VietnamPlus đưa tin, theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, tính đến ngày 20/12/2024, tổng số máy bay đăng ký quốc tịch Việt Nam là 249 chiếc (220 máy bay cánh bằng và 29 trực thăng), giảm 12 máy bay so với năm 2023. Trong đó, có 33 máy bay đang phải bảo quản dừng bay trên 12 tháng, tăng 16 máy bay phải bảo quản dừng bay so với năm 2023.
Phía Cục Hàng không Việt Nam chỉ ra tình trạng thiếu máy bay khai thác tiếp tục diễn ra do lệnh triệu hồi động cơ của nhà sản xuất Pratt Whitney (hiện tại có tổng số 26/53 máy bay A321NEO đang phải bảo quản dừng bay); nguồn cung ứng thiết bị máy bay khó khăn; các hãng hàng không tối ưu hoá thời gian sử dụng máy bay để đáp ứng nhu cầu vận chuyển làm tăng áp lực cho hệ thống bảo dưỡng, cung ứng vật tư, khí tài.
Các nhân viên kỹ thuật đang kiểm tra, bảo dưỡng động cơ máy bay. Ảnh: VietnamPlus
Được biết, vào ngày 3/11/2023, nhà sản xuất động cơ Pratt & Whitney (Mỹ) đã ban hành thông báo kỹ thuật khẩn và được áp dụng từ ngày 1/1 nhằm kịp thời phát hiện hỏng hóc bất thường từ quá trình sản xuất động cơ PW 1100 G gắn trên máy bay Airbus A321 NEO.
Thời điểm đó, toàn ngành hàng không trong nước có 44 máy bay Airbus A321 NEO, tương ứng với 88 động cơ PW 1100 G của Vietjet (24 máy bay) và Vietnam Airlines (20 máy bay) thuộc diện kiểm tra theo chỉ dẫn của nhà sản xuất, theo thông tin trên tạp chí Tri Thức.
Để thực hiện kiểm tra, động cơ cần được tháo khỏi máy bay. Tiếp đó sẽ tháo rời động cơ để siêu âm kiểm tra khiếm khuyết, thay thế bộ phận bị lỗi (nếu có) rồi lắp ráp lại trước khi gắn lên máy bay. Quá trình trên dự kiến mất khoảng 200 ngày.
Số lượng lớn máy bay Airbus A321 NEO phải dừng bay để kiểm tra động cơ trong thời gian dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng không năm 2024 của các hãng, nhất là dịp cao điểm lễ, Tết. Vì vậy, các hãng đều phải nỗ lực thuê thêm máy bay dù giá thuê có thời điểm tăng cao.
Cục Hàng không Việt Nam đã chỉ đạo triển khai các giải pháp giảm thiểu rủi ro như: tổ chức thực hiện rà soát công tác đảm bảo an toàn thông qua các hoạt động của các đoàn kiểm tra an toàn tối thiểu của năm, các đợt kiểm tra gia hạn giấy chứng nhận người khai thác máy bay đối với tổ chức, gia hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện bay đối với máy bay, cũng như các đợt kiểm tra an toàn đột xuất; tạo điều kiện, hỗ trợ các hãng hàng không Việt Nam trong việc tìm kiếm và bổ sung máy bay (bao gồm thuê khô và thuê ướt) để đáp ứng nhu cầu khai thác.
Bên cạnh đó, Cục Hàng không Việt Nam tăng cường nâng cao các biện pháp đảm bảo an toàn trong bối cảnh các hãng hàng không tối ưu hoá thời gian sử dụng máy bay để đáp ứng nhu cầu vận chuyển; rà soát hiệu quả các giải pháp giảm thiểu rủi ro và thực hiện tăng cường bổ sung trong trường hợp cần thiết, chia sẻ thông tin an toàn đến các đơn vị trong ngành để ngăn ngừa sự cố.
Đồng thời, tổ chức việc xếp lịch bay tính đến quản lý rủi ro mệt mỏi và các báo cáo mệt mỏi của tổ bay nhằm tăng giới hạn của tổ bay đối với các tình huống không lường trước, bất thường trong chuyến bay.
Trong năm qua, sản lượng vận chuyển hành khách của các hãng hàng không Việt Nam đạt 53,3 triệu khách, giảm nhẹ 4,5% so với năm 2023. Tuy nhiên, sản lượng hành khách quốc tế tăng 18,5%. Sản lượng vận chuyển hàng hóa đạt 446.000 tấn, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng trong năm 2024, các hãng hàng không Việt Nam đã thực hiện được 306.000 chuyến, giảm 11% so với cùng kỳ 2023, tương ứng với 674.000 giờ bay, giảm 8% so với năm ngoái.
Hoạt động khai thác của các hãng đã dần phục hồi, hoạt động vận tải hàng không cơ bản đảm bảo an toàn. Các chỉ số an toàn trên 1.000 chuyến bay được duy trì tốt.