Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hơn 11.000 thí sinh tham dự kỳ thi riêng của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội

  • Thùy Dung(T/h)
(DS&PL) -

Hơn 11.000 thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024 của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Kết quả của kỳ thi có thể sử dụng để xét tuyển vào 9 trường đại học.

Theo báo Nhân Dân, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, thí sinh đủ điều kiện tham dự kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024 là học sinh lớp 12 hoặc đã tốt nghiệp THPT. Nội dung các bài thi tương ứng và phù hợp với nội dung các môn học, môn thi cấp THPT mà các em đã quen thuộc; thí sinh làm bài thi trực tiếp trên giấy. Đề thi có kết hợp trắc nghiệm và tự luận với tỷ lệ điểm phù hợp tùy theo bài thi, bao gồm các câu hỏi đánh giá mức độ thông hiểu kiến thức cốt lõi và năng lực lập luận, phân tích, đánh giá, giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Ngoài một số điểm thi ở Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội còn tổ chức điểm thi tại Đà Nẵng, Bình Định nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh dự thi.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024 của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Tuổi Trẻ

Theo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đề thi năm nay được những chuyên gia, cán bộ, giảng viên giỏi và giàu kinh nghiệm thuộc các khoa đào tạo thực hiện. Trong số này, có nhiều thành viên chủ chốt (chủ biên, tác giả, góp ý - phản biện…) tham gia xây dựng chương trình, sách giáo khoa phổ thông và tham gia biên soạn câu hỏi nguồn, đề thi học sinh giỏi, đề thi tốt nghiệp THPT hàng năm cho Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cán bộ, giảng viên thường xuyên được tham dự các chương trình tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn về xây dựng đề thi đánh giá năng lực theo hướng chuẩn hóa.

Về chấm thi, giảng viên trong trường có kinh nghiệm nhiều năm chấm thi học sinh giỏi các cấp, chấm thi tốt nghiệp THPT, chấm thi tuyển sinh đại học và đánh giá năng lực tiếng Anh, tiếng Việt. Nhiều cán bộ, giảng viên là những thành viên nòng cốt tham gia chấm thi học sinh giỏi quốc tế (Olympic Toán, Sinh học, Hóa học, Vật lý).

Để kỳ thi diễn ra thuận lợi, an toàn, trường bố trí đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị và phần mềm, đáp ứng yêu cầu hỗ trợ hiệu quả công tác tổ chức thi, đáp ứng yêu cầu về bảo mật, an toàn, an ninh, chống gian lận trong kỳ thi. Các điểm thi đều nằm trong khuôn viên rộng của trường hoặc được lựa chọn từ những đối tác tin cậy, biệt lập với các hoạt động xã hội bên ngoài; có cán bộ an ninh, bảo vệ giám sát hoạt động ra vào khu vực thi.

Các điểm thi có phòng, ban chỉ đạo thi đủ lớn để tập trung cán bộ coi thi trước giờ thi để phân công các cán bộ làm nhiệm vụ tại điểm thi. Các phòng thi có đủ số lượng bàn ghế, bảo đảm khoảng cách giữa các thí sinh ngồi dự thi theo quy định và bảo đảm cho giám thị, giám sát quan sát tốt thí sinh trong quá trình thi. Khu vực thi có đầy đủ hệ thống cảnh báo và chống cháy, nổ, bảo đảm an toàn cho kỳ thi. Trường có ký túc xá hỗ trợ nhu cầu lưu trú trong thời gian dự thi đối với thí sinh ở xa...

Nhiều thí sinh thi sư phạm theo định hướng sẵn từ cha mẹ

Chia sẻ trên báo Tuổi Trẻ, Đoàn Nhật Minh và Đinh Minh Ánh, học sinh lớp 12 Trường THPT Bắc Duyên Hà, tỉnh Thái Bình, cho biết cả hai em tự bắt xe từ Thái Bình lên Hà Nội trước kỳ thi một ngày, sau đó thuê nhà trọ gần trường để tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của Trường đại học Sư phạm Hà Nội.

Cả Minh và Ánh lựa chọn thi sư phạm vì được truyền cảm hứng từ mẹ là giáo viên.

Đoàn Nhật Minh và Đinh Minh Ánh cùng lựa chọn theo đuổi nghề giáo viên vì được truyền cảm hứng từ mẹ. Ảnh: Tuổi Trẻ

Minh cho biết đã đăng ký thi 4 môn, gồm toán, văn, tiếng Anh và lịch sử để lấy kết quả xét tuyển vào ngành sư phạm ngữ văn và sư phạm lịch sử, Trường đại học Sư phạm Hà Nội.

"Cơ bản em chỉ ôn tập các kiến thức học trên lớp, kết hợp nắm chắc dạng đề tham khảo, em khá tự tin với cách học của mình. Mẹ em là giáo viên ngữ văn cấp 2, bố mẹ cũng đã định hướng cho em theo nghề giáo từ sớm", Minh chia sẻ.

Tương tự, Bùi Cao Nhất Tâm, học sinh lớp 12 Trường THPT Mỹ Đức B, Hà Nội, cho biết không chọn các ngành hot như kinh tế, công nghệ thông tin vì mê nghề giáo viên của bố.

"Bố em là giáo viên dạy toán cấp 3, từ nhỏ em đã thích theo nghề cầm bút, cầm phấn của bố. Lên cấp 3 bắt đầu xây dựng kế hoạch ôn luyện để theo đuổi ngành này", Tâm kể.

Trong đợt thi này, Tâm thi ba môn, gồm toán, hóa, tiếng Anh, để lấy kết quả xét tuyển vào ngành sư phạm toán và sư phạm tiếng Anh. Tâm chia sẻ mình chọn thi đánh giá năng lực để giảm áp lực, tránh tỉ lệ chọi cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT tới đây.

"Em đã chuẩn bị khá kỹ cho kỳ thi đánh giá năng lực lần này, đề thi cũng không khác nhiều so với kỳ thi tốt nghiệp THPT, chỉ khác một chút có thêm phần thi tự luận. Em thấy cấu trúc đề vậy khá tốt, vừa đánh giá được tư duy trắc nghiệm, làm bài nhanh, vừa đánh giá được tư duy diễn giải phù hợp với giáo viên", Tâm nói.

Danh sách 9 trường đại học công nhận kết quả bài thi Trường đại học Sư phạm Hà Nội

Tổng số thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024 của Trường đại học Sư phạm Hà Nội là 11.537 thí sinh, trong đó môn ngữ văn có số thí sinh đăng ký dự thi nhiều nhất với 7.531 thí sinh, tiếp đến là toán 6.617 thí sinh, tiếng Anh 5.131 thí sinh, lịch sử 2.830 thí sinh.

Môn vật lý có 1.972 thí sinh đăng ký dự thi, hóa học 1.898 thí sinh, địa lý 931 thí sinh, sinh học 380 thí sinh.

So với năm 2023, số lượng thí sinh tăng gần gấp 2,5 lần.

Kết quả bài thi được 9 trường đại học công nhận bao gồm: Trường đại học Sư phạm Hà Nội; Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2; Trường đại học Sư phạm TP.HCM; Trường đại học Sư phạm - Đại học Huế; Trường đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng; Trường đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên; Trường đại học Vinh; Trường đại học Quy Nhơn; Trường đại học Y Dược Thái Bình.

Thí sinh lựa chọn đăng ký một số bài thi và sử dụng kết quả thi để đăng ký dự tuyển vào các ngành đào tạo đại học theo yêu cầu của mỗi trường đại học.

Tin nổi bật