Một trong những ý kiến đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận chính là đề xuất miễn trách nhiệm hình sự với người đưa hối lộ. Từ đó “đánh” mạnh vào những kẻ tham nhũng. Liệu đây có phải là giải pháp tạo nên sự đột phá trong “cuộc chiến” dai dẳng? PV báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với nhiều chuyên gia nhằm đưa ra cái nhìn đa chiều về vấn đề này.
Ông Nguyễn Hoài Bão, nguyên Phó trưởng ban Dân vận Trung ương:
“Truy” hay “miễn” cần tùy cơ ứng biến
Một thực tế mà ai cũng biết rất nhức nhối là không hối lộ, không “bôi trơn” thì không được việc. Không nâng lên đặt xuống gói quà thì việc không xuôi, có việc gì nhờ vả, nhờ cậy người ta nghĩ ngay đến việc đưa hối lộ. Trong nhiều vụ việc cả người hối lộ và nhận hối lộ đều có chung một mục đích là làm trái, “bẻ cong” để hai bên cùng được lợi. Để được việc người ta không ngần ngại tìm mọi cách đưa hối lộ và che giấu hành vi của mình vì sợ bị truy cứu trước pháp luật. Chính tâm lý e ngại đó dẫn đến việc hầu như không ai đứng ra tố cáo, nên thực tế phát hiện tham nhũng còn ít hơn nhiều lần so với hiện thực đang diễn ra.
Trước tình trạng tham nhũng hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, không nên truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đưa hối lộ. Đề xuất này thực tế không mới, nhiều nước đã áp dụng và cần thiết để người dân có trách nhiệm tố cáo tham nhũng. Tôi cho rằng ít hay nhiều biện pháp này cũng mang lại hiệu quả nhất định. Sự thật người dân không ai muốn đưa hối lộ bởi vì kiếm được đồng tiền rất khó khăn, cực chẳng đã người ta mới phải đưa. Thậm chí, nếu không đưa hối lộ thì hậu quả thê thảm, nên họ buộc phải thực hiện hành vi phạm tội của mình.
Xét về mặt pháp luật, cả hành vi nhận và đưa hối lộ đều đáng lên án. Nhưng trước hiện trạng số vụ việc tham nhũng khó phát hiện như hiện nay, nên chăng cần nhiều biện pháp khuyến khích người đưa hối lộ tố cáo người nhận hối lộ. Nếu được miễn trách nhiệm hình sự, họ có thể dũng cảm đứng ra tố cáo hành vi tham nhũng, nhận hối lộ của cán bộ. Tất nhiên, việc miễn hay không phải căn cứ vào những vụ việc cụ thể. Truy hay miễn, cần tùy cơ mà ứng biến. Với những kẻ chủ mưu, muốn dùng tiền hối lộ vượt lên để hơn người khác thì buộc phải xử lý. Còn những người có năng lực, bị dồn vào thế bí, buộc phải dùng đến tiền để công bằng thì có thể khoan nhượng. Nếu người đưa hối lộ không chủ đích từ trước nhưng vì vấn đề này, vấn đề khác khiến họ buộc phải thực hiện hành vi đó thì có thể xem là tình tiết giảm nhẹ...
Câu chuyện tham nhũng chúng ta nói nhiều rồi, quyết liệt rồi. Ai cũng thấy là nguy hiểm, là nghiêm trọng, là cần phải ngăn chặn... thế nhưng câu hỏi đặt ra giờ phải làm thế nào? Tôi nghĩ trước tiên cấp trên phải làm mạnh đã. Cơ quan nào được giao trọng trách thì phải làm thật mạnh. Điều mà người dân cần là người đứng đầu các cơ quan chống tham nhũng phải có bản lĩnh, dám đương đầu và “chiến đấu” với tham nhũng không khoan nhượng. Nếu vẫn còn né tránh, ngại va chạm thì chẳng những không giải quyết được tận gốc tham nhũng mà thêm gánh nặng cho ngân sách.
Ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng vụ I, ủy ban Kiểm tra Trung ương:
Nếu còn truy cứu trách nhiệm hình sự người đưa hối lộ thì công cuộc chống tham nhũng càng khó khăn hơn bội phần
Ông Ngô Văn Sửu. |
Theo quan điểm của tôi, đề xuất miễn trách nhiệm hình sự đối với người đưa hối lộ khi họ đứng ra tố cáo người nhận hối lộ là thực sự cần thiết, góp phần đẩy lùi nạn tham nhũng. Nếu còn truy cứu trách nhiệm hình sự những người này thì công cuộc chống tham nhũng càng khó khăn hơn bội phần.
Tội phạm tham nhũng bây giờ quá tinh vi, nhiều mánh khóe, thủ đoạn và ngày càng lớn mạnh, trong khi lực lượng chống tham nhũng còn né tránh, sợ đụng chạm. Có nhiều nguyên nhân khiến “cuộc chiến” chống tham nhũng hiện nay càng khó khăn và phức tạp. Một điều đáng buồn, người dân bình thường cũng nhận thấy việc chống tham nhũng vẫn rất hình thức. Người đứng ra tố cáo tham nhũng bị vùi dập, bị trả thù, trong khi việc đảm bảo tính mạng, tài sản cho họ chưa có. Thử hỏi, ai dám đứng ra tố cáo? Hơn nữa, đứng ra tố cáo nhiều khi còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự nên chẳng dại mà “chui đầu vào rọ”. Tôi vẫn còn nhớ câu chuyện khi tôi còn đang công tác, một nữ kế toán tại một công ty đã mạnh dạn tố cáo những sai phạm của giám đốc. Kết quả cô này bị giám đốc trù dập “không ngẩng đầu lên được” suốt hàng chục năm trời. Bản thân cô cũng không thể tìm được việc làm khác. Đau đớn mà không biết kêu ai.
Gần đây, có nhiều vụ việc chúng ta nhìn thấy, người tố cáo bị vùi dập đến khốn khổ. Câu chuyện của chị Nguyệt ở bệnh viện Hoài Đức (Hà Nội) là một minh chứng. Sau khi tố cáo những sai phạm động trời tại đây, chị này cũng được khen thưởng, nhưng rồi sau đó công việc bị ảnh hưởng, thậm chí còn bị đe dọa đến tính mạng. Rồi chuyện của thầy Đỗ Việt Khoa, sau khi tố cáo đã rơi vào tình cảnh gần như mất việc, bị trù dập đến khốn khổ. Rồi ông tố cáo rừng Tánh Linh cũng thế, gia đình con cái bị ảnh hưởng... Ai bảo vệ cho những người đó, điều đó mới là quan trọng? Làm thế nào để có thêm những người khác dũng cảm đứng ra tố cáo tham nhũng?
Trên thực tế, sẽ rất khó tìm ra những người bản lĩnh, dám đương đầu và chống tham nhũng đến cùng. Hiện tại, việc xử lý án tham nhũng kinh tế rất chậm, phạt tiền nộp vào ngân sách của các đối tượng này cũng rất khó, vì đằng nào cũng bị tù. Tôi đề nghị những tội phạm tham nhũng sau khi bị lĩnh án thì toàn bộ tài sản liên quan phải tịch thu nộp vào ngân quỹ Nhà nước mới mong giảm hối lộ, tham nhũng.
Nhiều quốc gia không xử lý người đưa hối lộ
Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đang áp dụng biện pháp không xử lý người đưa hối lộ, như Hàn Quốc, Singapore. Hiệu quả mang lại rất lớn, tại các nước này có tới 90\% vụ án tham nhũng là thông qua tố cáo của người dân. Người tố cáo tham nhũng được bảo vệ nghiêm, bảo đảm về tính mạng và tài sản và được cơ quan chức năng xem họ là thông tin bí mật quốc gia. Bên cạnh đó, người tố cáo tham nhũng còn được thưởng tới 20\% giá trị tài sản thu hồi từ vụ tham nhũng...
Sẽ quy định cụ thể điều kiện miễn giảm hình phạt với người chủ động khai báo Tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội (sáng 20/10), Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết: Tình hình tham nhũng trong khu vực công vẫn còn nghiêm trọng, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công. Tham nhũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, quyền hạn, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích. Theo Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh, các cơ quan chức năng cũng sẽ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định của BLHS liên quan đến tham nhũng theo hướng bổ sung một số tội danh về tham nhũng. Quy định cụ thể điều kiện miễn hoặc giảm hình phạt đối với người có hành vi tham nhũng nhưng chủ động khai báo, khắc phục hậu quả trước khi bị phát giác... Tạo đột phá trong cuộc chiến chống tham nhũng Đề xuất miễn trách nhiệm hình sự với người đưa hối lộ được Phó Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề xuất khi nêu quan điểm về công tác phòng chống tham nhũng trước Quốc hội ngày 21/10. Đây cũng không phải lần đầu tiên đại biểu Nga đưa ra đề xuất nói trên. Theo vị này, tham nhũng đã trở thành “quốc nạn”, thế nên phải có những giải pháp tương ứng để xử lý “quốc nạn” ấy. Nhưng hiện nay ta đang chặn cả hai đầu, vừa xử lý người nhận hối lộ đồng thời xử lý người đưa hối lộ. Điều khoản về miễn trách nhiệm nếu chủ động phát giác đã được quy định trong luật nhưng vẫn còn rất nhỏ và hẹp. Thực tế trên dẫn đến tình trạng người đưa hối lộ nếu tố cáo sẽ đồng thời tố cáo chính mình nên việc phát hiện tham nhũng không cao. “Từ thực tế đó, đề nghị phải có sự đột phá như miễn trách nhiệm hình sự đối với người đưa hối lộ thì mới xử lý được người nhận hối lộ”, ĐB Nga nhấn mạnh. |