Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Khá Bảnh đập, đốt xe, hãng Honda có quyền khởi kiện?

(DS&PL) -

Hành động đốt xe Honda PCX của Khá Bảnh gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong dư luận.

Hành động đốt xe Honda PCX của Khá Bảnh gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong dư luận. Nhiều người cho rằng, việc khá bảnh đốt xe Honda PCX như vậy cũng có ảnh hưởng đến uy tín của thương hiệu.

Những ngày qua, cái tên Khá Bảnh (tên thật là Ngô Bá Khá, sinh năm 1993, quê Bắc Ninh) nổi lên như một “hiện tượng” mạng xã hội thu hút sự chú ý của dư luận, đặc biệt là giới trẻ. Mới đây nhất, nam thanh niên này có đăng tải một video lên YouTube với tựa đề “đi xe máy tốn xăng bực mình đập xe”.

Hành động này của Khá Bảnh khiến dư luận phẫn nộ.

Trong clip, Khá Bảnh cùng một vài thanh niên khác dùng gậy sắt đập nát chiếc xe máy. Nguyên nhân do chiếc xe này tốn xăng. Sau đó, Khá Bảnh cùng nhóm bạn tẩm xăng vào xe rồi châm lửa đốt. Vừa đốt, Khá Bảnh vừa nói: “Đốt luôn không mọi người lại bảo đập xong lại sửa cho mới”.

Để chứng minh chiếc xe này là của mình, Khả Bảnh liên tục đưa ra bằng giấy tờ mua xe với giá 70 triệu đồng và giấy đăng ký mang tên Ngô Bá Khá.

Hành động của Khá Bảnh khiến dư luận bày tỏ sự bức xúc, cho rằng vô cùng phản cảm. Cùng với đó, nhiều người cho rằng, việc Khá Bảnh đốt xe PCX của hãng Honda xét về một khía cạnh nào đó ảnh hưởng đến thương hiệu của hãng xe này.

Trước thông tin này, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã liên hệ với luật sư Nghiêm Quang Vinh (công ty luật TNHH Nghiêm Quang, đoàn Luật sư TP.Hà Nội).

Nói về hành động đốt xe của Khá Bảnh, luật sư Nghiêm Quang Vinh cho biết: “Trong bộ luật có quyền tự quyết của người có tài sản, quan trọng nhất xác định xe Honda là tài sản của ai? Nếu xe Honda là tài sản của chính người đốt, thì đối với tài sản của mình người đốt có quyền sử dụng, quyết định về tài sản một cách toàn phần. Tuy nhiên, nếu việc đốt để xảy ra ảnh hưởng xung quanh thì sẽ xem xét các yếu tố khác”.

Nếu lời nói của Khá Bảnh xét thấy ảnh hưởng đến thương hiệu thì Honda có quyền khởi kiện về tội vu khống (Ảnh cắt từ clip).

Trong clip đốt xe, Khá Bảnh có nói “đốt vì xe hay hỏng, xe tốn xăng”, về điều này, luật sư Nghiêm Quang Vinh cho biết thêm: “Nếu hãng Honda cảm thấy lời nói này ảnh hưởng đến thương hiệu của họ thì hãng xe có quyền khởi kiện tội vu khống. Hành vi đốt xe là quyền của chủ sở hữu, nhưng xét thấy lời nói ảnh hưởng đến ai thì họ có quyền phản ứng lại. Lời nói của Khá Bảnh có khả năng là vu khống hoặc nói xấu ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, thương hiệu thì hãng xe Honda có quyền kiện cáo. Hình phạt đối với Khá Bảnh chỉ dừng lại ở mức phạt hành chính hoặc công khai xin lỗi hãng xe Honda mà không phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Được biết, hành động đập xe, đốt xe của Khá Bảnh được thực hiện theo một chiến dịch đập xe máy đổi xe điện Pega.

Phân tích điều này, Ths.Luật sư Đặng Văn Cường cho biết: “Dưới góc độ pháp lý, nếu hành vi quay video đập xe tay ga và kêu gọi đổi xe điện của Khá Bảnh là do cá nhân này tự thực hiện đối với chiếc xe sở hữu của mình, là hành vi muốn thể hiện mình của cá nhân đó thì đó là quyền cá nhân của anh ta. Tuy nhiên nếu hành vi đó không phải là do cá nhân này tự thực hiện mà được thực hiện do sự chỉ đạo của hãng xe điện, là chiêu trò của hãng xe điện nhằm quảng cáo cho sản phẩm xe điện của hãng xe này thì hành vi này có thể được xem xét là hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh.

Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 điều 45 Luật cạnh tranh 2004 thì Doanh nghiệp bị cấm thực hiện hoạt động quảng cáo so sánh trực tiếp hàng hoá, dịch vụ của mình với hàng hoá, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác. Căn cứ điểm a khoản 1 điều 33 Nghị định 71/2014 quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh thì hành vi này có thể bị phạt tiền từ 60.000.000 đến 80.000.000 đồng.

Nếu chiến dịch này của Pega chỉ là tặng xe điện cho khách hàng dùng thử thì đây là quyền của doanh nghiệp. Tuy nhiên nếu Pega có thực hiện việc tặng xe mới của Pega để khách hàng dùng thử nhưng lại yêu cầu khách hàng đổi xe cùng loại do doanh nghiệp khác sản xuất mà khách hàng đó đang sử dụng để dùng hàng hóa của mình thì có thể được xác định là hành vi khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh.

Theo đó, khoản 4 điều 46 Luật cạnh tranh 2004 quy định cấm doanh nghiệp thực hiện hoạt động khuyến mãi tặng hàng hoá cho khách hàng dùng thử nhưng lại yêu cầu khách hàng đổi hàng hoá cùng loại do doanh nghiệp khác sản xuất mà khách hàng đó đang sử dụng để dùng hàng hóa của mình. Căn cứ điểm d khoản 1 điều 34 Nghị định 71/2014 quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh thì hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 60.000.000 đến 80.000.000 đồng”.

Cũng liên quan đến việc Khá Bảnh đốt xe, đập xe của hãng mình, chiều ngày 2/4, PV đã liên hệ với đại diện của hãng xe Honda, vị đại diện này cho biết có biết đến clip phá xe của Khá Bảnh. “Tuy nhiên, chúng tôi thấy các cơ quan chức năng đã vào cuộc rồi và ai cũng biết Khá Bảnh là người như thế nào nên chúng tôi không có ý kiến, hay kiện cáo gì thêm”, vị đại diện này cho biết.

Hà My - Thái Phương

Theo Người Đưa Tin

Tin nổi bật