TASS đưa tin, các đơn vị đầu tiên của lực lượng gìn giữ hòa bình thuộc Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) dẫn đầu bởi Nga đã được triển khai đến Kazakhstan trong ngày 6/1 bằng một cầu hàng không đặc biệt. CSTO này được cho sẽ hỗ trợ chính quyền Nursultan đối phó với các cuộc bạo loạn đang diễn ra trên khắp Kazakhstan.
Người biểu tình đốt tòa nhà hành chính thành phố Almaty, Kazakhstan ngày 5/1. Ảnh: Reuters
Trước đó, Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev đã kêu gọi sự giúp đỡ từ CSTO nhằm giúp Kazakhstan đối phó với tình hình an ninh bất ổn tại nhiều thành phố. Ông Tokayev cáo buộc những người biểu tình phá hoại "hệ thống nhà nước" và cho rằng "nhiều người trong số này đã được đào tạo quân sự ở nước ngoài".
Biểu tình bùng phát từ ngày 2/1 ở thị trấn Zhanaozen, tỉnh Mangystau, miền tây Kazakhstan rồi lan rộng ra nhiều địa phương trên cả nước, với mức độ bạo lực ngày càng tăng.
Thời gian đầu, các cuộc biểu tình hầu hết diễn ra trong hòa bình, không có đụng độ với cảnh sát. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi và 69 người đã bị cơ quan thực thi pháp luật giam giữ vào ngày 2 và 3/1.
Vào tối 4/1, các cuộc đụng độ bạo lực với các nhân viên thực thi pháp luật bắt đầu ở nhiều thị trấn của Kazakhstan, kéo dài suốt đêm.
Tại các thành phố lớn, người biểu tình tấn công các quan chức chính quyền địa phương, đập phá các tòa nhà của chính phủ. Bộ Nội vụ Kazakhstan cho biết người biểu tình đã dùng gạch đá, gậy gộc, hơi cay và bom xăng để tấn công.
Những hình ảnh đăng trên mạng ngày 5/1 cho thấy người biểu tình xông vào tòa thị chính ở Almaty, thành phố lớn nhất Kazakhstan, trong khi nhiều người khác đốt xe cảnh sát.
Xe cảnh sát bị đốt. Ảnh: AP
Các cuộc biểu tình nổ ra sau khi chính phủ Kazakhstan quyết định dừng trợ giá khí hóa lỏng (LPG) vào đầu năm. Nhiều người Kazakhstan sử dụng nhiên liệu này để chạy xe vì chi phí thấp.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng cuộc biểu tình có nguyên nhân sâu xa hơn, trong đó có nỗi phẫn nộ với tình trạng bất bình đẳng về kinh tế - xã hội ngày càng trở nên trầm trọng do COVID-19 ở Kazakhstan. Theo thống kê của chính phủ, mức lương trung bình ở Kazakhstan vào khoảng 570 USD/tháng, thu nhập của một số người còn ít hơn rất nhiều.
Trong nỗ lực xoa dịu người biểu tình, Tổng thống Tokayev đã đồng ý với một trong những yêu cầu của họ và giải tán chính phủ Kazakhstan. Sau đó, có tin đồn rằng các cuộc bầu cử quốc hội sớm sẽ được tổ chức. Tuy nhiên, lần nhượng bộ thứ hai này lại không xoa dịu được phong trào đường phố.
Ngày 6/1, số hân viên an ninh Kazakhstan thiệt mạng trong bạo loạn tăng lên 18 người, khoảng 748 cảnh sát và lính vệ binh quốc gia bị thương. Trong khi đó, đấu súng tiếp tục ở Almaty khi đêm xuống.
Cửa kính của một ngôi nhà bị người biểu tình đập phá. Ảnh: AP
Nga đã có phản ứng kịp thời trước mối đe dọa này khi quyết định triển khai nhanh các đơn vị đổ bộ đường không và đặc nhiệm đến Kazakhstan chỉ vài giờ sau khi CSTO thông qua kế hoạch triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình.
Được biết Nga hiện là quốc gia đầu tiên triển khai quân đến Kazakhstan trong khi các nước khác vẫn đang chuẩn bị. Mục tiêu Moscow sẽ đặt ra rõ ràng là bảo vệ các căn cứ quân sự của nước này trước các cuộc bạo loạn.
CSTO sẽ không tham gia vào việc trấn áp các cuộc bạo loạn trên đường phố, đây là nhiệm vụ của lực lượng an ninh và quân đội Kazakhstan. CSTO chỉ đảm nhận việc bảo vệ các cơ sở hạ tầng trọng yếu ở một số thành phố lớn và hỗ trợ an ninh cho đồng minh, hoạt động của họ ít nhiều đều sẽ xoay quanh các căn cứ của Nga.
Về phần các nước CSTO khác, Belarus dự định sẽ triển khai lữ đoàn đổ bộ đường không 103 đến Kazakhstan, còn Tajikistan, Kyrgyzstan và Armenia, mỗi bên bao gồm một tiểu đoàn bộ binh nhưng không đưa ra mốc thời gian cụ thể.
Mộc Miên (T/h)