Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết tăng trưởng kinh tế toàn cầu được chứng minh là "có khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên" và hầu hết các quốc gia sẽ tránh được suy thoái trong năm 2023. Quan điểm trên được đưa ra khi IMF dường như lạc quan hơn trong dự báo của mình và cho biết một bước ngoặt có thể xảy ra đối với nền kinh tế thế giới, Financial Times đưa tin ngày 31/1 (giờ địa phương).
Trong các ước tính có đề cập đến quyết định nới lỏng chính sách Zero-Covid của Trung Quốc vào tháng 12/2022, IMF cho biết họ dự kiến nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,2% từ cuối quý cuối cùng năm 2022 đến cuối quý cuối cùng năm nay.
Điều này sẽ đánh dấu một sự cải thiện đáng kể vào năm 2022, khi IMF ước tính nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng 1,9%. Mức tăng trưởng dự kiến 3,2% cũng cao hơn 0,5 điểm phần trăm so với dự báo gần đây nhất của IMF vào tháng 10/2022.
Ông Pierre-Olivier Gourinchas, chuyên gia kinh tế trưởng của IMF, cho biết năm 2023 "có thể là một bước ngoặt" khi các điều kiện kinh tế toàn cầu được cải thiện trong những năm tiếp theo.
IMF đã bày tỏ quan điểm lạc quan hơn về triển vọng kinh tế toàn cầu. Ảnh: Getty Images.
Theo IMF, triển vọng kinh tế toàn cầu có dấu hiệu lạc quan hơn khi nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại sau đại dịch và giá năng lượng giảm ở châu Âu.
Tổ chức này dự báo rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng trung bình 2,9% trong năm 2023 so với năm 2022.
IMF dự kiến Vương quốc Anh sẽ là nền kinh tế hàng đầu duy nhất bị thu hẹp vào năm 2023, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được dự báo sẽ thấp hơn 0,5% trong quý IV của năm so với cùng kỳ năm 2022. Ngay cả nền kinh tế của Nga cũng có khả năng vượt xa nền kinh tế của Vương quốc Anh, theo ước tính sẽ tăng 1 phần trăm so với cùng kỳ.
Tăng trưởng của Trung Quốc, ở mức 5,9%, được dự báo sẽ cao hơn gấp đôi ước tính vào tháng 10/2022, trong khi Ấn Độ được dự đoán là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm 2023, với sản lượng vào quý cuối cùng của năm 2023 cao hơn 7% so với cùng kỳ năm ngoái. IMF cho biết Trung Quốc và Ấn Độ sẽ cùng nhau chiếm một nửa tăng trưởng toàn cầu trong năm nay, trong khi Mỹ và khu vực đồng euro sẽ chỉ chiếm 10%.
Ông Gourinchas cho biết Trung Quốc sẽ là một “động cơ” mang lại lợi ích cho các quốc gia khác. Tuy nhiên, IMF cảnh báo rằng họ vẫn lo ngại về rủi ro trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc. Bắc Kinh đã vật lộn với cuộc khủng hoảng bất động sản kể từ năm 2021, khi nhà phát triển Evergrande vỡ nợ quốc tế.
Vào cuối năm 2023, nền kinh tế Mỹ dự kiến sẽ lớn hơn 1% so với năm trước đó, không thay đổi so với dự báo hồi tháng 10/2022. IMF cho biết kết quả hoạt động năm 2022 của quốc gia này tốt hơn dự kiến.
Theo chuyên gia Pierre-Olivier Gourinchas, có “khả năng” tránh được suy thoái kinh tế ở Mỹ nhưng đây là “con đường hẹp”, đồng thời nói thêm rằng lãi suất cao hơn “chắc chắn sẽ hạ nhiệt nền kinh tế và giảm lạm phát”.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm một phần tư điểm trong tuần này, đặt ra phạm vi mục tiêu trong khoảng từ 4,5%-4,75%.
Tobias Adrian, Giám đốc bộ phận thị trường vốn và tiền tệ của IMF, cảnh báo rằng lãi suất có thể tăng nhiều hơn dự đoán của thị trường và mất nhiều thời gian hơn để giảm xuống, đặc biệt là ở Mỹ.
Bích Thảo (Theo Financial Times)