Ngày 19/6, VTC News dẫn thông tin, các bác sĩ Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cho biết vừa thực hiện phẫu thuật thành công cho sản phụ H.T.K.T có song thai nhờ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) hiếm gặp, một trong tử cung và một ngoài tử cung.
Cụ thể, chị T. chuyển 2 phôi trong quá trình thực hiện IVF tại một cơ sở y tế, tuy nhiên khi khám thai, chị chỉ được phát hiện một thai phát triển trong buồng tử cung. Đến tuần thai thứ 13, chị đau bụng nhiều, tới khám tại Bệnh viện 354 và chuyển đến Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội.
Chị T. nhập viện trong trạng thái lơ mơ, mệt mỏi, tiếp xúc kém, da xanh niêm mạc nhợt, bụng căng, chướng, ấn đau khắp bụng. Kết quả siêu âm cho thấy, ngoài một thai tương đương 13 tuần 2 ngày trong buồng tử cung, thì còn phát hiện khối tăng âm cạnh buồng trứng trái kích thước 100x60mm, nhiều dịch tự do ổ bụng.
Sau khi siêu âm, ngoài phát hiện một thai tương đương 13 tuần 2 ngày trong buồng tử cung, các bác sĩ phát hiện khối tăng âm cạnh buồng trứng trái kích thước 100x60mm, nhiều dịch tự do ổ bụng.
Nghi ngờ thai phụ song thai trong đó có một thai ngoài tử cung nên các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật nội soi thăm dò ổ bụng. Kết quả cho thấy chị T. mang song thai nhưng 2 thai nằm ở 2 vị trí khác nhau. Một thai nằm gọn trong buồng tử cung phát triển bình thường. Thai còn lại ngoài buồng tử cung, phát triển ở đoạn kẽ vòi tử cung bên trái dẫn đến hoại tử, vỡ, gây mất máu trong ổ bụng.
Việc cùng lúc mang thai đôi trong đó một thai ngoài tử cung, một thai trong tử cung là đặc biệt hiếm gặp. Trường hợp phát hiện trễ, không can thiệp kịp thời, thai ngoài tử cung có thể dẫn đến các biến chứng vỡ, chảy máu ồ ạt, đe dọa sức khỏe cho cả mẹ và thai còn lại.
Chị T. hồi phục sức khỏe nhanh nhờ được theo dõi và điều trị sát sao. Ảnh: VTCNews
Báo Nhân dân đưa tin, ê-kíp bác sĩ chuyên khoa II Đinh Huy Cường, bác sĩ Phạm Khương Vũ đã nhanh chóng can thiệp nội soi, loại bỏ khối chửa ngoài tử cung.
Phương pháp nội soi là kỹ thuật ngoại khoa phức tạp nhưng đạt hiệu quả cao trong các trường hợp thai phụ bị chửa ngoài tử cung. Với kinh nghiệm dày dặn của đội ngũ bác sĩ, ca phẫu thuật thuận lợi kết thúc, thai ngoài tử cung được giảm thiểu, huyết động học của thai nhi còn lại ổn định. Ghi nhận trong phẫu thuật, ổ bụng có 1.500ml máu cục lẫn máu loãng.
Chị T. được theo dõi và điều trị sát sao hàng ngày tại khoa Sản bệnh A4. Chị hồi phục sức khỏe nhanh, thai nhi còn lại phát triển bình thường. Sản phụ được xuất viện sau 7 ngày điều trị.
Trường hợp này rất may mắn dù sản phụ không được phát hiện thai ngoài tử cung từ sớm, đến khi hoại tử và vỡ gây mất máu nhưng được điều trị kịp thời, không ảnh hưởng tới thai nhi còn lại.
Các bác sĩ khuyến cáo các sản phụ không được chủ quan, nên quản lý thai kỳ tại cơ sở chuyên khoa uy tín để được kiểm tra toàn diện, phát hiện sớm những bất thường để có kế hoạch điều trị kịp thời để bảo toàn sức khỏe cho mẹ và bé.
Thu Hương (T/h)