Hoạt động nghiên cứu khoa học tại Agribank
Trước năm 2000, hoạt động nghiên cứu khoa học chủ yếu do một số cá nhân tham gia nghiên cứu các đề tài thuộc chương trình nghiên cứu cấp nhà nước như: Chuyên đề KX-08-03-03 “Chính sách tín dụng và các biện pháp tạo vốn ở nông thôn” thuộc đề tài KX-08-03 “Các chính sách, biện pháp hỗ trợ và khuyến khích phát triển kinh tế nông thôn” thuộc Chương trình KX-08 “Phát triển toàn diện kinh tế - xã hội nông thôn”; Đề tài IDRC 92-0011-60 “Nghiên cứu Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam” do Canada tài trợ…
Từ năm 2000, hoạt động nghiên cứu khoa học bước đầu khởi sắc được đánh dấu bằng sự ra đời của Hội đồng khoa học Agribank và ban hành 03 văn bản điều chỉnh. Với đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học và chuyên gia đầu ngành có trình độ cao đã và đang thực hiện nhiều đề tài, dự án… có đóng góp thiết thực vào công tác đào tạo và thực tiễn phát triển kinh doanh của toàn hệ thống. Tính đến nay, Hội đồng khoa học Agribank đã thông qua nội dung và đề nghị Ban lãnh đạo Agribank cho thực hiện, nghiệm thu 17 đề tài với tổng kinh phí dự toán được phê duyệt gần 2.300 triệu đồng.
Nội dung nghiên cứu đa dạng, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn đang đặt ra của Agribank, gắn với lĩnh vực cụ thể nhằm phát huy lợi thế của từng đơn vị thành viên. Các đề tài, dự án nghiệm thu đã có đóng góp quan trọng phục vụ cho hoạt động kinh doanh của Agribank, trở thành tài liệu tham khảo cho nhiều cán bộ trong ngành. Có thể kể đến như: “Xã hội hóa hoạt động ngân hàng thông qua hoạt động của tổ vay vốn và tiết kiệm trong hệ thống Agribank rút ra từ mô hình triển khai tại Agribank Chi nhánh Nam Định”; “Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên kiêm chức trong hệ thống Agribank”; “Nâng cao hiệu quả quản lý công việc kế toán thông qua quản lý định mức lao động”; “Xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm dịch vụ thẻ của Agribank giai đoạn 2015, tầm nhìn 2020”; “Nghiên cứu xây dựng phần mềm quản lý tài sản trong kho tiền áp dụng cho các Chi nhánh, Phòng Giao dịch trong hệ thống Agribank”; “Xây dựng Khung năng lực chung, Khung năng lực lãnh đạo, quản lý và các Khung chương trình đào tạo tương ứng tại Agribank”. Đặc biệt, nhiều cán bộ Agribank tham gia đề tài cấp Bộ đã được nghiệm thu đạt kết quả loại Giỏi.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội và hoạt động ngân hàng, Agribank trong thời gian qua cũng đã chủ động nghiên cứu, hợp tác và ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán và sự ra đời của nhiều mô hình dịch vụ thanh toán mới như Mã phản hồi nhanh (QR code), thanh toán di động, thanh toán phi tiếp xúc… đã đem lại cho người sử dụng những trải nghiệm mới mẻ với sự tiện ích và chi phí hợp lý. Các sản phẩm công nghệ lĩnh vực thanh toán của Agribank góp phần không nhỏ trong việc thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, cùng ngành ngân hàng thực hiện thành công chuyển đổi số, đưa công nghệ số trở thành động lực phát triển kinh tế, xã hội. Mới đây, tháng 5/2022, Agribank đã dành được giải Sao Khuê cho 10 sản phẩm công nghệ xuất sắc lĩnh vực tài chính - ngân hàng và ngân hàng số.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều đề tài khó áp dụng vào thực tiễn do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan nên không mang lại hiệu quả như mong muốn, chưa được Hội đồng khoa học, Hội đồng thành viên Agribank phê duyệt. Không ít đề tài nghiên cứu làm xong do tính thực tế chưa cao nên chưa được nghiệm thu, cũng có nhiều kết quả nghiên cứu từ các đề tài được nghiệm thu chưa được khai thác sử dụng một cách có hiệu quả, có thể do cơ chế, chính sách, do khó khăn về nguồn vốn, có thể do chủ quan con người thực hiện... Một số nghiên cứu mới chỉ dừng ở mức xuất bản thành sách và phổ biến nội bộ…
Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn kinh doanh tại Agribank thời gian tới
Để khắc phục tồn tại, nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học và thực hiện mục tiêu “khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với thực tiễn kinh doanh tại Agribank”, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp:
Một là: Đưa ra chiến lược và kế hoạch nghiên cứu khoa học. Tiếp tục khuyến khích các hoạt động nghiên cứu khoa học trên toàn hệ thống, đa dạng hoá các phương thức tổ chức nghiên cứu, cần định hướng các đề tài đi sâu vào những vấn đề có tính ứng dụng cao vào thực tiễn kinh doanh của Agribank.
Thời gian qua nền kinh tế trong và ngoài nước có nhiều khó khăn và biến động, dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường với sự xuất hiện của các biến chủng mới cản trở phát triển kinh tế, hoạt động của ngành ngân hàng cũng chịu nhiều ảnh hưởng không mấy tích cực. Nợ xấu vẫn đang là vấn đề nổi bật, tăng trưởng tín dụng thấp… tất cả những điều đó cho thấy khó khăn mà toàn hệ thống ngân hàng đang phải đối mặt. Để hỗ trợ cho hoạt động ngân hàng trong những năm tới hướng đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các nội dung nghiên cứu khoa học nên tập trung những chủ đề sau:
- Tiếp cận, nghiên cứu phát triển và áp dụng thành tựu cuộc cách mạng khoa học 4.0 vào lĩnh vực ngân hàng để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.
- Giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô, tăng trưởng tín dụng hợp lý, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
- Giải pháp phát triển dịch vụ ngân hàng nhằm hạn chế ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, thiên tai; Nghiên cứu thay đổi hành vi của khách hàng và hoạt động kinh doanh của ngân hàng hậu Covid-19.
- Tín dụng ngân hàng góp phần phát triển cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào nền sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam; Giải pháp khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao…
- Xây dựng các công cụ, mô hình đo lường rủi ro tại các Ngân hàng thương mại; theo dõi chặt chẽ các trạng thái rủi ro, đẩy mạnh công tác cảnh báo sớm về khả năng vi phạm các hạn mức rủi ro, đảm bảo tuân thủ quy định của NHNN.
- Triển khai số hóa các sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Chú trọng thiết kế và triển khai các sản phẩm dịch vụ hướng tới nâng cao trải nghiệm của khách hàng, các sản phẩm cho vay có giá trị nhỏ phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng cá nhân…. Trên CDM, mobile, intenet và phát triển Kiosk ngân hàng số qua đó thúc đẩy các hoạt động bán hàng trên kênh này.
- Giải pháp phòng ngừa rủi ro, giảm thiểu tác động cho các NHTM Việt Nam đối với các lệnh trừng phạt, cấm vận.
- Giải pháp áp dụng chỉ tiêu Môi trường - Xã hội - Quản trị (ESG) vào quản trị kinh doanh của ngân hàng.
- Tiền tệ kỹ thuật số, hợp nhất hệ sinh thái ngân hàng truyền thống và hiện đại, cách thức phân bổ và cơ cấu lại nguồn lực lao động chinh phục công nghệ số…
Hai là: Thúc đẩy hoạt động thực hiện đề tài, sáng kiến toàn hệ thống nhằm phát hiện và điều chỉnh kịp thời những hạn chế kém hiệu quả trong hoạt động kinh doanh và quản trị điều hành, đồng thời khai thác các tiềm năng còn chưa phát hiện của các đơn vị trong hoạt động kinh doanh.
Ba là: Đổi mới công tác đào tạo, đặc biệt là chất lượng các tài liệu giảng dạy với mục tiêu trang bị kiến thức và kỹ năng cho cán bộ đáp ứng yêu cầu của hoạt động kinh doanh trong giai đoạn mới - hội nhập kinh tế quốc tế.
Bốn là: Tăng cường và đổi mới phương thức hoạt động của Hội đồng khoa học Agribank, khai thác thế mạnh của Hội đồng khoa học trong việc tư vấn, lựa chọn các giải pháp khoa học trong quản trị điều hành tại Agribank.
Năm là: Tạo điều kiện về thời gian cũng như chế độ đãi ngộ thoả đáng cho cán bộ tham gia nghiên cứu khoa học, nhân lực chất lượng cao về lĩnh vực công nghệ thông tin… giúp họ có nhiều cơ hội tiếp xúc, tham gia hoạt động nghiên cứu, các Hội thảo trong và ngoài hệ thống…
Sáu là: Tiếp tục phổ biến ứng dụng vào hoạt động kinh doanh của Agribank các kết quả nghiên cứu của các đề tài, sáng kiến đã được nghiệm thu.
Bảy là: Có cơ chế biện pháp, phối hợp, trao đổi và tăng cường mối quan hệ về quản lý và nghiên cứu đề tài khoa học với các Trường Đại học, Viện và NHTM khác… Phối hợp tổ chức Hội thảo, tọa đàm khoa học, tạo cơ hội cho cán bộ tâm huyết cùng tiến hành nghiên cứu, trao đổi… để phát huy được thế mạnh của mỗi đơn vị.
Thời gian tới, bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới có những dấu hiệu hồi phục đáng khích lệ cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên thì chắc chắn bức tranh khoa học của Agribank sẽ ngày một phát triển hơn và các kết quả mà nghiên cứu khoa học tạo ra sẽ phục vụ một cách hiệu quả và thiết thực cho sự phát triển bền vững của Agribank.
Nguyễn Thị Gấm