Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Khốc liệt cuộc chiến taxi công nghệ, người dùng hưởng lợi

(DS&PL) -

Sau khi Uber rút khỏi thị trường Việt Nam, các hãng taxi truyền thống đang cố gắng tranh thủ chiếm thị phần trước khi có các hãng nước ngoài tiếp tục nhảy vào cuộc chơi.

Sau thời gian dài để Uber, Grab “làm mưa làm gió”, gần đây các hãng công nghệ, hãng vận tải đã đổ vốn đầu tư vào lĩnh vực này sau khi Uber rút khỏi thị trường Việt Nam. Điều này hứa hẹn thị trường taxi thời gian tới sẽ có sự cạnh tranh không khoan nhượng, tất cả cùng phải thay đổi để thu hút khách hàng.

Thị trường taxi thời gian tới sẽ có sự cạnh tranh không khoan nhượng, tất cả cùng phải thay đổi để thu hút khách hàng.

Doanh nghiệp Việt Nam vào cuộc rầm rộ

Dù tới nay hành lang pháp lý với loại hình taxi công nghệ còn “bỏ ngỏ”, nhưng sau khi Uber rút khỏi thị trường Việt Nam, đã có hàng loạt phần mềm đặt xe taxi, xe ôm mới do các nhà phát triển trong nước tham gia thị trường. Các phần mềm của Việt Nam đang cố gắng tranh thủ chiếm thị phần trước khi có các hãng nước ngoài tiếp tục nhảy vào cuộc chơi.

Mới nhất, ngày 12/6, nhóm nhà khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội đã cho ra đời ứng dụng đặt xe taxi Emddi. Ông Đào Kiến Quốc, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, Emddi là hệ thống đầu tiên ở Việt Nam và thế giới cho nhiều hãng taxi cùng vận hành trên một ứng dụng. Các hãng vận tải có thể tự thiết lập dịch vụ theo nhu cầu của mình trên phần mềm Emddi, như xe ôm, taxi, giao hàng, tính cước, khuyến mại...

“Dù được sử dụng cho nhiều hãng vận tải, nhưng người dùng chỉ cần cài 1 app duy nhất. Khi tới địa phương bất kỳ, phần mềm sẽ tự động kết nối với các hãng vận tải của địa phương đó để người dùng lựa chọn, hoặc phần mềm sẽ tự động chọn xe. Emddi không kinh doanh vận tải, chỉ cung cấp nền tảng công nghệ để kết nối các hãng taxi, lái xe với khách hàng”, ông Quốc nói.

Theo ông Quốc, cước chuyến đi sẽ được tính toán trên cài đặt của các hãng vận tải (giá mở cửa, giá từng kilomet, giá chờ...) và phần mềm sẽ công bố tới khách hàng, đảm bảo minh bạch, cạnh tranh, so sánh giá... Emddi đã được vận hành thử trước khi công bố, Bộ GTVT cũng cấp phép tham gia thí điểm ứng dụng công nghệ trong vận tải hành khách. 

Trước đó ít ngày, ứng dụng gọi xe Aber của nhóm kỹ sư Việt Nam du học ở Châu Âu cũng được ra mắt tại TP.HCM. Phần mềm này sẽ cung cấp các dịch vụ gọi xe ôm, taxi, giao hàng, xe doanh nghiệp... Nhóm nghiên cứu này cũng tự tin công bố giá cước cạnh tranh, nhiều ưu đãi, chiết khấu phù hợp với tài xế. 

Thêm nữa, sau khi Uber rời thị trường Việt Nam, FastGo cũng ra mắt tại thị trường Hà Nội; trong khi Công ty CP Phương Trang cũng tuyên bố rót hơn 2.000 tỷ đồng vào ứng dụng Vato. Trước Vato cũng có gần 10 hãng taxi công bố phần mềm đặt xe của riêng mình, như Mai Linh, Vinasun, Thành Công, Taxi Group... 

“Cuộc chiến” taxi công nghệ đang nóng lên từng ngày, khi không chỉ các nhà cung cấp trong nước, các ông lớn khác của khu vực cũng tích cực chuẩn bị cho việc thâm nhập thị trường Việt Nam. Điển hình là ứng dụng gọi xe MVL (Singapore), Go-Viet (thành viên Go-Jek, Indonesia) cũng chuẩn bị thâm nhập thị trường Việt Nam trong vài tháng tới. 

“Cuộc chiến” khốc liệt 

Ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Khoa học Công nghệ (Bộ GTVT) cho rằng, với việc Emddi tham gia thị trường, các doanh nghiệp taxi truyền thống sẽ cởi bỏ nút thắt trong cạnh tranh với taxi công nghệ như Grab. Ngoài ra, phần mềm này cho phép các hãng vận tải tự cài đặt dịch vụ, tính cước của riêng mình, nên vẫn đảm bảo cạnh tranh, cho phép người dùng lựa chọn hãng nên rất có lợi cho khách hàng.

Ứng dụng Emddi do nhóm nhà khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội nghiên cứu và thiết kế.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh đánh giá, với hàng loạt ứng dụng gọi xe tham gia thị trường, đặc biệt từ các nhà phát triển Việt Nam, thời gian tới cuộc chiến taxi công nghệ sẽ rất khốc liệt. Theo ông Thanh, dù thị trường sẽ cạnh tranh khốc liệt, nhưng đổi lại các hãng xe sẽ hoạt động minh bạch, công khai hơn, người tiêu dùng nhiều lựa chọn hơn. Đồng thời, tới một thời điểm nào đó, khi Grab không còn tiếp tục “tung tiền” khuyến mại, người dùng sẽ ít đi, khi đó các ứng dụng mới của Việt Nam sẽ có cơ hội cạnh tranh thị phần. 

Ông Thanh cho rằng, những năm qua các phần mềm đặt xe của hãng taxi Việt phát triển chưa được nhiều khách hàng lựa chọn, do tính tiện dụng chưa cao, đặc biệt giá cước khó cạnh tranh với Uber, Grab. Tuy nhiên, sau một thời gian “đấu tranh” không mang lại nhiều hiệu quả với Uber, Grab, các hãng taxi truyền thống đã tự thay đổi mình. Đồng thời, các ứng dụng mới ra đời cũng rút ra nhiều kinh nghiệm thời gian qua, để ưu việt hơn, cạnh tranh hơn cả về tính tiện dụng lẫn giá cước. 

“Dù cơ quan nhà nước còn lúng túng trong quản lý taxi công nghệ, nhưng điều đó không còn quan trọng khi thị trường sẽ tự điều tiết, ai tốt sẽ được khách hàng lựa chọn. Dư địa thị trường vẫn còn đó, ứng dụng nào đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng sẽ còn nhiều cơ hội phát triển”, ông Thanh nói. 

Còn ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, chắc chắn thời gian tới thị trường taxi công nghệ sẽ còn cạnh tranh khốc liệt hơn nữa. Ngay Uber, Grab, dù được cấp phép hay không họ vẫn hoạt động, nên các hãng taxi truyền thống cũng tự thay đổi mình, úng dụng công nghệ thông tin nhiều hơn để giảm chi phí, từ đó giảm giá cước. 

Theo ông Hùng, các hãng taxi truyền thống đang bắt tay nhau cùng liên kết, nâng cao chất lượng xe, thái độ phục vụ, giảm giá cước... để cạnh tranh trong thời kỳ mới. “Taxi truyền thống đã nhận ra điểm yếu của mình, nên thời gian tới sẽ tiếp tục thay đổi mình để cạnh tranh hơn. Cùng đó, taxi truyền thống sẽ kết hợp với công nghệ qua các ứng dụng dùng chung hoặc riêng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu hành khách”, ông Hùng nói. 

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Tuấn (Giám đốc Hợp tác xã vận tải giao thông Toàn Cầu) cho rằng: “Tại thời điểm hiện tại, taxi truyền thống cạnh tranh với Grab là bất khả thi. Các hãng taxi muốn thành công hơn cần phải có một hướng đi riêng, khác biệt hẳn”.

Mới đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) đã ban hành quyết định điều tra việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam. Thời hạn điều tra trong 180 ngày, kể từ ngày 18/5. Trong trường hợp cần thiết, có thể gia hạn không quá hai lần, mỗi lần không quá 60 ngày. Sau khi kết thúc điều tra, cơ quan này sẽ chuyển hồ sơ vụ việc để Hội đồng cạnh tranh tiến hành xử lý theo quy định.

Xuân Đoàn

Tin nổi bật