Phụng Công cùng Xuân Quan, là một trong hai xã của huyện Văn Giang được công nhận là làng nghề hoa cây cảnh, với tiềm năng và lợi thế của vùng đất ven thủ đô Hà Nội. Từ nhiều năm nay, Phụng Công đang “vươn mình” mạnh mẽ để trở thành một trong những vựa hoa cây cảnh lớn nhất miền Bắc.
Giá trị từ những cánh đồng hoa
Nhắc đến Văn Giang (Hưng Yên) làm người ta nghĩ ngay đến vùng đất nổi tiếng với nghề trồng cây cảnh, giúp người dân “đổi đời” nhờ ngay trên mảnh đất quê hương mình, đang từng ngày chuyển mình “lột xác” lên đô thị hóa. Mặc dù chỉ còn hơn một tháng nữa là đón tết Tân Sửu, nhưng tại các vựa hoa Phụng Công, nhà nhà làm hoa, người người trồng hoa. Người dân đang tất bật chăm sóc, vận chuyển, buôn bán các loại hoa cảnh nhằm phục vụ nhu cầu chơi tết của người dân Thủ Đô cũng như các tỉnh lân cận.
Hộ gia đình anh Trần Đức Tuấn chuyên trồng hoa Hồng |
Xã Phụng Công được biết đến là vùng đất thuộc tả ngạn sông Hồng. Có trên 20 dòng họ đã sống định cư thành một quần thể làng xã. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, làng xã Phụng Công có biết bao thay đổi, diễn ra bao cuộc thăng trầm để rồi có được một quê hương như ngày nay.
Trong buổi tiếp xúc với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thu - Chủ tịch UBND xã Phụng Công cho biết: Trong mấy năm trở lại đây, xã Phụng Công được biết đến là nơi người dân có thu nhập cao nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Trước đây, khu đất bãi của xã chủ yếu là trồng ngô, giá trị kinh tế chỉ đạt 45 triệu đồng/ha/năm. Từ năm 2012 đến nay, xã khuyến khích nông dân chuyển đổi thành vùng trồng hoa cây cảnh tập trung. Hiện nay, cả xã có trên 2.0000 hộ dân thì có tới 1.800 hộ làm nghề trồng hoa, cây cảnh với diện tích gần 100ha, giá trị kinh tế đạt trên 600 triệu đồng/ha/năm.
Giống hoa hồng lai có giá trị kinh cao |
Từ những chủ trương khuyến khích hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, để góp phần xây dựng nông thôn mới của UBND huyện Văn Giang. Bởi vậy, trong những năm qua nhiều vùng chuyên canh sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa của địa phương đã được hình thành. Thu nhập của người dân trong xã trung bình đạt 68 triệu đồng/người/năm, Phụng Công đạt chuẩn xã nông thôn kiểu mẫu nâng cao.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay nghề trồng hoa tại xã Phụng Công đã tìm được hướng đi riêng. Nhất là năm 2018, sau khi xã Phụng Công chính thức được UBND tỉnh Hưng Yên công nhận là làng nghề hoa cây cảnh. Được biết, hiện tại những hộ có kinh nghiệm về trồng hoa của xã Phụng Công đã biết chú trọng vào các loại hoa hiếm có giá trị kinh tế cao, kết hợp phát triển trồng những loại hoa cảnh có thế mạnh của địa phương như: hoa Hồng, hoa Giấy ngũ sắc, hoa Trà My, Hải Đường, Trạng Nguyên…và những giống hoa mới nhập ngoại cho giá trị kinh tế khoảng 70 triệu đồng/ha/năm. Đến nay, toàn xã có gần 900 hộ trồng hoa có thu nhập trung bình mỗi năm đạt từ 300 triệu đồng trở lên và có nhiều hộ thu nhập từ 1,5- 2tỷ đồng/năm.
Hoa giấy ngũ sắc, một trong nhưng loại cây cảnh có giá trị kinh tế cao tại Phụng Công |
Đến với xã Phụng Công hiện nay, chúng ta không khỏi “choáng ngợp” bởi sự phát triển đến đáng tự hào của địa phương, tại xã có nhiều “tỷ phú” trẻ biết làm giàu từ nghề trồng hoa, nhiều nhà cao tầng với phong cách kiến trúc hiện đại được xây dựng lên ngay cạnh những vườn hoa. Người dân cho biết, nhờ có những chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên diện tích đất nông nghiệp, nên đã có nhiều hộ gia đình làm giàu thành công trong nghề trồng hoa với mẫu trồng hoa Hồng cổ, hoa Giấy, Trà My, Hải Đường, Mẫu Đơn, Trạng Nguyên…và những giống hoa mới nhập ngoại.
Được biết, đã có những gốc cây hoa Giấy ngũ sắc 5 màu (giống hoaThái Lan) có giá lên tới tiền tỷ, hay những gốc cây Hồng cổ lâu năm có tới gần 1.000 bông hoa, được bán với trị giá hàng trăm triệu đồng. Mỗi năm lợi nhuận có hộ thu về hàng tỷ đồng từ việc trồng hoa, cây cảnh.
Người dân tích cực chuyển đổi từ cơ cấu cây trồng có giá trị
Những năm gần đây, thu nhập của người dân tăng cao, từ 23 triệu đồng/người năm 2011, năm 2020 tăng lên 68 triệu đồng/người, là nhờ sự nỗ lực, nhạy bén của người dân và chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế của UBND huyện. Trong đó, có việc huy động sự hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng của chủ đầu tư dự án khu đô thị trên địa bàn để xây hạ tầng nông thôn, hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho nông dân sau khi đất nông nghiệp bị thu hẹp để triển khai dự án.
Những gốc hoa Giấy ngũ sắc có giá tiền tỷ được bầy bán ngay tại vườn nhà ông Hoạch |
Ông Trần Đức Tuấn, một trong những hộ trồng cây cảnh tại thôn Bến, xã Phụng Công cho biết: “Gia đình ông cũng như bao gia đình khác tại địa phương, từ sau khi có chủ trương chuyển đổi mô hình cơ cấu cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế từ UBND huyện, gia đình ông còn chú tâm vào việc phát triển nghề trồng hoa. Với diện tích thuê và chuyển đổi 5 sào đất thì gia đình ông tập trung chủ yếu trồng những giống hoa Hồng của Bungari, rồi về lai tạo thành những giống hoa Hồng cho hoa rất đẹp, giá trị kinh tế gấp 10 lần giống hoa gốc, mỗi năm trừ mọi chi phí thì gia đình ông cũng thu lãi về 400- 500 triệu đồng”.
Theo chân ông Nguyễn Quốc Trị, Chủ tịch hội nông dân xã Phụng Công xuống thăm quan tại các hộ trồng hoa trong xã, thì mới thấy được sức tiêu thụ và đa dạng các loại hoa mà người dân xã Phụng Công trồng ở đây như thế nào. Từ hoa Trà, Hải Đường, Trạng Nguyên, Mẫu Đơn, Đồng Tiền, hoa Giấy…
Hoa Trạng Nguyên, một trong những giống hoa có thế mạnh của địa phương |
Theo ghi nhận của phóng viên, thì thị trường hoa Giấy chơi tết năm nay rất đa dạng, giống hoa Giấy được trồng quanh năm, đặc điểm của những giống hoa này là dễ trồng, dễ chăm sóc, ưa thời tiết quanh năm.
Ông Trị cho biết, tại thôn Đạo của xã, điển hình như hộ ông Nguyễn Kế Hoạch, là hộ gia đình tiên phong đầu tiên đã nhập mà mang giống hoa Giấy ngũ sắc (được nhập từ Thái Lan) về trồng tại địa phương. Hiện tại, hộ gia đình ông Hoạch có tổng 3 mẫu đất chuyên trồng hoa Giấy các loại, có những gốc cây hoa giấy có giá tiền tỷ được bày bán ngay tại vườn. Hàng năm trừ mọi chi phí, gia đình hộ ông Hoạch cũng thu lãi về khoảng tầm 2 tỷ đồng.
Còn những giống hoa Hải Đường, Trạng Nguyên, Trà My, Mẫu Đơn…thì đến gần tết thị trường hoa mới được bày bán nhiều, bởi đặc thù của những loài hoa này ưa thời tiết lạnh mùa đông.
Được biết, ngoài những giống hoa trên, thì giống hoa Trạng Nguyên chỉ có người xã Phụng Công là trồng đẹp hơn cả. Bởi người trồng hoa ở Phụng Công có đủ điều kiện, am hiểu tính chất và kỹ thuật trồng giống hoa này (một loại hoa có thế mạnh của xã mà chủ yếu được bán vào dịp tết nguyên đán).
Vườn Hồng Bungari được lai tạo ra nhiều giống hoa Hồng đẹp có giá trị kinh tế cao |
Bên cạnh đó, ông Trị còn cho biết thêm: Người xã Phụng Công không những phát triển nghề trồng hoa trên diện tích xã nhà mà còn tích cực chủ động thuê diện tích đất tại các xã lân cận để phát triển nghề trồng hoa. Với thu nhập bình quân, trừ mọi chi phí thì hàng năm, mỗi hộ gia đình trồng cây cảnh trong xã, cũng thu được từ 200- 300 triệu đồng từ nghề trồng hoa. Đảm bảo mức thu nhập sinh hoạt trong cuộc sống từ nghề trồng hoa đem lại, góp phần ổn định hơn từ làm nông nghiệp trồng trọt.
Năm 2020, xã Phụng Công đã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và đã tổ chức thành công lễ đón nhận Bằng công nhận khu dân cư nông thôn kiểu mẫu năm 2020 thôn Đại. Nhằm nỗ lực xây dựng đời sống văn hóa, quan tâm phát triển kinh tế bền vững, xây dựng các thiết chế văn hóa, chăm lo đến các đối tượng chính sách, người có công và sự nghiệp giáo dục. Xây dựng một Phụng Công theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ xã Phụng Công khóa XXIV, nhiệm kỳ 2020- 2025 đã đề ra.
Xuân Khiển