(ĐSPL) - Không ai có thể tưởng tượng một cậu bé 11-12 tuổi, sau khi tuyên bố là thánh chiến trẻ, giơ súng hành hình hai người đàn ông được cho là gián điệp. Khi được hỏi: “Cậu muốn làm gì trong tương lai?”. Cậu bé trả lời lạnh lùng: “Tôi sẽ là một trong những người giết ông, vì tôi là một chiến binh thánh chiến”.
Những đứa trẻ bị “tẩy não”
Trẻ em ở độ tuổi 10-12 đang bị lạm dụng làm nhiều việc của người lớn như là chiến binh, người đưa tin, gián điệp, lính canh. Trẻ em được xem là một sự thay thế hiệu quả cho các chiến binh người lớn. Dễ dàng bị “nhồi sọ” cũng như chưa hiểu hết khái niệm về cái chết, những đứa trẻ này trở thành những chiến binh liều lĩnh, sẵn sàng giương súng, ôm bom để lao vào giết người hàng loạt.
Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang tăng cường tuyển mộ trẻ em độ tuổi lên 10 ở các vùng lãnh thổ dưới quyền kiểm soát của nhóm này tại Iraq và Syria. Phải đưa từ tuyển mộ vào trong ngoặc kép vì gọi là tuyển mộ, song bị đánh đập, tra tấn dã man, nhiều trẻ em buộc phải đồng ý hoặc xin gia nhập các nhóm Hồi giáo cực đoan. Thậm chí, sau khi bị bắt cóc, những đứa trẻ này buộc phải tham gia nếu không muốn đối mặt với cái chết. Ranh giới phân biệt giữa tự nguyện hay tuyển dụng bắt buộc chẳng có ý nghĩa gì, bởi nếu các em tham gia một cách tự nguyện, thì đó cũng chỉ là nỗ lực tuyệt vọng để tồn tại.
Trẻ em bồng súng cạnh một chiến binh IS tại Mosul, Iraq hồi tháng 6/2014. (Ảnh: AP) |
Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về vấn đề trẻ em và xung đột vũ trang Leila Zerrougui khẳng định: Phiến quân IS đang bắt cóc trẻ em và ép chúng gia nhập nhóm này. Các tay súng thánh chiến đã “tẩy não” trẻ em và truyền bá tư tưởng cực đoan để khiến trẻ em gia nhập nhóm của chúng. Tất cả các công cụ nhằm thu hút, tuyển mộ trẻ em đều đã được IS sử dụng và trẻ em lên 9, lên 10 bị lạm dụng với nhiều vai trò khác nhau.
Nhiều đứa trẻ thậm chí chỉ mới 6 tuổi cũng bị đưa vào hàng ngũ của IS theo thời gian. Với kế hoạch chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài chống lại phương Tây, IS hy vọng, các chiến binh nhí được đào tạo từ bây giờ không chỉ chiến đấu được nhiều năm, mà còn tạo niềm tin cho thế hệ kế tiếp.
Hình ảnh một cậu bé giương khẩu súng lục, nhằm thẳng vào hai người đàn ông đang quỳ gối trên mặt đất và bóp cò, trong một đoạn video tuyên truyền là bằng chứng rõ nhất cho thấy sự nham hiểm của IS trong việc truyền bá cho một thế hệ khác bằng ý thức hệ tàn bạo.
Theo Ủy ban Điều tra quốc tế độc lập về Syria- một ủy ban gồm các chuyên gia của Liên Hợp quốc, nhóm khủng bố IS xem trẻ em như phương tiện để đảm bảo lòng trung thành lâu dài, gắn bó với hệ tư tưởng cực đoan của chúng và huấn luyện những chiến binh tận tâm coi bạo lực như lẽ sống.
IS đang áp dụng hệ thống tuyển mộ trẻ nhỏ được tổ chức rất bài bản, tuyên truyền cho các em đức tin cực đoan và những kỹ năng chiến đấu cơ bản. Các em bị nhồi nhét mọi thứ, từ cách diễn giải luật Hồi giáo Sharia của IS tới cách sử dụng súng. Các em được dạy cách chặt đầu một người khác và thực hành trên búp bê, theo Syria Deeply - một trang web chuyên đưa tin về cuộc nội chiến ở Syria.
Chiêu thức tuyển mộ tinh vi
Đáng chú ý là IS biết lợi dụng các bộ tộc địa phương, có chiến dịch chiêu mộ tân binh một cách khôn khéo nhưng không kém phần quyết liệt. Riêng đối với các chiến binh là người Mỹ hoặc phương Tây, IS có một cách tiếp cận khá mới mẻ. Đầu tiên, chúng xây dựng các mạng lưới IS thu nhỏ trong xã hội Mỹ và phương Tây, làm quen, mua chuộc hoặc thậm chí đe dọa những nhân vật theo đạo Hồi có vai trò quan trọng trong cộng đồng người Hồi giáo của nước sở tại.
Những thanh thiếu niên bị lôi kéo phần lớn là theo tư tưởng Hồi giáo cực đoan, từng có những phản ứng lại với chính quyền địa phương khi còn ở trong nước. Qua mạng lưới cung cấp thông tin bí mật, IS đã cử đại diện đến trao đổi, mua chuộc và lôi kéo những người này, nhồi nhét vào họ tư tưởng phải xây dựng Nhà nước Hồi giáo để đối chọi là những chính sách mà các nước như Mỹ, Anh, Pháp, Đức đang áp dụng với người Hồi giáo.
Đối với nữ giới, đặc biệt là các thiếu nữ phương Tây, IS đã biết đánh vào tâm lý ưa mạo hiểm, thích khám phá của những phụ nữ trẻ này. Chúng tuyên truyền với họ rằng, đi đến các vùng của IS không chỉ là nghĩa vụ tôn giáo mà còn là sự thám hiểm thú vị, là hành động nhân đạo để giúp người dân Syria thoát khỏi ách cai trị hàng chục năm của chính quyền Tổng thống Bashar Al-Assad.
Cách đây vài ngày, ba thiếu nữ, tuổi từ 15 đến 16, đã bỏ nhà ở London (Anh) để ra đi và rõ ràng là đã “bay” tới Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), nơi mà IS trung chuyển chiến binh mới tuyển mộ để tới Syria. Một cuộc điều tra cho thấy, ba nữ sinh này thường xuyên truy cập các trang mạng của những phần tử quá khích và ít nhất một người trong số đó đã tiếp xúc với một thiếu nữ Anh từng tới Syria năm 2013 và trở thành một người tuyển mộ nổi tiếng của IS. Ông Jonathan Russell, thuộc quỹ Quilliam, một tổ chức chống quá khích hóa nói rằng, những thiếu nữ như vậy thường trở thành người nắm giữ vai trò tuyên truyền và tuyển mộ.
“Vai trò của họ không phải là vai trò chiến đấu. Vai trò của họ sẽ là làm vợ và làm mẹ. Nhưng, đó cũng là một vai trò tuyên truyền. Họ sẽ dùng kỹ năng tiếng Anh để làm video và cũng để làm cho những thanh thiếu niên khác trở nên quá khích và tuyển mộ họ”, ông Jonathan Russell nói.
Báo cáo gần đây từ trung tâm Nghiên cứu Chủ nghĩa Cực đoan Quốc tế (ICSR) nhấn mạnh, truyền thông xã hội như Youtube, Facebook, Twitter... đã trở thành phần quan trọng trong việc tuyên truyền thông điệp mang tính cực đoan.
Ngoài những hình thức bạo lực, các nhóm Hồi giáo cực đoan luôn lợi dụng yếu tố đói nghèo và tài chính để lôi kéo trẻ em. Đa phần chỉ vì miếng cơm manh áo, những trẻ em nghèo buộc phải gia nhập các tổ chức hoặc nhóm vũ trang cực đoan. Một số trường hợp, cha mẹ các em tự nguyện cho con mình tham gia các tổ chức này vì tưởng rằng, chúng sẽ có nơi ăn chốn ở.
Tại những nơi trẻ em phải gồng mình chống chọi với đói nghèo do chiến tranh tàn phá, các phần tử cực đoan thường thuyết phục cha mẹ những đứa trẻ gửi con đến trại huấn luyện để đổi lấy tiền. Sau khi chiêu mộ, những đứa trẻ này cũng nhận được một số tiền để tham gia huấn luyện.
IS phạm tội ác diệt chủng Báo cáo của trung tâm Thông tin của Liên Hợp Quốc tại Tehran (Iran) công bố hôm 24/2 cho thấy, IS đã gây ra cái chết của 11.602 dân thường và làm bị thương 21.766 người khác tại Iraq trong thời gian từ ngày 1/1 tới 10/12/2014. “Chúng giết hại thường dân, bắt cóc, hiếp dâm, buôn bán phụ nữ, trẻ em, nô lệ và tuyển dụng trẻ em trở thành các tay súng cho chúng”, bản báo cáo cho hay. Nickolay Mladenov, đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về Iraq cho biết, mục tiêu của khủng bố IS là phá hủy Nhà nước Iraq, giết thường dân và gây chia rẽ nội bộ giữa các nhóm tôn giáo. |