Gần đây, viện Sức khỏe Tâm thần, bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận một số bạn trẻ có vấn đề về sức khỏe tâm thân vì áp lực học tập, nhất là vào thời điểm mùa thi với nhiều kỳ thi quan trọng sắp diễn ra.
TS.BS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng điều trị Rối loạn liên quan Stress, Viện sức khỏe tâm thần (BV Bạch Mai) cho biết trên VOV, trước đây, bố mẹ không để ý và phát hiện ra những dấu hiệu tâm lý cần giúp đỡ của con trẻ. Nhưng qua truyền thông, ngày càng nhiều bậc phụ huynh hiểu rõ hơn và chủ động đưa con đi khám.
Tình trạng này gặp nhiều nhất ở lứa tuổi 14 và 17, là thời điểm các cháu học sinh thi chuyển cấp lên trung học phổ thông và đại học. Đặc biệt các bệnh nhân đến khám và điều trị trầm cảm, stress đến từ các lớp chuyên, lớp chọn nhiều hơn các lớp thông thường.
Cảnh báo tình trạng học sinh nhập viện vì áp lực mùa thi. (Ảnh: TTXVN)
Trẻ bị stress thường hay bồn chồn, bốc đồng, giảm tập trung, dễ cáu gắt; thường biểu hiện khó tin tưởng người khác; khó kết nối với bạn bè; khó khăn trong kiểm soát hành vi như ăn vô độ, chán ăn, tự làm đau bản thân…
Với trẻ được xác định có bệnh lý như rối loạn âu lo, sẽ được chỉ định dùng thuốc, điều trị tâm lý trị liệu, và các phương tiện hỗ trợ khác cải thiện các triệu chứng, bệnh lý của trẻ.
Các bác sĩ cho biết thêm trên Người lao động, những trường hợp này, bệnh nhân sẽ được tâm lý trị liệu, dùng thuốc và điều trị bằng các thiết bị hỗ trợ để giúp cải thiện các triệu chứng và bệnh lý tuỳ theo từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, có một liều thuốc chung có thể áp dụng chung mọi trường hợp là "bồi dưỡng nhân cách" và "tạo môi trường phù hợp" giúp trẻ vượt qua stress.
Phụ huynh cần khích lệ, hỗ trợ để nâng cao tinh thần cho trẻ. Gia đình cùng với nhà trường cần quan tâm, xây dựng môi trường chống stress cho học sinh.
Nhiều người dùng thuốc để bổ sung sức khỏe, tinh thần giúp trẻ có nhiều thời gian học tập hơn. Nhưng hậu quả sẽ xuất hiện khi trẻ không được nghỉ ngơi đầy đủ.
Có 2 loại giúp bổ sung sức khỏe, thứ nhất là thực dưỡng giúp bổ sung dưỡng chất cho cơ thể trẻ khỏe mạnh. Nhưng thứ hai, là thuốc kích thích để cơ thể giải phóng năng lượng sẵn có. Thuốc này có tác dụng tức thì và sau đó trẻ em mệt mỏi. Đây là sai lầm của nhiều bậc phụ huynh.
Các chuyên gia khuyến cáo, stress là phép thử để con người trưởng thành hơn khi vượt qua. Vấn đề là nhận thức về stress như thế nào để chọn phương pháp đối diện và vượt qua hay coi stress là điều xấu phải né tránh hoặc mong chờ người khác giải quyết hộ.
Nếu không học được những kỹ năng cần thiết để đối mặt với căng thẳng, áp lực thì theo thời gian những điều này sẽ khiến tâm lý trở nên căng thẳng và bất lực, dẫn đến nguy cơ trầm cảm.
Việt Hương (T/h)