Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hối lộ tình dục: Bắt quả tang và xử thế nào?

(DS&PL) -

(ĐSPL)- "Hối lộ bằng vật chất thì có thể quay phim, chụp ảnh để chứng thực về việc đưa và nhận hối lộ. Nhưng làm thế nào để bắt quả tang được hối lộ tình dục?"

(ĐSPL)- "Hối lộ bằng vật chất thì có thể quay phim, chụp ảnh để chứng thực về việc đưa và nhận hối lộ. Nhưng làm thế nào để bắt quả tang được hối lộ tình dục?", nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng đặt vấn đề.

"Khó như "lên giời" cũng cần phải làm!"

Mới đây, trao đổi với phóng viên báo chí, ông Nguyễn Doãn Khánh – Phó trưởng ban Nội chính Trung ương đã đưa ra đề xuất về việc đưa Hối lộ tình dục vào Bộ luật Hình sự sửa đổi của Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Doãn Khánh, trên quốc tế, quy định này đã có trong luật của họ từ lâu, còn ở Việt Nam thì chưa từng có quy định, cũng chưa từng có ai đưa ra đề xuất về việc này.

“Trong cuộc Hội thảo “Hoàn thiện các quy định về tội hối lộ trong Bộ luật hình sự năm 1999” mới đây, nhiều chuyên gia quốc tế cũng tư vấn cho chúng ta việc nên mở rộng thêm quan niệm về tài sản hối lộ, không chỉ là tài sản vật chất mà bao gồm cả lợi ích về tinh thần.

Bởi xét về bản chất, kể cả hứa hẹn đưa cá nhân vào các hội, các tổ chức danh tiếng, hay cả việc liên quan đến việc thi đua khen thưởng, phong tặng danh hiệu… cũng được coi thuộc lợi ích phi vật chất, trở thành đối tượng của hối lộ” – Phó trưởng ban Nội chính Trung ương cho biết.

Trước đề xuất trên của ông Nguyễn Doãn Khánh, trao đổi với phóng viên báo Đời sống và Pháp luật, ông Nguyễn Đình Hương – nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương đánh giá rằng, đây là một vấn đề thực tế có tồn tại trong xã hội nên cần thiết phải đưa vào luật.

Ông Nguyễn Đình Hương – nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương.

“Đưa hối lộ tình dục vào Bộ luật Hình sự bổ sung chắc chắn sẽ khó và có nhiều vấn đề cần cân nhắc, tuy nhiên, có khó cũng vẫn nên làm, bởi trên thực tế đã tồn tại việc hối lộ tình dục, mà nếu không đưa vào luật thi sẽ rất khó xử lý” – Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương khẳng khẳng định.

Cũng theo ông Nguyễn Đình Hương, vấn đề hối lộ trong xã hội hiện nay đã không còn là vấn đề cá biệt mà nó có tồn tại rất nhiều.

“Việc xử lý bất cứ vấn đề gì cũng khó, xử lý hối lộ cũng như vậy. Và xử lý hối lộ bằng vật chất đã khó rồi, xử lý hối lộ bằng tình dục chắc chắn còn khó hơn rất nhiều lần. Nhưng vì đó là vấn đề nói lên thực trạng xã hội, nên dù có khó cũng vẫn phải làm” – ông Hương nhấn mạnh.

Để giải được cái “khó” ấy, theo nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương, phải làm sao để có thể xử lý từ gốc rễ của vấn đề.

“Hối lộ tình dục cũng như nhiều vấn đề khác đều có mối liên hệ khăng khít với nhau, nó cũng liên quan trực tiếp đến các vấn đề như nhóm lợi ích tiêu cực, vì vậy phải xử lý toàn bộ từ gốc rễ của vấn đề. Mà việc quan trọng nhất chính là khâu tuyển chọn cán bộ, các cán bộ phải gương mẫu, trong sáng, và chuẩn mực. Còn nếu vẫn tồn tại việc thoái hóa đạo đức trong một bộ phận cán bộ như hiện nay thì ngăn chặn cũng rất khó”, ông Hương phân tích.

Nguyên Phó trưởng ban Tổ chức trung ương cũng nói thêm rằng, hồi trên cương vị công tác, khi mà mọi quy định đều rất nghiêm ngặt, nhất là trong vấn đề "quan hệ nam nữ" mà giờ dùng từ "văn hoa" hơn là "hối lộ tình dục", cũng đã tồn tại việc này.

“Đối với chúng tôi, có 3 tội khó phát hiện và xử lý, đó là phản bội tổ quốc, tội hối lộ và tội quan hệ nam nữ. Những tội đó, nếu không bắt được quả tang và có chứng cứ rõ ràng, thì chẳng có ai tự nhận tội cả. Tôi đưa ra so sánh như vậy để thấy rằng, việc đưa hối lộ tình dục vào luật chắc chắn sẽ rất khó, nhưng chúng ta vẫn nên cân nhắc để thực hiện, và đề xuất của ông Nguyễn Doãn Khánh chính là muốn nhắc đến hiện tượng báo động trong vấn đề suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ, Đảng viên” – ông Hương cho biết.

Đưa hối lộ tình dục vào luật: Cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng

Trong khi đó, TS Đinh Xuân Thảo – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội lại cho rằng, việc đưa hối lộ tình dục vào luật cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng.

Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội.

“Giờ phải cân nhắc và xem xét lại một cách kỹ lưỡng. Vì một khi đã nói đến tội phạm tham nhũng thì phải có chủ thể và khách thể, còn vấn đề hối lộ tình dục thì lại không thể dễ dàng mà làm rõ được, vì nó chưa thành thông lệ ở Việt Nam, ngay cả như ở Trung Quốc, những bê bối về tình dục vẫn không thể xử lý hình sự” – ông Đinh Xuân Thảo nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm của ông Đinh Xuân Thảo, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng cũng cho rằng, hối lộ tình dục là một vấn đề nhạy cảm, vì vậy khi muốn đưa vào luật và xác định nó thành tội danh thì cần phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. 

“Mọi sự hối lộ đều là những hành vi xấu xa, trong đó, hối lộ tình dục cũng là một hành vi rất xấu xa cần phải lên án, nhất là những kẻ đòi hối lộ lại là những kẻ cần phải lên án trước tiên, bởi trong chuyện này có những người phụ nữ muốn có quyền lợi nên bán thân, còn có những người phụ nữ vì hoàn cảnh bức bách mà bất đắc dĩ phải làm thế” – ông Vũ Quốc Hùng nhận định.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng nói thêm rằng, thời trước, người ta chỉ nhắc đến việc hủ hóa, quan hệ bất chính giữa nam và nữ, chứ chưa bao giờ quan niệm thành “tội” hối lộ tình dục.

“Hối lộ bằng vật chất thì có thể quay phim, chụp ảnh, có văn bản chứng thực về việc đưa và nhận hối lộ, còn hối lộ tình dục là vấn đề mới nên phải cân nhắc trước khi đưa vào, theo tôi thì chưa nên đưa vì chưa xác định dược tính khả quan. Bởi làm thế nào để bắt quả tang được hối lộ tình dục? Đó là một vấn đề không hề đơn giản” – ông Hùng nhấn mạnh.

Tin nổi bật