Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ba điều tâm đắc với phát biểu của Thủ tướng

(DS&PL) -

Cùng ông Trần Hữu Huỳnh nhìn lại những phát ngôn ấn tượng của người đứng đầu Chính phủ tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra vừa qua.

Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 hôm 17/5 vừa qua được nhiều doanh nhân, nhà kinh tế xem là một sự cam kết chắc chắn về "Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động". Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của ông Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam VIAC cảm nghĩ về những phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị nêu trên.

Trong phần phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc gia hôm 17/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần của thông điệp xây dựng “Chính phủ kiến tạo phát triển” trước hơn 2000 đại biểu bao gồm các doanh nghiệp tư nhân, các cơ quan thông tấn báo chí, đại diện các cơ quan chức năng và các đầu cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành trên cả nước.

Theo tôi, bài phát biểu của người đứng đầu Chính phủ đã nhấn mạnh đến 3 thông điệp lớn, đó là  quyền tự do, cạnh tranh và bình đẳng trong kinh doanh; thông điệp về tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và thông điệp khơi gợi tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp.

Ông Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam VIAC

Tự do, cạnh tranh và bình đẳng trong kinh doanh

Quyền tự do trong kinh doanh có nghĩa là được kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm, quyền tự do kinh doanh cũng thể hiện ở khía cạnh “sẵn sàng chấp nhận”, như khi Thủ tướng nói đến Uber và Grap, mặc dù khó quản lý nhưng vẫn cho Uber và Grap tham gia vào thị trường, không phải vì chưa quản lý được mà cấm.

Bên cạnh yếu tố tự do trong kinh doanh, người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh đến yếu tố cạnh tranh, bình đẳng trong kinh doanh.

Bình đẳng trong kinh doanh rất quan trọng, vốn đang là điểm yếu “cốt tử” trong môi trường kinh doanh của Việt Nam hiện nay, khiến doanh nghiệp Việt Nam đang trong tình trạng “con đẻ, con nuôi, con lai”, không lớn lên được. Sớm xóa bỏ sự phân biệt đối xử thì mới giúp được doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trong một môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, tạo cơ hội để các doanh nghiệp lớn mạnh, có khả năng cạnh tranh cao.  

Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tôi thấy có mấy điểm sau: Một là, Chính phủ cần và phải biết lắng nghe doanh nghiệp. Thủ tướng nói đến tình trạng “ngứa trên đầu, gãi dưỡi chân” để tránh, mà phải “ngứa đâu gãi đó”. Điều này buộc chính quyền các cấp phải luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, lắng nghe và thấu hiểu được những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Đó cũng là yêu cầu đầu tiên của Nhà nước kiến tạo, phát triển. Đã là Nhà nước kiến tạo phát triển thì đương nhiên phải lắng nghe để hiểu doanh nghiệp muốn gì, từ đó mới biết doanh nghiệp cần bãi bỏ và hỗ trợ cái gì.

Từ việc lắng nghe, thấu hiểu những khó khăn của doanh nghiệp để “kiến tạo”, từ kiến tạo đến hành động khẩn trương và quyết liệt. Cụ thể ngay sau buổi gặp, Thủ tướng đã ký ban hành chỉ thị về thanh tra kiểm tra và kết luận năm 2017 sẽ là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp. Đó cũng là vài trong nhiều vấn đề bức xúc nhất mà cộng đồng doanh nghiệp phải đối mặt trong nhiều năm gần đây.

Nhìn cả quá trình thì thấy từ trước đó, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết 19, Chính phủ đương nhiệm đã kiên quyết thực hiện nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam. Và đặc biệt Nghị quyết 35 là Nghị quyết đầu tiên của Chính phủ mới trong đó buộc chính quyền các cấp phải giải quyết các vấn đề thanh kiểm tra, hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự, bảo vệ hợp đồng… Chính phủ cũng kêu gọi tất cả các tổ chức, ví dụ  Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, các cơ quan tư pháp như Tòa án, Viện Kiểm sát, các tổ chức chính trị xã hội , hiệp hội cùng tham gia hỗ trợ doanh nghiệp. Nếu nhìn rộng ra như vậy, Chỉ thị 20 là sự tiếp nối cả quá trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ mới.

Khơi gợi tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước

Liên quan đến các doanh nghiệp, tôi thấy có một điểm mới là người đứng đầu Chính phủ đã khơi gợi được tinh thần dân tộc, tinh thần trách nhiệm. Đầu tiên, Thủ tướng đã nhắc đến các tên tuổi như ông Bạch Thái Bưởi, ông Lương Văn Can, từ đó nêu cao trách nhiệm của doanh nghiệp làm sao để hàng hóa, dịch vụ Việt Nam chiếm được cảm tình người Việt Nam. Ngắn gọn vậy nhưng đồng nghĩa với việc đòi hỏi doanh nghiệp phải có năng lực cạnh tranh, phải cải tiến, phải áp dụng khoa học công nghệ, quản trị doanh nghiệp thì mới có thể cạnh tranh, chinh phục được người Việt Nam. Đây là lời nhắc nhở về trách nhiệm của doanh nghiệp nhất là trong điều kiện hội nhập, xóa bỏ bao cấp, phân biệt đối xử.

Một Nhà nước tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp phát triển là Nhà nước nỗ lực hành động tối đa. Mặt khác, các doanh nghiệp phải thực sự chấm dứt kinh doanh chụp giật, manh mún hoặc buôn “quan hệ” kiểu "chủ nghĩa thân hữu", phải thay đổi để phù hợp với điều kiện hội nhập và cách mạng khoa học công nghệ.

Và cuối cùng, tôi thấy Thủ tướng phát biểu: bình minh đang đến trên đất Việt. Tôi cảm nhận được bầu không khí lạc quan từ cộng đồng doanh nhân với phát biểu trên, song đồng thời vẫn trăn trở: làm sao để thi hành có hiệu quả, thông suốt những thông điệp của người đứng đầu Chính phủ trong toàn bộ hệ thống, nhất là trong hệ thống hành pháp từ trung ương đến phương?

Các phát ngôn ấn tượng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp” diễn ra hôm 17/5 vừa qua:

“Cho nên chúng ta thấy Việt Nam đồng ý cho Uber, Grab vào hoạt động mặc dù quản lý rất khó khăn, chứ không phải vì không quản lý được, chúng ta cấm”.

“Tôi xin khẳng định một lần nữa rằng mọi thành phần kinh tế đều bình đằng, không phân biệt công hay tư”.

Chính phủ và các địa phương đã “gãi đúng chỗ” chứ không phải “ngứa trên đầu, gãi dưới chân”.

“Chuyển lời nói thành hành động…Tôi đã yêu cầu các cơ quan xây dựng ngay 1 Chỉ thị là không được thanh tra, kiểm tra 1 năm quá 1 lần, thanh tra đột xuất khi vi phạm thì không được mở rộng. Chỉ thị này đã được ký ngay lúc 13h chiều nay, mang số 20 và sẽ được công bố ngay sau đây”.

 Ở trong nước, chúng ta nói “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam chất lượng cao”, bây giờ chúng ta chuyển sang tâm thế “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”.

“Với tinh thần đó, tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ xây dựng một hệ sinh thái lành mạnh, mà ở đó tất cả các thành phần kinh tế đều phát triển bình đẳng, kết nối và hỗ trợ nhau, đem lại sự thịnh vượng và phát triển kinh tế chung cho Việt Nam. Đó chính là tinh thần đồng hành mà tôi muốn nói đến ngày hôm nay”.

Đây là lần thứ 2 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khởi động và chủ trì hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp trong hơn một năm đương nhiệm.  Hội nghị thể hiện quyết tâm của Chính phủ xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển hành động phục vụ, hỗ trợ để doanh nghiêp thực sự là động lực phát triển của đất nước.

Thông điệp xây dựng Chính phủ kiến tạo được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra tại Hội nghị cải cách hành chính năm ngoái. Nghị quyết 100/NQ-CP ngày 18/11/2016 do Chính phủ ban hành về “Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2016-2020” đã cụ thể hóa thông điệp này. Hiện chủ trương này của Chính phủ đang được dư luận hết sức quan tâm, đồng tình ủng hộ.

Trần Hữu Huỳnh


Tin nổi bật