Thuyền trưởng tàu dầu Grace 1 của Iran, bị thủy quân lục chiến bắt giữ hồi đầu tháng 7, tuyên bố binh lính Anh đã sử dụng vũ lực đối với thủy thủ của Tehran.
Tàu tuần tra Iran vây quanh tàu của Anh. Ảnh: AP |
Hồi đầu tháng 7, tàu chở dầu Grace 1 của Iran đã bị chính quyền ở Gibraltar bắt giữ với sự giúp đỡ của thủy quân lục chiến Anh, vì nghi ngờ rằng phương tiện này đang vận chuyển hơn 2 triệu thùng dầu thô tới Syria, trái với lệnh trừng phạt của châu Âu.
Thuyền trưởng của Grace 1 có quốc tịch Ấn Độ, người được yêu cầu giấu tên, đã chia sẻ với BBC rằng binh linh Anh đã giương súng, buộc các thuyền viên của của ông ấy phải quỳ xuống, sau khi đổ bộ xuống tàu từ một trực thăng quân sự.
"Trên tàu có 28 thuyền viên không vũ trang. Tôi và mọi người đều bị sốc. Vì lý do gì mà họ lại đưa lực lượng vũ trang và áp dụng biện pháp vũ lực trên một tàu dầu như vậy", thuyền trưởng nói thêm và cho rằng thủy quân lục chiến Anh có thể hành động một cách đơn giản là lên tàu và tuyên bố lệnh bắt.
Thuyền trưởng kể lại rằng ông đã cố gắng nói với với binh lính Anh rằng mình là người phụ trách, nhưng họ phớt lờ ông và giương súng, ra lệnh cho ông "nhìn về phía trước" và thông báo rằng ông đã bị bắt
Lời tường thuật này được cho là trái ngược hoàn toàn với biên bản từ cảnh sát biển Gibraltar rằng họ chỉ áp dụng "vũ lực tối thiểu".
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Anh nói vụ bắt giữ "đã được thực hiện theo đúng luật pháp và công ước quốc tế" và "quân đội Anh đã thực hiện bắt giữ chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn cao nhất".
Iran sau đó cũng phủ nhận việc tàu Grace 1 đang đi tới Syria, và đáp trả bằng cách bắt giữ tàu dầu của Anh ở eo biển Hormuz - một tuyến đường thủy quan trọng vốn đã trở thành điểm nóng trong mâu thuẫn giữa Tehran và Phương Tây.
Căng thẳng Mỹ-Iran đã tăng cao ở vùng Vịnh trong những tháng gần đây, khi Mỹ muốn đàm phán với Iran để đi tới một thỏa thuận mới Trump cho rằng "tốt hơn" sau khi rút khỏi Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) hồi năm 2018.
Chính quyền Tổng thống Trump trong năm qua đã tăng cường các lệnh trừng phạt nhắm vào Iran, khiến căng thẳng giữa hai nước và các đồng minh tăng cao. Tehran đáp trả bằng cách phá bỏ một số cam kết được quy định tại JCPOA, đồng thời kiên quyết không chịu nhượng bộ và đàm phán với Washington.
Hồi tháng 6, Iran bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ gần eo biển Hormuz, khiến Trump ra lệnh không kích trả đũa. Tuy nhiên cuộc tấn công được hủy bỏ vài phút ngay trước giờ khai hỏa vì Trump lo ngại nhiều dân thường sẽ bị thiệt mạng.
Mộc Miên (Theo Independent)