(ĐSPL) – Liên quan đến việc 3 chuyến bay của Vietnam Airlines đi Đồng Hới bị hủy trong tháng 7, Cục Hàng không vừa đưa ra kết luận nguyên nhân hoàn toàn do lỗi kỹ thuật.
Vừa qua, dư luận xã hội có nêu vấn đề Vietnam Airlines (VNA) có biểu hiện của việc huỷ, dồn chuyến bay vì lý do thương mại trên đường bay Hà Nội - Đồng Hới và ngược lại vào các ngày 3, 13 và 16/7.
Cục Hàng không Việt Nam đã tổ chức xác minh, làm rõ vấn đề này.
Cụ thể, các chuyến bay bị hủy liên quan đến việc sử dụng tàu bay ATR72 của VNA. Hiện nay, VNA có 14 tàu bay ATR72 được phân bổ khai thác cho Tân Sơn Nhất 7 chiếc, Đà Nẵng 2 chiếc, Nội Bài 4 chiếc và 1 chiếc làm dự bị chung cho toàn mạng.
Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, 3 chuyến bay của VNA đi Đồng Hới bị hủy trong tháng 7 hoàn toàn là do lỗi kỹ thuật. |
Trong các ngày từ 30/6-17/7, có 5 chiếc ATR72 hỏng hóc kỹ thuật phải kiểm tra, sửa chữa đảm bảo an toàn. Vì vậy, toàn bộ lịch bay cho đội tàu bay ATR72 trong các ngày 3,13 và 16/7 bị thay đổi. Theo đó, hủy một số chuyến bay và thu xếp tàu bay A321 để bay thay thế.
Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu VNA thực hiện đúng quy định về thời gian báo cáo hỏng hóc tàu bay.
Qua phân tích của Cục Hàng không khi so sánh giữa phương án bay bù vào ngày hôm sau bằng tàu bay ATR72 và phương án thay bằng tàu bay A321 bay ngay, thì phương án lựa chọn dùng tàu bay A321 khai thác Hà Nội - Đồng Hới - Hà Nội là phương án tối ưu hơn cả, mặc dù chi phí khai thác cao hơn. Số lượng khách bị ảnh hưởng vì huỷ chuyến bay là ít nhất (hành khách các chuyến bay bị huỷ được chuyên chở hết trong ngày với giờ bay chậm trong khoảng 2-5 giờ), uy tín của hãng hàng không cũng bị ít ảnh hưởng nhất.
Tổng số khách bị huỷ chuyến và khách đi đúng chuyến bay được bố trí chuyên chở bằng tàu bay A321 trên đường bay Hà Nội - Đồng Hới - Hà Nội ít hơn so với cấu hình ghế trên tàu bay (184 ghế).
Qua xem xét một cách khách quan, toàn diện, Cục Hàng không đưa ra kết luận rằng việc hủy các chuyến bay của VNA trong các ngày 3, 13 và 16/7 trên đường bay Hà Nội - Đồng Hới và ngược lại hoàn toàn vì lý do kỹ thuật và việc thay thế tàu bay lớn hơn (A321) để giải toả khách giúp giảm tối đa ảnh hưởng đến hành khách khi phải huỷ chuyến bay mặc dù chi phí khai thác gia tăng;không phải là huỷ, dồn chuyến bay vì lý do thương mại như dư luận đề cập.
Về nghĩa vụ của hãng hàng không đối với hành khách bị hủy chuyến trong các ngày 3, 13 và 16/7/2014 trên đường bay Hà Nội - Đồng Hới - Hà Nội, Cục Hàng không cho biết, VNA đã thực hiện tốt nghĩa vụ của nhà vận chuyển đối với hành khách bị chậm, hủy chuyến trong các ngày 3 và 16/7 liên quan tới việc thông báo cho hành khách, sắp xếp chuyến bay gần nhất cho hành khách và phục vụ ăn uống tại sân bay.
Đối với chuyến bay VN1591 đường bay Hà Nội - Đồng Hới ngày 13/7, VNA đã thực hiện thông báo cho 59/69 hành khách và 59 khách này không lên sân bay. Chuyến bay ngược lại VN1590 đường bay Đồng Hới - Hà Nội ngày 13/7, VN đã thực hiện thông báo được cho 100\% hành khách và tất cả số hành khách này không đến sân bay.
Riêng 10 khách không nhận được thông báo và đến sân bay Nội Bài, VNA đã bố trí khách sạn, xe taxi, phục vụ ăn uống, mặc dù theo quy định chưa phải phục vụ các dịch vụ này. Cho đến nay, VNA không nhận được khiếu nại nào của hành khách liên quan đến quá trình phục vụ đối với các chuyến bay VN1591/VN1590 ngày 13/7.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1, Điều 3, Quyết định số 10/2007/QĐ-BGTVT ngày 27/02/2007 của Bộ Giao thông vận tải về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại, VNA phải thực hiện trách nhiệm bồi thường ứng trước không hoàn lại cho hành khách với mức 200.000 đồng/khách đã đặt chỗ trên chuyến bay VN1591/VN1590 ngày 13/7 nhưng chuyến bay bị huỷ và được vận chuyển đến điểm đến ghi trong vé muộn hơn 3 giờ (thực tế bị chậm khoảng 5 giờ 30 phút).
Do không phải là trường hợp nhà vận chuyển được miễn trừ trách nhiệm, Cục Hàng không đã yêu cầu VNA thực hiện nghĩa vụ của nhà vận chuyển đối với hành khách bị chậm, hủy chuyến bay.