Vụ việc 7 bà cháu hôn mê do ngạt khí thải máy phát điện khiến nhiều người chú ý tới dụng cụ đang được không ít gia đình mua về dùng trong nhà này.
Trao đổi với báo Vietnamnet, bác sĩ Vũ Ngọc Chức, Trưởng khoa Cấp cứu, bệnh viện quận Thủ Đức cho hay, chiều 12/6 bệnh viện tiếp nhận 7 ca trong cùng một gia đình bị hôn mê do ngạt khí. Trong đó, có một bé gái do hít nhiều khí CO2 nên suy hô hấp nặng, ngưng tim ngưng thở do thiếu oxy máu. Mặc dù các bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa hơn một tiếng đồng hồ nhưng bé không qua khỏi.
6 bà cháu hiện đã qua khỏi tình trạng nguy kịch, tiên lượng tốt. Bà Phụng có dấu hiệu nhiễm toan chuyển hóa, suy hô hấp nhưng cũng đã khá ổn định, 2 bé bị suy hô hấp, được thở oxy và truyền dịch, 2 bé ảnh hưởng nhẹ hiện đang được theo dõi tại khoa Nhi.
Các bác sĩ đang cấp cứu cho các nạn nhân bị ngạt khí - Ảnh: internet |
Công an phường Hiệp Bình Phước và Công an quận Thủ Đức đã có mặt lấy lời khai các nhân chứng, khám nghiệm hiện trường và thu một máy phát điện chạy bằng dầu. Được biết, do hoàn cảnh khó khăn, không có tiền đóng tiền điện nên gia đình ông Hai bà Phụng đã bị ngừng cung cấp điện từ lâu. Máy phát điện chạy bằng dầu được mượn về để cung cấp điện cho gia đình.
Theo các chuyên gia, việc sử dụng máy phát điện trong phòng kín, nhất là khi ngủ có thể lấy mạng con người chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ bởi khí thải từ máy phát điện vô cùng độc hại.
Máy phát điện sử dụng xăng, dầu để hoạt động, khi chạy máy phát điện có thể lấy đi oxy trong không khí, đồng thời thải ra khí CO (cacbon monoxit) độc hại. Hai tác động đồng thời này là nguy cơ khiến những người trong phòng kín nhanh chóng rơi vào cái chết “êm dịu”.
Máy phát điện chạy bằng xăng dầu sản sinh ra rất nhiều khí CO. Ảnh minh họa |
Khí CO không màu, không mùi, nhẹ bằng không khí chính là thủ phạm gây ngạt. Khi hít phải không khí có chứa dù chỉ 0,1% cacbon monoxit, con người có thể bị giảm lượng oxy trong máu, tổn thương hệ tuần hoàn và thần kinh, nguy hiểm tính mạng, TS. Nguyễn Bá Trinh, Phòng Công nghệ chất thải Viện Hóa học, cho biết.
Dấu hiệu ngộ độc CO bao gồm: Nhức đầu, chóng mặt, yếu, buồn nôn, nôn mửa, đau ngực và lú lẫn.
Ngoài ra, TS. Nguyễn Văn Khải, Giám đốc Trung tâm đèn tiết kiệm điện năng, cho biết ngoài CO, máy phát điện tạo ra nhiều khí độc hại với hệ hô hấp của con người như hơi xăng thừa, CO2, SO2, NO2, bụi than...
Theo tiêu chuẩn thì ở nơi sinh hoạt bình thường, lượng SO2 cho phép là 0,075 mg/m3. Trong khi đó, nếu chạy máy phát điện một giờ trong phòng thì lượng khí này lên đến 9 g/m3. Nếu người sử dụng máy phát điện đóng kín cửa thì chỉ sau một giờ là bị ngạt, gây hại thần kinh, hôn mê hoặc tử vong.
Những vụ ngộ độc khí gây chết người hầu như năm nào cũng diễn ra. Ảnh: Người lao động |
Theo PGS Trần Hồng Côn – Khoa Hóa học, trường Đại học Tự nhiên Hà Nội, năm nào cũng có vụ ngộ độc khí thương tâm và các bác sĩ đều cảnh báo, chuyên gia cũng lên tiếng nhưng vẫn có những vụ việc đau lòng xảy ra. PGS Hồng Côn khẳng định, tuyệt đối không sử dụng hình thức đốt cháy để sưởi ấm hoặc nấu nướng trong không gian kín, kể cả dùng khí gas.
Để phòng tránh tai nạn này, theo PGS Phạm Duệ - nguyên Giám đốc trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai khuyên người dân hãy đặt máy phát điện ngoài nhà, hoặc trên sân thượng, trong khu vực thoáng gió và cách biệt với các phòng ngủ và phòng khách, bếp và cầu thang lên tum vì khí CO và CO2 sẽ theo cầu thang chìm xuống các tầng dưới gây độc.
Minh Khôi (T/h)