Theo NyPost, Armani Milby có biệt danh là "baby hulk" hay "mini hulk" - người khổng lồ tí hon. Thời điểm ở trong bụng mẹ, Armani được chẩn đoán mắc u bạch huyết. Sự phát triển lành tính của loại u này làm tăng kích thước vùng ngực và cánh tay.
Được biết mẹ bé, chị Chelsey Milby (33 tuổi), đã trải qua hành trình mang thai và sinh nở khó khăn. Khi thai được 17 tuần, các bác sĩ siêu âm đã lo lắng về tình trạng tích tụ chất lỏng nguy hiểm quanh tim - tình trạng hiếm gặp chỉ xuất hiện ở 1/4.000 ca sinh. Theo bác sĩ, em bé không thể sống sót khi chào đời.
Armani Milby có biệt danh là "baby hulk" hay "mini hulk" - người khổng lồ tí hon. Ảnh: NYPost
Dù đón nhận tin sốc nhưng Chelsey không nghĩ đến việc phá thai. Gia đình chị vẫn tin phép màu có thể xảy ra khi con chào đời.
Chia sẻ với truyền thông chị Chelsey cho biết: “Khi tôi biết được tình trạng của con, tôi đã rất suy sụp và đau lòng, không hiểu chuyện gì đang xảy ra vì trước đây tôi đã sinh ra 2 em bé khỏe mạnh. Mỗi ngày, tôi đều hỏi Chúa tại sao".
Mẹ Armani Milby nhớ lại: “Khi mang thai, mọi người thường hỏi có phải tôi sinh ba không, bởi vì họ nhìn bụng tôi khá lớn”.
Thời điểm thai 33 tuần, Chelsey càng trở nên nặng nề với thể trọng 91kg, sức khỏe ngày càng tồi tệ. Thai phát triển lớn khiến Chelsey khó thở và mất ngủ mỗi ngày, thậm chí phải liên tục rút chất lỏng ra khỏi dạ dày. Các bác sỹ quyết định mổ cấp cứu cho cô để đưa em bé ra ngoài.
Đến khi Chelsey vượt cạn, bố Armani Milby luôn túc trực bên ngoài phòng mổ, cầu nguyện cho hai mẹ con.
Quá trình mổ lấy thai khiến Chesley sợ hãi mất đi con, nhưng rồi phép màu cũng xảy ra. Em bé Armani sinh ra nặng 5,5kg. Sau ca sinh, cả gia đình đã đi 160km tới Cincinnati để em bé được điều trị tại một bệnh viện chuyên khoa.
Sau sinh, Chelsey bị trầm cảm. Người mẹ 3 con chia sẻ: “Tôi đã phải chiến đấu với chứng trầm cảm nặng sau sinh; tôi phải gạt bỏ nó, cố gắng trở thành người mạnh mẽ nhất có thể vì Armani và hai đứa con còn lại".
Armani Milby khỏe mạnh và sẽ tiến hành phẫu thuật các mạch bạch huyết thừa vào cuối năm nay. Ảnh: NYPost
Armani sẽ được phẫu thuật loại bỏ các mạch bạch huyết thừa vào cuối năm nay để có thể trở thành một em bé bình thường. Tương lai, bé sẽ cần thêm các ca mổ khác để loại bỏ da thừa. Chesley nghĩ, con mình có thể sẽ có một cuộc sống bình thường.
"Chúng tôi đang cố gắng làm mọi thứ để mang đến cho Armani cuộc sống tốt nhất có thể, con sẽ sớm nói 'mẹ ơi'. Armani là đứa trẻ kỳ diệu của tôi và chúng tôi yêu con rất nhiều", người mẹ bộc bạch.
U bạch huyết là dị tật của hệ thống bạch huyết có thể gặp ở mọi lứa tuổi và mọi vị trí cơ thể tuy nhiên có tới 90% các trường hợp xảy ra ở trẻ em dưới 2 tuổi, thậm chí là trẻ sơ sinh và thường gặp ở vùng đầu, cổ.
U bạch huyết bẩm sinh thường được chẩn đoán trước sinh trong thời kỳ bào thai qua siêu âm. Ngoài ra, u bạch huyết còn có thể xuất hiện sau chấn thương, viêm, hoặc tắc nghẽn bạch huyết, thường phát hiện tình cờ hoặc đau nhẹ tại vùng tổn thương.
Một u nang bạch huyết có thể chứa một hoặc nhiều nang nhỏ kết nối với nhau bằng các mạch bạch huyết.
Armani từng được bác sĩ chẩn đoán là khó có thể sống. Ảnh: NYPost
U bạch huyết ở trẻ em có thể có các đặc trưng phân biệt được qua triệu chứng như:
- U bạch huyết dạng mao mạch: thường thấy ở bề mặt da, do bất thường cấu trúc mạch bạch huyết, tổn thương là những cụm mụn nhỏ có màu từ hồng đến đỏ sẫm. Tổn thương lành tính và chỉ cần điều trị khi ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ.
- U bạch huyết dạng hang: thường thấy ngay khi mới sinh, đôi khi cũng gặp ở trẻ lớn hơn. Tổn thương nằm sâu dưới da và tạo khối lồi lên bề mặt da, hay gặp ở vùng cổ, lưỡi, môi và kích thước từ vài milimet tới vài centimet.
-U bạch huyết hỗn hợp: thường chứa nhiều nang kích thước to nhỏ khác nhau và thể tích mỗi nang lớn hoặc nhỏ hơn 2cm3.
Thùy Dung (T/h)