Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2203 Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã chứng khoán: VPB) mới công bố, trong kỳ, ngân hàng ghi nhận thu nhập lãi thuần 8.837 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động kinh doanh ngoại hối ghi nhận lỗ 63,6 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần. Lãi thuần từ hoạt động khác cũng có sự sụt giảm mạnh, ở mức 495,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ là 1.252 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, hoạt động dịch vụ, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh và mua bán chứng khoán đầu tư đều tăng trưởng. Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 1.889 tỷ đồng (tăng 6,7%), lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh đạt 88 tỷ đồng (tăng 9,4%) và lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư đạt 11 tỷ đồng (tăng 9,7%).
Trong quý III/2023, VPBank ghi nhận chi phí hoạt động là 3.194,7 tỷ đồng, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng giảm 8,7% so với cùng kỳ, xuống còn 4.950,1 tỷ đồng.
Kết thúc quý III/2023, VPBank lãi trước thuế 3.117 tỷ đồng, giảm 31%.
Kết quả kinh doanh quý III/2023 ngân hàng VPBank.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, VPBank ghi nhận tổng thu nhập hoạt động 11.262 tỷ đồng (giảm 11%). VPBank báo lợi nhuận trước thuế đạt 8.279 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 6.530 tỷ đồng (giảm 58%).
Năm 2023, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 13% lên 24.003 tỷ đồng. Như vậy, trải qua 9 tháng, VPBank mới chỉ thực hiện gần 35% kế hoạch.
Tại ngày 30/9, quy mô tài sản của VPBank tăng 23,6% so với đầu năm lên 780.213 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt 521.566 tỷ đồng, tăng 18,9%.
Về nguồn vốn, số dư tiền gửi của khách hàng tại nhà băng này đạt 421.471 tỷ đồng, tăng 39%, trong đó lượng tiền gửi không kỳ hạn đạt 69.165,9 tỷ đồng, chiếm 16,4% tổng tiền gửi khách hàng.
Một điểm sáng trong bức tranh tài chính của VPBank là tín dụng của ngân hàng mẹ trong quý III đạt hơn 488.000 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 22% so với đầu năm và cao hơn 3 lần so với mức tăng trung bình ngành 6,9% tính đến cuối tháng 9.
Về chất lượng nợ vay, số dư nợ xấu của ngân hàng này tăng từ 25.317 tỷ đồng lên gần 30.000 tỷ đồng (tăng 18%).
Ngân hàng tập trung cho vay hoạt động làm thuê các công việc trong hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình (chiếm 32,77% tổng dư nợ). Cho vay kinh doanh bất động sản vươn lên vị trí thứ 2 với tỷ lệ 18,83% tổng dư nợ, tăng 45% so với cuối năm ngoái.
Tại ngày 30/9, VPBank có 24.633 nhân viên, giảm 1.187 so với ngày 30/6 và giảm 4.478 người so với cuối năm 2022. Có thể thấy, làn sóng cắt giảm nhân sự tại VPBank vẫn tiếp diễn.
Mặc dù mạnh tay cắt giảm nhân sự nhưng chi lương và phụ cấp cho nhân viên ngân hàng này tăng 7,7% so với cùng kỳ, đạt 6.310 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2023.
Thu nhập bình quân mỗi tháng của nhân viên VPBank vào khoảng 26,09 triệu đồng. So với cùng kỳ, thu nhập của nhân viên VPBank tăng 2,34 triệu đồng/tháng.
Trên thị trường chứng khoán, phiên sáng 18/10, cổ phiếu VPB giảm nhẹ về ngưỡng 22.250 đồng/cổ phiếu.
Mới đây, VPBank thông báo sẽ chia cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 10% bằng tiền (1 cổ phiếu nhận được 100.000 đồng). Ngày đăng ký cuối cùng là 10/11/2023, ngày giao dịch không hưởng quyền là 9/11/2023. Ngày thanh toán là 20/11/2023.
Trước đó, Ban Lãnh đạo Ngân hàng cũng nhiều lần khẳng định sẽ dành khoảng 8.000 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận năm 2022 để chia cổ tức.
Vân Anh