Theo thông tin từ Giáo dục và Thời đại, TS Trần Mạnh Hà - Trưởng Phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng thông tin, năm 2024, nhà trường tuyển 3.514 chỉ tiêu, tăng hơn 200 thí sinh so với năm ngoái.
Trường cũng mở 2 ngành mới là Kiểm toán và Marketing. 5 chương trình đào tạo mới thì có 4 chương trình đào tạo chất lượng cao gồm: Ngân hàng và Tài chính quốc tế; Marketing số; Kinh doanh quốc tế; Kinh tế đầu tư cùng với Kiểm toán theo chương trình đào tạo chuẩn.
Năm nay, trường áp dụng 5 phương thức tuyển sinh là xét học bạ THPT (dự kiến 20% tổng chỉ tiêu), xét tuyển dựa trên chứng chỉ quốc tế (15%), xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực ĐHQG Hà Nội (15%), xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT (50%) và xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Thí sinh tới nghe tư vấn về công tác tuyển sinh của Học viện Ngân hàng năm 2024. Ảnh: Giáo dục và Thời đại.
Ở phương thức xét tuyển học bạ THPT, điều kiện nộp hồ sơ xét tuyển là thí sinh phải đạt học lực Giỏi năm lớp 12 và có điểm trung bình cộng 3 năm học của từng môn học thuộc tổ hợp của ngành đăng ký xét tuyển đạt từ 8,0 trở lên.
Với phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực, Học viện Ngân hàng xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá đầu vào đại học V-SAT, thí sinh đạt học lực Giỏi năm lớp 12.
Ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, về tiêu chí xét tuyển, thí sinh phải có tổng điểm thi tốt nghiệp THPT 2024 của các môn thuộc tổ hợp của ngành đăng ký xét tuyển đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng chung của Học viện.
Với phương thức xét tuyển dựa trên chứng chỉ quốc tế, điều kiện nộp hồ sơ xét tuyển là thí sinh có học lực Giỏi năm lớp 12 và có một trong các chứng chỉ còn hiệu lực tại thời điểm nộp hồ sơ xét tuyển gồm: Chứng chỉ SAT từ 1.200 điểm trở lên; chứng chỉ IELTS (Academic) đạt từ 6.0 trở lên; chứng chỉ TOEFL iBT từ 72 điểm trở lên.
TS Trần Mạnh Hà (giữa) - Trưởng Phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng. Ảnh: Giáo dục và Thời đại.
Học viện Ngân hàng cho biết học phí năm học 2024-2025 dự kiến dao động 25-37 triệu đồng. Trong đó, các chương trình đào tạo chuẩn thuộc nhóm ngành Kinh doanh quản lý và pháp luật thu mức 25 triệu đồng một năm; khối ngành Công nghệ thông tin 26,5 và khối ngành Nhân văn, Khoa học xã hội là 26 triệu đồng. Mức cao nhất áp dụng với các chương trình chất lượng cao.
Với chương trình liên kết quốc tế, học phí dao động 340-380 triệu đồng cho cả khóa 4 năm, có thể cao hơn nếu sinh viên chọn học năm cuối ở trường liên kết.
Năm ngoái, điểm chuẩn Học viện Ngân hàng chủ yếu quanh mức 25-26 đối với các ngành tính điểm theo thang 30. Ngành Luật kinh tế cao nhất - 26,5 điểm. Với các chương trình chất lượng cao lấy điểm chuẩn theo thang 40, mức trúng tuyển dao động 32,6 đến 32,75, VnExpress đưa tin.
Phương Linh (T/h)