Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền dòng chia sẻ không xác định danh tính về lịch học của học sinh lớp 1.
Nội dung chia sẻ ghi: "Lịch bạn nhà mình học lớp 1: Sáng và chiều đi học trên trường, 4h30 đón về; 5h học luyện chữ đến 7h về; 7h đi học thêm đến 9h30 về; 22h làm bài tập về nhà trên lớp; làm bài tập thêm ở sách nâng cao ngoài đến 0h đi ngủ.
Nếu đợt nào có kiểm tra, luyện đề cô cho đến 1-2h sáng mới đi ngủ.
Sau 1 năm học: Giải nhất Trạng Nguyên cấp tỉnh; giải nhất Olympic cấp quốc gia; tổng được 4 giải 4 huy chương vàng cấp tỉnh và quốc gia môn tiếng Việt và toán.
Vậy mà chưa là gì so với các bạn trong lớp và trường".
Hình ảnh về lịch học của học sinh lớp 1 được lan truyền trên mạng xã hội. Ảnh: Dân trí
Báo Dân trí dẫn lời cô N.T.H., giáo viên tiểu học tại Hà Nội, nhận định, nội dung chia sẻ này không có độ tin cậy. Lý do cô H. đưa ra là rất hiếm lớp học thêm nào thiết kế thời gian 2 tiếng đồng hồ cho trẻ lớp 1.
Đồng thời, việc cha mẹ để cho trẻ luyện đề đến 1-2h sáng là điều hi hữu và hiếm gặp.
Tuy nhiên, cô H. thừa nhận, tình trạng trẻ tiểu học ở Hà Nội ra khỏi nhà lúc 7h30 sáng và về nhà lúc 7h30 tối khá phổ biến.
Chia sẻ trên VTC News, chị Nguyễn Thị Thu Hoài (37 tuổi, Thường Tín, Hà Nội) cho hay, với mong muốn con trai làm quen dần với chữ cái và con số, chị quyết định cho đi học con học thêm ngay từ đầu tháng 8.
Theo quan điểm của chị, con trai phải học kín ngày, kín tuần, mới củng cố được kiến thức. Nếu không học thêm, sẽ không theo được các bạn.
"Nhiều hôm tới trường đón con về đi học thêm, con ngây thơ hỏi “lại phải đi học hả mẹ?”. Tôi nghe mà chỉ biết cười trừ. Buổi tối, thấy con bước ra từ lớp học thêm với vẻ mặt phờ phạc, mệt mỏi, tôi không khỏi xót xa nhưng không còn cách nào khác ngoài việc động viên con cố gắng", nữ phụ huynh nói.
Một phụ huynh khác là chị Hoàng Thị Thanh Hương (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, con chị chỉ học thêm môn duy nhất là tiếng Anh nhưng ngày nào cũng 10h đêm mới đi ngủ.
Trẻ tiểu học ra khỏi nhà lúc 7h30 sáng và về nhà lúc 7h30 tối khá phổ biến. Ảnh: VTC News
"1 tuần con tôi có 2 buổi về nhà lúc 7h tối vì học thêm tiếng Anh ở trung tâm, những ngày còn lại về nhà vào 5h chiều. Buổi tối, để làm hết bài tập cô giao, cháu thường mất 1-2 tiếng. Cháu viết chậm và viết sai nhiều, làm tính hay nhầm lẫn.
Vào lớp 1 được gần 1 tháng, hầu như ngày nào cháu cũng học đến 9h30 mới xong bài. Tổng thời gian học ở trường lẫn ở nhà có khi lên đến 8-9 tiếng, như thợ cày.
Mỗi lần nhận tin nhắn của cô giáo nhận xét con viết ẩu, đọc kém là tôi lại áp lực, lại gò con luyện chữ, luyện đọc.
Nhiều gia đình không có khả năng rèn con, phải đưa con đi học thêm, chứ không phải họ mong con thành ông nọ bà kia", báo Dân trí dẫn lời chị Hương nói.
Chứng kiến những đứa trẻ vừa chân ướt chân ráo vào lớp 1 đã sớm phải bước vào cuộc đua khắc nghiệt mà chính chúng cũng không hiểu lý do, TS Hồ Lâm Giang, chuyên gia tâm lý giáo dục, trưởng ban cố vấn giáo dục Happy Teen xót xa chia sẻ trên VTC News: “Lịch học của đứa trẻ 6 tuổi, đau lòng thay lại nhiều hơn của người trưởng thành đi làm, hay ngay cả một học sinh đang đến tháng cao điểm ôn thi vào lớp 10, ôn thi đại học”.
Theo vị chuyên gia, học tập là hành trình dài, đòi hỏi sự tự thân nỗ lực, sự yêu thích, đam mê. Bên cạnh học kiến thức, trẻ cần được học về cách ứng xử, cách giao tiếp, yêu thương để khám phá và cảm nhận cuộc sống. Tuy nhiên với lịch học dày đặc được phụ huynh sắp xếp như hiện nay, trẻ khó có thời gian nghỉ ngơi trọn vẹn, chưa nói đến việc kết nối với thiên nhiên hay có hoạt động giải trí, thể lực thường xuyên.
Với cuộc chạy đua như vậy, các gia đình sẽ có thêm thành tích nhưng cũng sẽ mất nhiều hơn thế, khi tạo ra những đứa trẻ sợ học, sợ tới trường, luôn trong trạng thái mệt mỏi và kiệt quệ.
"Không nên cho trẻ tiểu học đi học thêm, nhất là lớp 1", đó là lời khuyên của thầy Đào Chí Mạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B (Vĩnh Phúc).
Trong bối cảnh rất nhiều học sinh tham gia lớp tiền tiểu học, biết đọc, viết, tính toán trước khi vào lớp 1, sự khác nhau về kỹ năng, nhận thức giữa các học sinh trong cùng 1 lớp là điều đương nhiên. Giáo viên sẽ dạy theo chương trình chuẩn chứ không dạy theo những gì học sinh đã biết. Do đó, cha mẹ không nên lo lắng.
Học sinh lớp 1 trong ngày tựu trường tại TP.HCM. Ảnh: Dân trí
"Tôi khẳng định, các con chỉ cần học 2 buổi/ngày ở lớp và không đi học thêm ở đâu, đến cuối năm, các con sẽ biết đọc, biết viết, biết làm toán, ngoại trừ các bạn có vấn đề về sức khỏe", báo Dân trí dẫn lời Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, thầy Đào Chí Mạnh cũng lưu ý, giáo viên nên là người giúp phụ huynh giải tỏa lo lắng thay vì làm họ lo lắng hơn. Trong đó, giáo viên cần thay đổi thói quen cũ để dạy theo hướng phân hóa học sinh, căn cứ trên xuất phát điểm của mỗi em là khác nhau.
Khi dạy học phân hóa, học sinh có xuất phát điểm thấp hơn sẽ nhận được sự hỗ trợ riêng từ giáo viên để đạt các mục tiêu học tập. Do đó, trẻ không cần đi học thêm.