Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hồng diên hoàn - thần dược phòng the đáng sợ bậc nhất lịch sử Trung Quốc

  • Mộc Miên
(DS&PL) -

Xung quanh những vụ việc có liên quan đến các loại thuốc xuân dược trong lịch sử Trung Hoa, phải nhắc tới sự kiện hoàng đế nhà Minh lên ngôi chưa đầy 1 tháng đã băng hà

Từ thời xa xưa, trong chốn hậu cung các triều đại Trung Hoa, xuân dược đã trở thành một trợ thủ đắc lực cho các bậc vua chúa trong chuyện phòng the. Đặc biệt, Triều Minh được cho là một trong những triều đại mà các phương thuốc xuân dược phát triển cực thịnh. 

Nhiều vị vua tin dùng thuốc xuân dược mà không lường trước hậu quả.

Hồng diên hoàn

Dưới thời vua Minh Thế Tông, Đào Trọng Văn vốn chỉ là một tên quan coi kho chẳng mấy ai biết tới nhưng nhờ hiến phương thuốc bào chế "hồng diên hoàn" đã được vua Minh Thế Tông sủng ái. 

Khi dâng loại thuốc bí truyền này lên nhà vua, Đào Trọng Văn mô tả rằng: "Uống loại "xuân dược" này người sẽ trẻ ra, máu huyết lưu thông, sức khỏe cường tráng và đặc biệt sẽ vô cùng mạnh mẽ, dẻo dai trong chốn phòng the và trường sinh bất lão”.

Theo tương truyền, phương thuốc bí truyền của họ Đào cực kỳ quái dị. Theo đó, nguyên liệu số một để chế "Hồng diên hoàn" là kinh nguyệt lần đầu của phụ nữ (hồng diên) đựng trong những vật dụng bằng kim loại rồi cho thêm sương đêm, ô mai vào, sau đó đem sắc bảy lần. Sau khi đã sắc bảy lần những loại nguyên liệu đó lại cho thêm trầm hương, chu sa, nhựa thông,… rồi luyện bằng lửa, cuối cùng mới cô đặc lại chế thành thuốc viên để dùng.

Để chế loại "xuân dược" quái đản này, Minh Thế Tông đã tổ chức rất nhiều đợt tuyển mỹ nữ với độ tuổi chỉ từ 11-16 để lấy "nguyên liệu".

Theo sách "Minh thực lục" có chép: Từ năm 1547 cho tới năm 1564, Hoàng đế triều Minh đã chọn vào cung hơn 1.000 thiếu nữ vào cung. Cụ thể như: Năm Gia Tĩnh thứ 26, tức năm 1547, tuyển 300 thiếu nữ tuổi từ 11-14 vào cung. Năm Gia Tĩnh thứ 31, tức năm 1552, lại tuyển 300 người. Tháng 9 năm 34, tức năm 1555, tuyển 160 bé gái tuổi dưới 10 tuổi, tháng 11 năm cùng năm lại tuyển thêm 20 thiếu nữ ở vùng Hồ Quảng (Hồ Nam và Hồ Bắc của Trung Quốc ngày nay). Tháng giêng năm Gia Tĩnh thứ 43, tức năm 1564, tuyển 300 cung nữ.

Tranh vẽ vua Minh Thế Tông.

Vì không ít cô gái bị bắt khi còn quá nhỏ tuổi ngày đêm kêu khóc vì nhớ cha mẹ, nhiều gia đình rơi vào cảnh hoảng loạn vì con gái bị bắt đi. Không chịu được áp bực, nhiều người đã quyết định làm loạn. Dương Kim Anh là cung nữ cầm đầu cuộc nổi loạn sau đó mười mấy cung nữ cùng lúc xông lên, dùng dây thừng siết vào cổ Hoàng đế Thế Tông, định giết chết ông ta… Cuộc nổi loạn tuy không thành công nhưng cũng khiến vị Hoàng đế hoang dâm vô độ của Minh triều được một phen khiếp vía.

Thoát được đại nạn lần đó nhưng không có nghĩa là lưới trời buông tha. Chỉ sau 9 năm kể từ ngày sử dụng loại "xuân dược" này, Minh Thế Tông đã chết vì ngộ độc, hưởng thọ 59 tuổi.

Hôn quân Minh Thế Tông chết nhưng những cô gái ở độ tuổi dậy thì vẫn không được yên thân. Kẻ nối ngôi Thế Tông là Mục Tông cũng học theo người cha của mình sử dụng loại "xuân dược" quái đản này và hắn cũng chết bởi ngộ độc "hồng diên hoàn" này khi chưa đầy 36 tuổi.

Lên ngôi chưa đầy 1 tháng đã băng hà

Đã hai án mạng xảy ra vì sử dụng thường xuyên "hồng diên hoàn" nhưng người kế vị tiếp theo là Chu Thường Lạc lại tiếp tục học theo ông và cha tin dùng nó. Vì vậy thái tử Chu Thường Lạc, con vua Thần Tông và là cháu của Mục Tông, chưa kịp lên ngôi thì đã chết một cách bất đắc kỳ tử vì xuân dược. Sử sách gọi đây là "vụ án Hồng diên hoàn" nổi tiếng trong lịch sử triều chính Trung Quốc.

Hồng diên hoàn không hề tốt, thậm chí có hại cho sức khoẻ. 

Chu Thường Lạc lúc nhỏ không được học hành tử tế, đến khi làm Hoàng đế bắt đầu phóng túng dục vọng. Trịnh quý phi muốn Hoàng đế phong chức Thái hậu cho mình nên đã chuẩn bị một ít châu báu và tám mỹ nữ cho Hoàng đế. Chu Thường Lạc ngày đêm chìm trong dục vọng, thế là sức cùng lực kiệt, lâm bệnh triền miên.

Một đêm, một trong số 8 mỹ nữ do Trịnh Quý phi dâng tặng tới hầu hạ hoàng đế, Chu Thường Lạc uống một viên Hồng diên hoàn vào, bỗng nhiên trở nên hưng phấn lạ thường, giống như phát cuồng. Thấy dáng vẻ không bình thường của Hoàng đế, sáng hôm sau, Ngô Tán đã phải đi tìm ngự y. Thôi Văn Thăng cho rằng, Hoàng đế bị nóng trong nên đã kê cho Ngô Tán một loạt các thuốc giải nhiệt, nhuận tràng. Hoàng đế uống xong, lập tức bị tả, một ngày tới mấy chục lần.

Trong lúc bệnh của Thường Lạc ngày càng nặng thì Lý Khả Chước ở Hồng Lư tự nói mình có thuốc tiên chữa được bách bệnh, muốn dâng lên Hoàng đế. Thuốc mà Lý Khả Chước dâng lên là một loại thuốc viên màu đỏ được cho là Hồng diên hoàn. Sau khi uống thuốc, nhịp thở của Hoàng đế bắt đầu đều trở lại. Mọi người ai cũng thở ra một hơi nhẹ nhõm. Đến Hoàng đế cũng liên miệng khen Lý Khả Chước là trung thần và truyền lệnh ban thưởng thật hậu hĩnh.

Đêm hôm đó, khi các quan đại thần đang túc trực ở bên ngoài tịch cung của Hoàng đế thì bỗng nhiên một thái giám vội vàng chạy tới, truyền chỉ Lý Khả Chước dâng thêm một viên thuốc nữa. Sau khi uống viên thuốc thứ hai, hơi thở của Hoàng đế có vẻ bình phục. Phương Dĩ Triết theo ý chỉ của hoàng đế truyền lệnh thưởng cho Lý Khả Chước 50 lạng bạc. Chỉ dụ vừa truyền đi thì đột nhiên hoàng đế hét lớn, hai tay ôm ngực, hai mắt trợn ngược, giãy đạp liên hồi, một lát sau thì tắt thở.

Chu Thường Lạc mới lên ngôi được 30 ngày thì đã qua đời, trở thành một trong những ông vua có thời gian ngồi trên ngai vàng ngắn nhất lịch sử Trung Quốc.

Tranh vẽ Chu Thường Lạc.

Đối với loại nguyên liệu "hồng diên", Lý Thời Trân - nhà dược học nổi tiếng cuối thời Minh đã thẳng thắn bác bỏ. Trong sách "Bản thảo cương mục", ông viết rằng: "Kinh nguyệt là thứ không sạch sẽ, bọn phương sĩ dùng tà thuật để tô vẽ, coi đó là loại thần dược bí truyền. Nhiều kẻ ngu muội đã tin theo những điều vô căn cứ đó nên mới đưa thứ uế trọc này vào người, làm cho âm dương khí huyết bị thương tổn, sinh ra đủ thứ bệnh tật… đâu có biết rằng, đó là thứ người quân tử cần phải tránh xa".

Các nghiên cứu về sau cũng đã khẳng định, trong "hồng diên" cũng như kinh nguyệt của phụ nữ không chứa các chất có tác dụng hồi xuân cũng như những chất đặc biệt có tác dụng để chữa bệnh. Vì vậy, trong các sách thuốc của Đông y hiện đại không còn thấy đề cập đến "hồng diên" nữa.

Mộc Miên (T/h)

Tin nổi bật