nghề tiêm botox hoặc filler phải có giấy phép, sau khi có báo cáo gia tăng về các thủ tục thẩm mỹ chui.
Tiến sĩ Alicia Teska, bác sĩ thẩm mỹ làm việc trong lĩnh vực y học thẩm mỹ không phẫu thuật tại cơ sở ở Melbourne từ đầu những năm 2000, chia sẻ: “Tôi thực sự cảm thấy khá buồn về những gì đang diễn ra, không chỉ vì ảnh hưởng của chúng đến tính chuyên nghiệp của ngành mà tôi vô cùng quan tâm tới sự an toàn của nữ giới và ngày càng nhiều nam giới trẻ tuổi”.
“Nó gần giống như một thế giới hỗn loạn mà những người trẻ hiện nay đang sống. Chính những người trẻ sẽ gặp rủi ro cao nhất vì họ không biết rằng rất nhiều hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội là không có thật”, vị chuyên gia này nói thêm.
Theo Tiến sĩ Alicia Teska, bệnh nhân thường muốn trông giống những gì họ thấy trên mạng, có thể là ảnh đã qua chỉnh sửa của người khác hoặc ảnh dùng filter (bộ lọc) của chính mình. Việc này khiến họ trở thành “miếng mồi” của những kẻ tiêm thẩm mỹ chui, coi tiền bạc quan trọng hơn sự an toàn của khách hàng.
Nhiều chuyên gia phẫu thuật, bác sĩ và người tiêm đã bày tỏ lo ngại về cách các phương pháp làm đẹp bằng đường tiêm được quảng cáo thông qua mạng xã hội. Theo Tiến sĩ Cara McDonald, nhiều người hành nghề trẻ tuổi mới tham gia vào ngành công nghiệp này coi đây là điều hấp dẫn. Họ đăng các bài viết lên mạng xã hội để câu kéo mọi người sử dụng dịch vụ của mình.
Tiến sĩ Cara McDonald hy vọng chính phủ, các cơ quan quản lý và ngành công nghiệp có thể đưa ra những tiêu chuẩn tối thiểu về đào tạo người tiêm, các đơn vị có nguồn lực nhằm chấn chỉnh lại đội ngũ bác sĩ hành nghề và tuyên truyền nhiều hơn cho khách hàng về rủi ro kèm theo.
Các nhà tâm lý học cũng đề xuất việc kiểm tra sức khỏe tâm thần bắt buộc trước khi thực hiện tất cả các mũi tiêm – như trong các cuộc phẫu thuật thẩm mỹ - để ngăn tình trạng tâm lý xuất hiện trước đó của những bệnh nhân dễ bị tổn thương trở nên tồi tệ hơn và tăng nguy cơ tự làm hại bản thân.
Jayson Oates, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ mặt ở Perth (Australia), cho biết sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa các phòng khám đã làm giảm sự chuyên nghiệp hóa. “Chất làm đầy được bán tràn lan trên thị trường, mua bán nhanh chóng, dễ dàng và đơn giản, không có nhiều lời bàn tán về tác dụng phụ và giá cả ngày càng xuống thấp”, bác sĩ nói.
Theo bác sĩ Jayson Oates, sự nổi lên của những người có ảnh hưởng tiêm filler trên mạng xã hội, vốn thích khoe khoang về các phương pháp làm đẹp mà họ đã và đang thực hiện tại phòng khám, thu hút ngày càng nhiều người chi tiền vào đây nhưng không phải lúc nào cũng nhận được kết quả như ý.
Với Zeinab, cô đã bị sốc khi trở lại cơ sở thẩm mỹ sau 3 ngày tiêm filler. Gương mặt của cô biến dạng, sưng phù nhưng y tá lại nói rằng trông rất bình thường. “Y tá càng nói ‘nhìn tôi này’, tôi càng muốn chết. Ngay từ đầu đã là lỗi của tôi. Đáng lẽ tôi phải nhìn thấy khuôn mặt tiêm đầy filler của cô ấy từ đầu và bỏ chạy”, người phụ nữ kể.
Sau đó, cô phải chi thêm 450 USD (khoảng 10,7 triệu đồng) để tiêm dung dịch hòa tan chất làm đầy bằng một loại enzyme gọi là hyaluronidase, mà không cần kiểm tra dị ứng hoặc bất kỳ lời giải thích nào về tác dụng phụ có thể xảy ra. Zeinab còn nhớ cảnh máu chảy xuống áo phông khi cô được tiêm chất hòa tan lên mặt.
“Người tiêm chẳng quan tâm đâu. Bất cứ ai cũng có thể dùng một cây kim và hủy hoại cuộc sống của bạn”, cô nói.
Nội dung: The Guardian
Thiết kế: Đinh Kim
Ảnh: Freepik, NBC News, Peastock, Hudabeauty
DOISONGPHAPLUAT.COM |