Ngày 2/8, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND thành phố Hội An, Quảng Nam - cho biết, tại lễ khánh thành dự án trùng tu di tích Chùa Cầu vào chiều 3/8, thành phố Hội An sẽ khen thưởng đơn vị thi công, quản lý dự án.
Theo đó, UBND thành phố Hội An sẽ khen thưởng liên doanh đơn vị trùng tu là Công ty TNHH xây dựng Kim An và Lục Phú Gia, vì làm "rất cật lực", báo Dân Trí đưa tin.
Dự án trùng tu di tích Chùa Cầu sẽ được khánh thành vào chiều 3/8. Ảnh: Giao Thông
Ngoài ra, UBND thành phố Hội An cũng sẽ có thư khen gửi quỹ Sumitomo Nhật Bản và Tổng cục Văn hóa Nhật Bản. 2 đối tác nước ngoài đã có đóng góp quan trọng trong quá trình hỗ trợ, giám sát, trùng tu di tích Chùa Cầu.
Trung tâm quản lý bảo tồn di sản Văn hóa Hội An cũng được khen thưởng để động viên vì là đơn vị giám sát, quản lý trong quá trình tổ chức để trùng tu di tích Chùa Cầu.
Chủ tịch UBND thành phố Hội An cũng cho hay, dự án có tổng vốn đầu tư hơn 20 tỷ đồng nhưng thực chất gói thầu thi công giá trúng thầu chỉ có 13 tỷ đồng, riêng phần nhà bao che đã hơn 4 tỷ đồng; còn lại là chi phí quản lý dự án, các hoạt động hội thảo, hội nghị…
Trước đó, như đã đưa tin, sau trùng tu, đơn vị thi công tháo dỡ toàn bộ phần khung che chắn lộ ra hình ảnh Chùa Cầu mới lạ. Diện mạo mới của Chùa Cầu sau trùng tu nhận nhiều ý kiến khen – chê từ dư luận.
Nhiều người cho rằng việc trùng tu đã làm mất đi vẻ cổ kính, “trẻ hoá” Chùa Cầu – di tích có tuổi đời gần 500 năm tuổi, đã trở thành biểu tượng của Hội An.
Ngược lại, ý kiến chuyên gia cho rằng việc trùng tu Chùa Cầu đã đảm bảo nguyên tắc bảo tồn và tính chân xác của di tích.
"Hãy vui mừng cho Hội An, cho miền Trung, cho Việt Nam vì đã có thêm một công trình di sản kiến trúc văn hóa lịch sử được trùng tu thật sự có chất lượng, sẽ bền vững tồn tại trong tương lai", Người Lao Động dẫn lời ông Tôn Thất Liêm - một chuyên gia kiến trúc đô thị với 40 năm hành nghề, từng tu nghiệp tại Thụy Điển và Nhật Bản, hai quốc gia tiên tiến có kinh nghiệm về trùng tu di sản kiến trúc nhận xét.