Thời gian qua, nhiều cánh rừng phòng hộ nằm trên địa bàn huyện An Lão (Bình Định) bị người dân địa phương lén lút khai thác trái phép, xâm hại nghiêm trọng.
Không chỉ vậy, một doanh nghiệp “nấp” sau hợp đồng khai thác rừng trồng, phá luôn cả rừng phòng hộ.
|
Rừng phòng hộ thuộc tiểu khu 34 nằm trên địa bàn xã An Hòa (An Lão) bị khai tử. |
Ung dung phá rừng
Theo ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) huyện An Lão, trong thời gian gần đây, những cánh rừng phòng hộ nằm tại tiểu khu 22 thuộc xã An Tân và tiểu khu 34 thuộc xã An Hòa liên tục bị người dân địa phương khai thác trái phép.
“Té nước theo mưa”, nhiều hộ dân khác tại 2 địa phương nói trên “ăn theo” những người phá rừng trái phép, ùa vào rừng giành lại đất rẫy cũ gây náo loạn cả cánh rừng vốn yên tĩnh.
“Trước đó, BQLRPH An Lão đã phát hiện nhiều vụ vi phạm, lập biên bản và đề nghị xử lý nhưng vẫn không thể làm dịu tình hình. Nhất là tình trạng tranh giành lại đất rẫy cũ đã gây mất trật tự xã hội trên địa bàn, công tác quản lý bảo vệ rừng của chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn”, ông Thoàn, phó giám đốc BQLRPH huyện An Lão than thở.
Đáng quan ngại hơn, một doanh nghiệp đã lợi dụng hợp đồng khai thác rừng trồng, trong quá trình khai thác đã đốn sạch nhiều diện tích rừng phòng hộ, nằm ngoài thiết kế thuộc tiểu khu 29 và 38, trên địa bàn xã An Vinh. Vụ việc nghiêm trọng nói trên kéo dài nhiều tháng liền nhưng vẫn chưa được giải quyết tận gốc.
Theo BQLRPH huyện An Lão, sau khi các cấp có thẩm quyền của huyện này đưa ra chủ trương bán đấu giá tài sản, giữa tháng 2/2014, BQLRPH huyện An Lão đã ký hợp đồng với ông Nguyễn Công Thành, đại diện công ty Cổ phần Nguyệt Anh, đóng tại TP Quy Nhơn (Bình Định), đơn vị trúng thầu khai thác gỗ rừng trồng phòng hộ tại tiểu khu 29 và 38 xã An Vinh.
Không chỉ khai thác gỗ rừng trồng theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt, công ty Nguyệt Anh còn khai thác trái phép nhiều diện tích rừng phòng hộ nằm kế cận. Tính đến nay, công ty này đã 5 lần bị đơn vị giám sát (thuộc BQLRPH An Lão) lập biên bản vi phạm về hành vi khai thác, mở đường và phá rừng phòng hộ trái phép tại hai tiểu khu trên.
Khi được các cơ quan chức năng mời đến làm việc về những hành vi vi phạm nói trên, ông Nguyễn Công Thành thừa nhận: Công ty đã khai thác ngoài hồ sơ thiết kế gỗ rừng trồng phòng hộ tại lô a, a1, khoảnh 2; lô b, khoảnh 4; lô c, khoảnh 5 thuộc tiểu khu 38 xã An Vinh, số lượng gồm 92 cây keo lai với trữ lượng 28,8m3 gỗ.
Ngoài ra, công ty cũng đã tự ý thuê xe đào đất mở đường khai thác trên diện tích đất rừng 6.400m2, đồng thời khai thác 112 cây keo lai thuộc rừng phòng hộ được trồng vào năm 2003 nằm trên các tuyến đường đã mở. Toàn bộ khối lượng gỗ khai thác ngoài hồ sơ thiết kế đã được vận chuyển về công ty Nguyệt Anh ở cụm công nghiệp Bồng Sơn (Hoài Nhơn).
Tuy nhiên, ông Thành lại chống chế: “Do ranh giới giữa các luống rừng trong thiết kế và các luống rừng ngoài thiết kế nằm gần nhau (dù có khoảng cách đến 5m) nên các đơn vị đã khai thác… nhầm. Việc tự ý mở đường, chặt phá rừng phòng hộ trái phép là để thuận lợi cho việc vận chuyển, thu gom gỗ được phép khai thác của công ty Nguyệt Anh”.
Xử lý nghiêm
Với những hình thức và mức độ vi phạm của công ty Nguyệt Anh tại các tiểu khu 29, 38 xã An Vinh, ông Nguyễn Thanh Sinh, hạt trưởng hạt Kiểm lâm huyện An Lão, khẳng định: “Công ty Nguyệt Anh đã vi phạm khai thác trái phép rừng phòng hộ”.
“Vụ việc khai thác trái phép rừng phòng hộ trên địa bàn xã An Vinh, chúng tôi đã được hạt Kiểm lâm huyện An Lão báo cáo. Chúng tôi đã tạm đình chỉ việc khai thác rừng phòng hộ tại xã này theo hồ sơ đã được phê duyệt trong thời gian chờ xử lý vi phạm”, ông Nguyễn Hiếu Hòa, phó giám đốc sở NN - PTNT Bình Định cho biết.
Theo ông Sinh, Nghị định số 157/2013/NĐ-CP (ngày 11/11/2013) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ và quản lý lâm sản đã nêu rõ: Mức tối đa xử phạt vi phạm hành chính đối với gỗ không thuộc loài nguy cấp, quý hiếm, khai thác rừng phòng hộ trái phép bị phạt tiền từ 50 - 100 triệu đồng nếu khai thác từ trên 8m3 đến 15m3 gỗ.
Vậy việc khai thác rừng phòng hộ trái phép hơn 20m3 gỗ tròn không thuộc loài nguy cấp, quý hiếm của công ty Nguyệt Anh là vượt quá mức tối đa xử phạt vi phạm hành chính, phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Ngoài xử phạt theo đúng luật định, chúng tôi còn buộc công ty Nguyệt Anh phải trồng lại rừng trên toàn bộ diện tích đã vi phạm”, ông Sinh cho biết.
Trước vi phạm của công ty Nguyệt Anh đối với những cánh rừng phòng hộ trên địa bàn, UBND huyện An Lão đã vào cuộc kiên quyết. Gần đây, UBND huyện đã tổ chức riêng một cuộc họp để bàn biện pháp xử lý những hành vi vi phạm khai thác trái phép rừng phòng hộ, nhất là vụ việc xảy ra tại xã An Vinh.
Tại cuộc họp này, ông Bùi Tiến Dũng, phó chủ tịch UBND huyện An Lão đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, xác minh cụ thể hành vi, mức độ vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng và vi phạm về quản lý đất đai của công ty Nguyệt Anh để xử lý đúng theo quy định của pháp luật. “Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm”, ông Dũng kiên quyết.