(ĐSPL) - “Tướng Đờ Cát vừa thấy tôi vào tới nơi, ông ta vội vàng đứng dậy giơ tay ra để bắt tay. Lúc đó tôi nghĩ, sao lại bắt tay, bắt tay là thế nào?. Tôi đã dùng khẩu tiểu liên thọc mạnh vào bụng ông ta…".
“Địch chỉ có đầu hàng sao lại bắt tay?”
Là 1 trong năm chiến sĩ trực tiếp xông vào tận sào huyệt của địch, một mình đối mặt với tướng Đờ Cát, trước hành động bắt tay của địch, trong tình thế "ngàn cân treo sợi tóc", đại tá Hoàng Đăng Vinh đã nhanh trí, dũng mãnh dùng họng súng hạ gục tướng Đờ Cát chỉ trong chớp mắt. Câu chuyện đã xảy ra cách đây tròn trịa 60 năm, nhưng người cựu chiến binh Điện Biên vẫn nhớ như in trong từng khoảnh khắc.
Clip Đại tá Hoàng Đăng Vinh kể chuyện bắt sống tướng Đờ-cát:
Bên trong ngôi nhà giản dị nằm sát ga Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, chúng tôi được sống lại thời khắc lịch sử vẻ vang của chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Những hình ảnh về người lính Điện Biên, anh bộ đội kéo pháo, cô dân quân du kích, hay nụ cười rạng rỡ của tình anh em, đồng đội, đồng chí được đại tá Hoàng Đăng Vinh lưu giữ cẩn thận và treo ở những nơi trang trọng nhất trong nhà.
Lật giở những tấm ảnh đen trắng năm xưa, đại tá Hoàng Đăng Vinh đưa chúng tôi trở về một mùa ký ức trong những năm tháng chiến đấu chống thực dân Pháp trường kỳ gian khổ. Trong mỗi cuộc trò chuyện, người cựu chiến binh Điện Biên luôn nhắc về những người đồng đội cũ, những người anh em "súng bên súng, đầu sát bên đầu".
“Chiến thắng Điện Biên Phủ là kết quả của 9 năm kháng chiến trường kỳ. Để có thắng lợi vẻ vang này là sức mạnh của cả dân tộc tập trung cho chiến dịch, ngày chiến thắng, có cả mừng vui, nước mắt và xúc động” - đại tá Hoàng Đăng Vinh nhớ lại.
Đại tá Hoàng Đăng Vinh kể, buổi chiều ngày này, 60 năm về trước (7/5/1954) mũi tiến công của chúng tôi đã vượt qua cổng sắt, tiếp tục khép chặt vòng vây, 4 chiếc xe tăng tiến vào áp sát hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát.
Lúc này đồng chí đại đội trưởng Tạ Quốc Luật phân công đồng chí Lam và đồng chí Hiếu chặn một phía đầu cửa hầm, nếu có ai tháo chạy thì bắn ngay không cho lọt ra ngoài. Còn tôi và đồng chí Vinh vào cửa hầm bên cạnh.
Khi chúng tôi tiến vào, khoảng hơn 20 sĩ quan Pháp lố nhố, co rúm nhau lại, có thằng chui cả vào gầm bàn. Ngay lúc đó, đồng chí đại đội trưởng đã ra lệnh bằng tiếng Pháp bắt chúng phải đầu hàng. Toàn bộ hơn 20 sĩ quan pháp đồng loạt đứng dậy giơ tay xin hàng. Riêng tướng Đờ cát vẫn ngồi im.
Trước tình thế cấp bách, đại đội trưởng lệnh cho tôi bắt tướng Đờ Cát phải đầu hàng. Tôi nhận lệnh lao vào trước mặt tướng Đờ Cát. Vừa thấy tôi vào tới nơi, ông ta đã vội vàng đứng dậy giơ tay ra bắt như đang gặp một người đã quen biết.
Lúc đấy tôi nghĩ, sao lại bắt tay, bắt tay là thế nào, tôi đã dùng khẩu tiểu liên thọc mạnh 1 nhát vào bụng ông ta. Đồng thời quát khẩu hiệu bằng tiếng pháp “khua lơ banh” (giơ tay lên – PV), tướng Đờ Cát lùi lại mấy bước, giơ tay nói một tràng tiếng Pháp, lúc đó tôi hiểu ông ta chính thức xin được hàng.
Nói về cái bắt tay của địch, đại tá Vinh cho biết, “Ngay thời điểm "ngàn cân treo sợi tóc ấy" đấy, tôi có suy nghĩ không thể bắt tay được, sao lại bắt tay, bắt tay là thế nào? Địch chỉ có đầu hàng thôi, chứ sao lại bắt tay, vì thế tôi đã ngay lập tức trả lời cái chuyện ông ta giơ tay bằng cách thọc họng súng vào bụng ông ta. Đấy là phản ứng của người chiến sĩ trong những tình huống cấp bách”.
Những kỷ niệm “ghi xương khắc cốt”
Đại tá Hoàng Đăng Vinh sinh năm 1935, quê gốc ở xã Tiến Tân, (Phù Cừ, Hưng Yên) trong một gia đình có 7 anh chị em. Lớn lên trong cảnh đất nước có tiếng bom, tiếng súng, từng bị giắc Pháp bắt một thời gian dài vì tình nghi là Việt Minh. Sau khi được giác ngộ cách mạng, với lòng căm thù giặc sâu sắc, cũng như nhiều thanh niên trong hoàn cảnh đất nước lầm than khác, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc, chàng trai trẻ Nguyễn Đăng Vinh nhập sư đoàn 312 tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.
Tham gia nhiều trận đánh ác liệt, vươt qua các trận càn quét dữ dội của địch, rất nhiều đồng đội hi sinh, anh em nằm xuống vì bom đạn chiến tranh. Tuy nhiên, những người lính như đại tá Vinh cùng nhiều đồng đội khác vẫn luôn giữ vững tinh thần và phẩm chất của anh Bộ đội Cụ Hồ.
“Người lính biết rất rõ rằng, trong chiến tranh, họ có thể hi sinh bất cứ lúc nào nhưng vẫn sẵn sàng tiến lên. Đó chính là ý chí quyết chiến, quyết thắng của các đồng đội, các chiến sĩ”, Đại tá Hoàng Đăng Vinh chia sẻ.
Đại tá Hoàng Đăng Vinh nhớ lại, trước khi tiến vào lòng chảo Mường Thanh, Điện Biên, có rất nhiều đồng chí, đồng đội đã hi sinh, có đồng chí bị thương rất nặng. Trong đó, ông nhớ có một đồng chí bị cụt cả 2 tay, 2 chân những vẫn cố hết sức dùng cùi trỏ tay lết từng tí một tiến lên. Máu thẫm qua vạt áo, không bò được, nhưng đồng chí vẫn cố hết sức lết đi, tôi dừng lại băng bó và cầm máu giúp đồng chí, nhưng đồng chí ngay lập tức đã đẩy tôi ra quát lớn: "Hãy mặc kệ tôi, các đồng chí cứ tiến lên…”.
“Người chiến sĩ bị thương, đau đớn như thế, vẫn nung nấu ý chí tiến lên, vẫn động viên đồng đội của mình mình phải giữ vứng khí thế tiến công. Chính tinh thần của đồng chí ấy luôn luôn in sâu, ghi xương khắc cốt trong mỗi người lĩnh chúng tôi, khiến chúng tôi không bao giờ biết sợ, không bao giờ chùn bước trước bom đạn khốc liệt của kẻ thù”, Đại tá Hoàng Đăng Vinh rưng rưng nhớ lại.
Nay đã ở cái tuổi gần đất xa trời, đại tá Vinh vẫn còn nhiều lắm những trăn trở. “Tôi chẳng còn sống được bao nhiêu năm nữa, cái chuyện sang thế giới bên kia chả biết thế nào. Không đòi hỏi gì cho mình mà đòi hỏi sự công bằng cho nhân dân, sự bình đẳng cho mọi người. Lần về thăm chiến trường Điện Biên, đại tá Vinh lại rưng rưng đọc bài thơ được viết lên bằng tâm tình, bằng nước mắt gửi đồng báo chiến sĩ Điện Biên:
“60 năm đã đi qua
Mà sao tôi nghĩ như là mới đây
Nhớ đồng đội những đêm ngày
Trong từng trận đánh hăng say diệt thù
Nhớ lời Bác dạy trong thư
Quyết chiến, quyết thắng quân thù phải tan
Nhớ hôm quân địch đầu hàng
Ngọn cờ chiến thắng huy hoàng tung bay
60 năm bấy nhiều ngày
Điện Biên Phủ đã đổi thay rất nhiều
Cho tôi gửi lại tình yêu
Điện Biên Phủ chắc còn nhiều chiến công”.