Báo Sức khỏe và Đời sống đưa tin, Thanh tra Bộ GD&ĐT vừa công bố kết luận thanh tra việc liên kết tổ chức thi, cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài với Công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam.
Theo kết luận thanh tra, trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022, Công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam đã liên kết tổ chức thi IELTS Test Report Form cho 67.195 người, cấp 66.153 chứng chỉ IELTS. Địa chỉ thi trải rộng trong cả nước là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và 16 tỉnh, thành phố.
Hơn 56.000 chứng chỉ IELTS tại Việt Nam bị cấp sai quy định
Cụ thể: từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 9/9/2022, Công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam chưa được cấp phép liên kết tổ chức thi, cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo quy định tại Điều 21, Điều 22 và Điều 23 Nghị định 86/2018/NĐ-CP.
Công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam đã liên kết tổ chức thi, cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài với tổng số 46.643 chứng chỉ, vi phạm điểm b khoản 5 Điều 6 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22/1/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
Từ ngày 10/9/2022 đến ngày 16/11/2022, Công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam chưa được phép tổ chức liên kết thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam theo Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT, Điều 21, Điều 22 và Điều 23 Nghị định 86/2018/NĐ-CP.
Tuy nhiên, Công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam đã liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài với tổng số 9.587 chứng chỉ, vi phạm điểm b khoản 5 Điều 6 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22/1/2021 của Chính phủ.
Kết luận thanh tra nêu rõ, trách nhiệm thuộc Giám đốc Công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam.
Theo báo VnExpress, Thanh tra Bộ đề nghị IDP rà soát toàn bộ hoạt động liên kết thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ, đồng thời báo cáo Cục Quản lý chất lượng, đề xuất hướng xử lý đối với những chứng chỉ đã cấp khi chưa được phép.
Động thái của Bộ liên quan đến sự kiện hoãn thi IELTS ở Việt Nam hồi đầu tháng 11/2022. Theo Nghị định 86 năm 2018 của Chính phủ (có hiệu lực từ 1/8/2018), việc liên kết đào tạo và tổ chức cấp chứng chỉ ngoại ngữ của nước ngoài do Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Tuy nhiên, đến tháng 7 năm 2022, Bộ mới ra thông tư hướng dẫn, yêu cầu các đơn vị tổ chức thi và cấp chứng chỉ làm đề án, trình Bộ cấp phép. Nhiều bên không đáp ứng nên bị Bộ tuýt còi, phải đồng loạt dừng các kỳ thi IELTS, TOEFL, HSK (tiếng Trung), TOPIK (tiếng Hàn), NAT- TEST (tiếng Nhật)...
Cục kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp cho rằng việc ban hành thông tư chậm khiến các đơn vị tổ chức liên kết thi cấp chứng chỉ không thể nộp hồ sơ "do chưa có hướng dẫn cụ thể".
Việc này khiến hàng nghìn học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng vì chứng chỉ không được các đại học chấp nhận khi xét tuyển đầu vào hay công nhận chuẩn đầu ra để cấp bằng tốt nghiệp.