Phát biểu mở đầu buổi nói chuyện, PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh – Trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật nhấn mạnh: Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09 tháng 11 năm 2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đặc biệt chủ trọng đến việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật trong giai đoạn mới.
Cụ thể, Nghị quyết số 27-NQ/TW coi nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật là một trong những nội dung trọng tâm của việc tiếp tục xây dựng và thiện Nhà nước quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, gắn việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật. Nghị quyết số 27-NQ/TW chỉ rõ: “Hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quản, bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật”.
Buổi nói chuyện chuyên đề được tổ chức nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn cho đội ngũ giảng viên của Khoa Nhà nước và Pháp luật, trang bị các tri thức khoa học cho sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh của Khoa; đồng thời, phục vụ nhiệm vụ xây dựng Đề án mở mã ngành đào tạo trình độ tiến sĩ ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính mà Khoa Nhà nước và Pháp luật đang được Ban Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia giao thực hiện.
GS.TS. Võ Khánh Vinh chia sẻ tại buổi nói chuyện chuyên đề
Chia sẻ tại buổi nói chuyện, GS.TS. Võ Khánh Vinh nhấn mạnh nghiên cứu luật học hiện nay được tiếp cận dưới ba góc độ: luật học hàn lâm, luật học thực tiễn và luật học đào tạo. Các góc độ này có mối quan hệ biện chứng khăng khít với nhau. Nghiên cứu luật học hiện nay giúp phát triển nguồn nhân lực pháp luật, giúp nâng cao năng lực dự báo và giúp truyền bá và tiếp biến văn hóa pháp luật trong đời sống xã hội. Nhiệm vụ của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là xây dựng hệ thống pháp luật bởi hiện thực pháp luật gắn với tồn tại xã hội, như một dòng chảy gắn với logic phát triển của xã hội loài người, hiện thực xã hội thay đổi pháp luật thực chứng cũng thay đổi theo.
Theo Giáo sư, phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu luật học trong đào tạo nhân lực pháp luật có vai trò quan trọng, trang bị cho người dạy và người học có tư duy pháp lý, tư duy biết, giải quyết vấn để pháp lý, gắn quy định pháp luật với thực tiễn pháp lý, có phương pháp phân tích pháp lý - xã hội, so sánh pháp luật, hiểu biết một cách có hệ thống các kiến thức lý luận và pháp luật cơ bản về nhà nước và pháp luật nói chung, các kiến thức lý luận và pháp luật chuyên sâu về chuyên ngành pháp luật được đảo tạo.
Bên cạnh đó, có kỹ năng phân tích pháp luật, phân tích sự kiện pháp lý và các dữ liệu và thông tin để đưa ra giải pháp xử lý các vấn đề thực tiễn trong chuyên ngành pháp được đào tạo; có kỹ năng truyền đạt tri thức, thảo luận và trao đổi các vấn đề chuyên môn thuộc chuyên ngành pháp luật được đào tạo; có kỹ năng phân tích tổng hợp và sử các công nghệ trong lĩnh vực chuyên ngành pháp luật được đào tạo.
Buổi nói chuyện chuyên đề thu hút sự tham gia của đông đảo giảng viên, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh Học viện Hành chính Quốc gia
Kết quả của nghiên cứu cung cấp dữ liệu đầu vào cho việc xây dựng và hoàn thiện chương trình đào tạo. Nhu cầu đào tạo đặt hàng cho nghiên cứu để phục vụ đào tạo. Thực tiễn cho thấy, cơ sở đào tạo luật nào coi trọng hoạt động nghiên cứu khoa học thì sẽ khơi dậy sự sáng tạo, tính tích cực, sự hãng suy nghiên cứu khoa học của cả giảng viên và sinh viên, tạo ra môi trường học thuật tốt, tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng đào tạo ở đó.
Giáo sư cũng khẳng định: một trong các cách tiếp cận trong nghiên cứu đào tạo luật học hiện nay là hướng tiếp cận đa ngành, liên ngành, xuyên ngành, đây là nhu cầu tất yếu để giải quyết các vấn đề thực tiễn về Nhà nước và pháp luật, đồng thời, xuất phát từ hoạt động đào tạo pháp luật và yêu cầu hợp tác quốc tế.
Trải qua gần ba tiếng chia sẻ, trao đổi, GS.TS. Võ Khánh Vinh đã cung cấp nhiều thông tin quý báu, có giá trị định hướng cao đối với đội ngũ giảng viên, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh của Khoa Nhà nước và Pháp luật trong nghiên cứu khoa học và nâng cao chất lượng đào tạo luật của Khoa trong thời gian tới.
Khoa Nhà nước và Pháp luật là một trong tám khoa chuyên môn thuộc Học viện Hành chính Quốc gia, hiện nay Khoa đang được Học viện giao phụ trách và quản lý ngành Luật và chuyên ngành Thanh tra thuộc ngành Luật ở bậc đại học, ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính bậc thạc sĩ và đang triển khai xây dựng Đề án mở mã ngành đào tạo trình độ tiến sĩ ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính.
Buổi nói chuyện chuyên đề hôm nay là một trong các hoạt động chuyên môn được Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức thường xuyên nhằm tạo lập môi trường nghiên cứu khoa học, giúp nâng cao chất lượng giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng của đội ngũ giảng viên và nâng cao chất lượng học tập của sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh của Khoa gắn chặt theo giá trị cốt lõi mà Học viện Hành chính Quốc gia xác định: “Trí tuệ - Chất lượng – Hiện đại”.
Thủy Tiên