Theo tin tức cổ phiếu trên tạp chí Mekong Asean, ngày 5/12, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) có công văn chấp thuận thay đổi niêm yết bổ sung gần 1,2 tỷ cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã chứng khoán: VPB) vào ngày 6/12.
Hôm nay (6/12), gần 1,2 tỷ cổ phiếu của VPBank được niêm yết bổ sung.
Vốn điều lệ tại ngân hàng này qua đó sẽ được nâng từ 67.434 tỷ đồng lên mức 79.339 tỷ đồng. Đồng thời vốn chủ sở hữu cũng được nâng từ mức 103.500 tỷ đồng lên gần 140.000 tỷ đồng.
Số cổ phiếu được niêm yết thêm đến từ việc ngày 20/10, VPBank đã phát hành thành công gần 1,2 tỷ đồng cổ phiếu riêng lẻ cho Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC). Tổng giá trị của đợt phát hành đạt hơn 35.900 tỷ đồng (tương đương gần 1,5 tỷ USD). Toàn bộ số cổ phiếu phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 5 năm tới.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 5/12, cổ phiếu VPB đóng cửa ở mức 19.150 đồng/ cổ phiếu, tăng khoảng 9% so với hồi đầu năm.
Theo tạp chí Thương gia, trong tháng 11, ngân hàng cũng đã hoàn thành việc chi trả cổ tức năm 2022 bằng tiền, tỷ lệ 10%. Như vậy, VPBank sẽ phải chi ra hơn 7.900 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông. Bắt đầu từ năm 2023, VPBank dự kiến chia cổ tức bằng tiền trong 5 năm liên tiếp từ nguồn lợi nhuận sau thuế của ngân hàng, trong khi đó vẫn bảo toàn nguồn vốn dành cho hoạt động kinh doanh và tăng trưởng trong kế hoạch.
Về tình hình kinh doanh 9 tháng đầu năm 2023, VPBank ghi nhận doanh thu đạt 27.133 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 8.279 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 6.530 tỷ đồng, đều giảm 58% so với cùng kỳ năm 2022.
Tại ngày 30/9, quy mô tài sản của VPBank tăng 23,6% so với đầu năm lên 780.213 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt 521.566 tỷ đồng, tăng 18,9%.
Về nguồn vốn, số dư tiền gửi của khách hàng tại nhà băng này đạt 421.471 tỷ đồng, tăng 39%, trong đó lượng tiền gửi không kỳ hạn đạt 69.165,9 tỷ đồng, chiếm 16,4% tổng tiền gửi khách hàng.
Một điểm sáng trong bức tranh tài chính của VPBank là tín dụng của ngân hàng mẹ trong quý III đạt hơn 488.000 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 22% so với đầu năm và cao hơn 3 lần so với mức tăng trung bình ngành 6,9% tính đến cuối tháng 9.
Về chất lượng nợ vay, số dư nợ xấu của ngân hàng này tăng từ 25.317 tỷ đồng lên gần 30.000 tỷ đồng (tăng 18%).
Ngân hàng tập trung cho vay hoạt động làm thuê các công việc trong hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình (chiếm 32,77% tổng dư nợ). Cho vay kinh doanh bất động sản vươn lên vị trí thứ 2 với tỷ lệ 18,83% tổng dư nợ, tăng 45% so với cuối năm ngoái.
Vân Anh (T/h)