Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hướng tới quốc gia phồn thịnh, nâng cao phúc lợi nhân dân

(DS&PL) -

Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa về Chính phủ kiến tạo – Thông điệp của Chính phủ đang được dư luận hết sức quan tâm đồng tình ủng hộ.

Tại Hội nghị Cải cách hành chính hồi tháng 7 năm ngoái, người đứng đầu Chính phủ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu cao chủ trương xây dựng tổ chức bộ máy Nhà nước theo nguyên tắc kiến tạo phát triển. Chủ trương này sau đó được cụ thể hóa trong Chương trình hàng động của Chính phủ giai đoạn 2016 – 2020 Nghị quyết 100/NQ-CP của Chính phủ.  

Phóng viên có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa về nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển” và thực tiễn triển khai thực hiện nguyên tắc này ở Bộ sau gần một năm kể từ ngày Thủ tướng nêu quyết tâm xây dựng.

PV: Thưa Bộ trưởng, cần hiểu về nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển” như thế nào cho phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 100/NQ-CP?

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa: Ngày 18/11/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 100/NQ-CP về “Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021”, trong đó xác định “xây dựng tổ chức bộ máy của Chính phủ… với nguyên tắc Chính phủ kiến tạo phát triển” - một thông điệp mới đang được dư luận hết sức quan tâm, đồng tình, ủng hộ. Trên phương diện cá nhân, tôi rất hoan nghênh thông điệp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra cho Chính phủ nhiệm kỳ này là xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển.

Chính phủ kiến tạo phát triển là Chính phủ phải đề ra các quyết sách mang tính sáng tạo, hướng tới mục tiêu vì sự phồn thịnh của quốc gia và nâng cao phúc lợi cho tất cả người dân trong xã hội. Nội dung này đã thể hiện rất rõ trong Nghị quyết số 100/NQ-CP, đó là: xây dựng tổ chức bộ máy của Chính phủ tinh gọn với nguyên tắc Chính phủ kiến tạo phát triển, trong sạch, vững mạnh, liêm chính, quyết liệt hành động, lấy Nhân dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh; phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân gắn liền với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chấp hành pháp luật...; tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

PV: Nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển” trong xây dựng tổ chức bộ máy cần hiểu cụ thể như thế nào trong điều kiện cụ thể của Bộ?

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa: Để xây dựng, thực hiện thành công nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển” gắn với điều kiện cụ thể của Bộ Giao thông vận tải, chúng tôi cần phải nhìn nhận ở nhiều phương diện, trong đó tập trung vào một số nội dung chính.

Trước tiên, Bộ trưởng - Thành viên Chính phủ chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân về các nhiệm vụ được giao; tích cực tham gia giải quyết các công việc chung của tập thể Chính phủ theo Quy chế làm việc của Chính phủ; đề cao trách nhiệm cá nhân trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành lĩnh vực được phân công phụ trách.

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện cải cách hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Bãi bỏ các thủ tục hành chính gây trở ngại cho phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi nhất cho đầu tư kinh doanh.

Rà soát, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, tránh chồng chéo giữa các cơ quan, đồng thời không bỏ sót nhiệm vụ; kiện toàn bộ máy hành chính của Bộ theo hướng tinh gọn, giảm các tổ chức trung gian để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, việc tinh giản biên chế gắn với cải cách công vụ, công chức tiếp tục được đẩy mạnh. Đồng thời, đổi mới công tác tuyển dụng, đào tạo, sử dụng, bổ nhiệm, đánh giá cán bộ, công chức.

Bộ cũng rất chú trọng đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý và giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp; bảo đảm hiệu quả, kịp thời, công khai, minh bạch trong thực thi công vụ, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến ở cấp độ 3, 4.

Mặt khác, tiếp tục tổ chức sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ trên cơ sở xác định rõ phân cấp trách nhiệm, thẩm quyền giữa Trung ương (Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT) và địa phương, theo hướng tăng cường quản lý tập trung của Trung ương trên các lĩnh vực bảo đảm an ninh, an toàn giao thông hàng không, hàng hải; đồng thời phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương về các lĩnh vực khác mà địa phương có điều kiện thực hiện.

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa và Thủ tướng Chính phủ.

PV: Với cách hiểu trên về nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển”, đánh giá, nhìn lại thực tiễn xây dựng tổ chức bộ máy của Bộ thời gian qua, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về những mặt còn tồn tại, hạn chế?

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa: thực hiện Nghị quyết 100/NQ-CP của Chính phủ, trong đó “xây dựng tổ chức bộ máy của Chính phủ…với nguyên tắc Chính phủ kiến tạo phát triển”, đồng thời thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã tổng kết việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ nhiệm kỳ Chính phủ 2011 - 2016, từ đó kiện toàn bộ máy tổ chức của Bộ cho phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ do Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo đó, những kết quả trên được phản ánh rõ nét qua hai nội dung, đó là: kết quả rà soát về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Giao thông vận tải và kết quả sắp xếp, cải cách tổ chức bộ máy hành chính của Bộ.

Thứ nhất, về kết quả rà soát về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Giao thông vận tải:

Qua nhiều lần tổ chức rà soát, tổng kết đánh giá về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Giao thông vận tải, Bộ đã đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kịp thời ban hành các văn bản kiện toàn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Giao thông vận tải, đặc biệt là Nghị định quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải.

Đến nay, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Giao thông vận tải đã được quy định cụ thể, không bỏ sót nhiệm vụ; không còn chồng chéo với nhiệm vụ của Bộ, ngành khác. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các cơ quan liên quan thuộc Bộ rà soát về chức năng, nhiệm vụ của mình, đề xuất cơ quan có thẩm quyền kịp thời chỉnh sửa. Do đó, hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị (bao gồm cả đơn vị sự nghiệp) thuộc Bộ đã được phân định rõ ràng. Cụ thể: Tổng cục Đường bộ Việt Nam là tổ chức thuộc Bộ, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước tập trung, thống nhất ở Trung ương và tổ chức thực thi pháp luật đối với chuyên ngành đường bộ trên phạm vi cả nước theo phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng. Các Cục thuộc Bộ là tổ chức thực hiện chức năng tham mưu tổng hợp và giải quyết các vấn đề cụ thể trong một hoặc một số lĩnh vực, giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật đối với từng chuyên ngành đường sắt, đường thủy, hàng hải, hàng không, đăng kiểm, y tế, quản lý xây dựng thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng. Các đơn vị sự nghiệp được xác định là tổ chức phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ.

Bộ Giao thông vận tải luôn tuân thủ triệt để nguyên tắc: có nhiệm vụ mới thì Bộ tự cân đối tổ chức, biên chế để thực hiện nhiệm vụ đó; trong trường hợp thực sự cần thiết thì đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép thành lập tổ chức mới. Vì vậy, trong thời gian qua, tổ chức bộ máy của Bộ Giao thông vận tải cơ bản giữ ổn định; không nâng cấp mô hình tổ chức, không có các tổ chức trung gian trong cơ cấu tổ chức.

Về phân cấp quản lý nhà nước về giao thông vận tải giữa Trung ương và địa phương, trong thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã xác định cần tăng cường phân cấp quản lý nhà nước một cách hợp lý giữa Chính phủ và từng cấp chính quyền, đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động sự nghiệp dịch vụ công có liên quan nhằm phát huy mạnh mẽ tính năng động, sáng tạo, quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý, thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Trong năm 2016, thực hiện chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ về tăng cường phân cấp về quản lý nhà nước cho địa phương (Nghị quyết số 21/NQ-CP), Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định phê duyệt kế hoạch hành động của Bộ để tiếp tục phân cấp cho địa phương trong công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải, nhất là xây dựng quy hoạch, chiến lược… Tuy nhiên, trong 05 lĩnh vực quản lý nhà nước về giao thông vận tải (đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, hàng hải, hàng không), lĩnh vực hàng không, hàng hải là 02 lĩnh vực đặc thù, vừa phải tuân theo các quy định của pháp luật Việt Nam, vừa phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của pháp luật quốc tế, Bộ không phân cấp cho địa phương.

Việc Bộ Giao thông vận tải thực hiện đẩy mạnh phân cấp cho địa phương thực hiện công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải vừa tạo điều kiện cho Bộ tập trung công tác quản lý nhà nước, thực hiện quản lý các lĩnh vực quan trọng, phức tạp, đồng thời thực hiện nghiêm chủ trương của Chính phủ là “Phân cấp, phân quyền hợp lý giữa Chính phủ với chính quyền địa phương, bảo đảm quyền quản lý thống nhất của Chính phủ và phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương”.

Thứ hai, về kết quả sắp xếp, cải cách tổ chức bộ máy hành chính của Bộ:

Qua nhiều lần rà soát, tổ chức, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, số lượng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ cơ bản ổn định, đáp ứng được việc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Đến thời điểm hiện tại, Bộ Giao thông vận tải có 22 cơ quan hành chính (gồm 12 Vụ, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, 01 Tổng cục, 7 Cục) và 27 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ.

Như vậy, qua việc cải cách tổ chức bộ máy, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông vận tải đã được sắp xếp, tinh gọn, loại bỏ tầng nấc trung gian, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ nhằm thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về giao thông vận tải, tổ chức cung ứng dịch vụ công và đại diện chủ sở hữu đối với vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ngoài ra, thực hiện chủ trương xây dựng Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, Bộ Giao thông vận tải đã, đang và tiếp tục chủ động sắp xếp lại cơ cấu bên trong Bộ một cách khoa học, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mới để có thể phát huy được những ưu thế của bộ đa ngành và để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

 

Tin nổi bật