Các hoàng đế Trung Quốc hiếm có người ngồi ăn cùng, họ thưởng thức mâm cơm một mình. Chúng đều được chuẩn bị theo chế độ nghiêm ngặt, đảm bảo cân bằng dinh dưỡng.
Chế độ ăn uống của các vua chúa Trung Quốc thường tuân thủ theo nguyên tắc cân bằng dinh dưỡng, đơn giản hóa nếu không có sự kiện quan trọng. Đặc biệt, vua nhà Minh, Thanh đều ăn theo nguyên tắc kiêng khem để tăng cường sức khỏe.
Chế độ ăn uống căn bằng
Theo ghi chép cổ của Trung Quốc, các món ăn không nên chỉ có một thành phần hoặc quá đơn điệu. Mỗi món ăn cần phải đa dạng, là kết hợp của nhiều thành phần, thực phẩm hợp lý, tạo nên sự hài hòa trong dinh dưỡng và hương vị.
Hài hòa trong quan niệm của Trung Quốc có nghĩa là thực phẩm nên bao gồm 5 loại ngũ cốc và 5 hương vị. Người dân nước này quan niệm chỉ khi ăn ngũ cốc kèm theo thực phẩm có đủ 5 vị ngọt, đắng, chua, mặn, cay, cơ thể mới thu nạp đầy đủ dưỡng chất, kích thích sự thèm ăn và duy trì sức khỏe dẻo dai.
Bữa ăn cho các hoàng đế Trung Quốc chú trọng sự hài hòa, đa dạng - Nguồn: Pinterest.
Một bữa ăn bao gồm các món nóng, nguội, thịt, rau, bánh ngọt - mặn, súp lỏng - đặc, sữa, dưa chua, cơm, thực phẩm từ lúa mì, tráng miệng và trái cây.
Đồng thời, nhà bếp có trách nhiệm điều chỉnh chế độ ăn của vua chúa theo mùa.
Các món ăn nhẹ, thanh mát phục vụ vào mùa hè. Thực phẩm bổ dưỡng dành riêng cho mùa đông.
Họ quan niệm thức ăn nhẹ, dễ tiêu làm tăng chất lỏng trong cơ thể. Ngược lại, bữa ăn bổ dưỡng tạo ra nhiều năng lượng chống chọi cái lạnh giá của mùa đông.
An toàn được đặt lên hàng đầu
Đối với những Hoàng đế Trung Hoa, thứ họ coi trọng hơn cả không phải là hương vị hay mức độ quý giá của món ăn mà lại là tính an toàn. Quá trình thử độc cho nhà vua trước mỗi bữa ăn mới thực sự là bước cầu kỳ và tốn kém và cũng đầy nguy hiểm.
Dụng cụ ăn uống của vua cũng chủ yếu làm từ vàng, bạc và đồ gốm hảo hạng. Riêng đồ dùng của vua Càn Long hầu hết đều bằng từ bạc. Người xưa thường hạ độc bằng thạch tín (asen), nếu đồ ăn có chứa thứ này thì bạc sẽ biến thành màu đen.
Vì thế khi dâng món ăn lên vua lúc nào cũng phải kèm theo một thanh bạc. Trước sự chứng kiến của vua, thái giám sẽ dùng thanh bạc để thử độc trong đồ ăn. Nếu Sau khi vua ngự xong, mỗi món sẽ được lưu lại một ít ở Ngự thiện phòng để lỡ có chuyện thì dễ dàng kiểm tra, đối chiếu.
Hoàng đế Trung Quốc có thể ăn ở bất kỳ nơi nào, không cầu kỳ địa điểm - Nguồn: Pinterest.
Dưới thời nhà Thanh, Ngự Thiện Phòng, thuộc quản lý trực tiếp và điều hành của Phủ Nội vụ. Ở đây có một vài đại thần phụ trách công việc chuyên môn và đều là những người vô cùng thân tín với hoàng thượng.
Mục đích của việc này là tránh việc có người bỏ độc vào những món ăn của hoàng thượng. Sau khi món ăn được đưa lên sẽ được thử bằng đũa bạc, khi đũa có biểu hiện an toàn thì vua mới dùng bữa.
Để tránh việc bị hạ độc, hoàng thất Mãn Thanh vốn có gia quy, Hoàng đế khi dùng bữa tuyệt đối không được ăn quá 3 miếng cho mỗi món. Quy củ này lập ra để tránh việc sở thích của Thiên tử bị tiết lộ ra ngoài, từ đó nhằm phòng ngừa những kẻ có ý đồ xấu.
Bởi vậy, nghề đầu bếp trong cung là nghề đùa với quỷ. Chỉ cần sơ xuất là có thể mất đầu. Sử sách từng ghi chép: Đầu bếp của Tấn Linh Công bị giết vì món tay gấu chưa chín kỹ; đầu bếp của Tấn Văn Linh suýt mất đầu vì món ăn của vua có dính một sợi tóc. Nhờ trí thông minh, lý luận sắc bén mà ông này đã thoát tội.
Thực phẩm là liều thuốc
Các hoàng đế triều Thanh ăn nhiều thực phẩm chứa dược tính, có tác dụng chữa bệnh. Nhiều ghi chép cho thấy họ sử dụng rượu, nước trái cây, chiết xuất hoa quả, đường như một liều thuốc từ tự nhiên. Điển hình là rượu Songling Taiping giúp bổ thận tráng dương, rượu trường thọ, rượu thuốc cho người già, rượu Zhuangyuan để tăng cường sức khỏe cho lá lách và thận...
Những thực phẩm này được sử dụng để kích thích dạ dày, thận và tăng cảm giác thèm ăn; giảm nóng trong, đờm, bồi bổ cơ thể và kéo dài tuổi thọ.
Hoàng đế sợ bị ám sát và đầu độc nên mỗi bữa ăn đều phải kiểm tra kỹ, bao gồm cả có người nếm trước - Nguồn: SCMP.
Các hoàng đế nhà Thanh thường dùng bữa một mình trừ những buổi lễ đặc biệt, thậm chí không có niềm vui của bữa ăn gia đình.
Theo SCMP, ngay cả khi vua Càn Long mời các mỹ nữ, cung tần hoặc quan khách đến dùng bữa cùng, nghi thức hoàng gia quy định trừ thái hậu, toàn bộ người có mặt phải đứng khi hoàng đế ăn. Hoàng hậu và các phi tần không ăn chung với vua mà ngồi tại cung điện riêng của họ.
Phương Linh (T/h)