(ĐSPL) - Chích máu đầu ngón tay, bôi nước mắm, rắc vôi, bôi dầu cá vào vết thương... là những cách sơ cứu lạ đời đang được truyền tai để cứu người bệnh trong tình huống “ngàn cân treo sợi tóc”. Thế nhưng, cách làm phản khoa học này có thể khiến bệnh tình nguy hiểm hơn, bởi tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.
Người dân chích máu đầu ngón tay, ngón chân cho vị khách nước ngoài đột ngột ngất. Ảnh: GĐ& XH |
Chích máu ngón tay, chọc dái tai cứu người đột quỵ?
Mấy ngày gần đây, hình ảnh những người dân Thủ đô túm năm tụm ba sơ cứu cho một vị khách Tây đột ngột ngất xỉu giữa phố khiến không ít người trầm trồ thán phục khả năng “lương y” của họ.
Theo đó, người dân lấy kim khâu chích vào đầu ngón tay, ngón chân của vị khách này rồi nặn máu ra. Ít phút sau, vị khách tỉnh lại và xin phép không đi bệnh viện.
Câu chuyện được lan truyền một cách chóng mặt và nhanh chóng đến tai những người già có nguy cơ bị đột quỵ, tai biến mạch máu não.
Tại khoa Khám bệnh, bệnh viện Xanh Pôn, bác Nguyễn Thị Cầm (67 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đọc vanh vách những câu thơ được nhiều người già trong khu truyền tai nhau. Nội dung bài thơ xoay quanh việc dạy cách sơ cứu người bị tai biến mạch máu não, đột quỵ bằng cách “chích máu” đầu ngón tay, ngón chân.
“Mạch máu não, đứt đi là nguy hiểm/Không chết liền, cũng tàn tật suốt đời/ Vậy bà con, hãy cố gắng kịp thời/ Đâu ngồi đó, đừng chuyển thân động đậy/ Đầu ngón tay, châm máu ra mười ngón/ Bóp nặn ra, năm mười phút tỉnh liền/ Nếu miệng còn méo mó, mắt xéo xiên/ Liền tiếp vuốt, hai vành tai ửng đỏ/ Rồi kim chích, nặn máu ra dưới chót/ Mười phút sau, miệng mắt trở bình thường...”.
Tuy nhiên khi tôi hỏi: “Bác có chắc nó cứu được người bệnh?”, bác Cầm khẳng định như đinh đóng cột: “Cô không đọc trên mạng à? Mấy trường hợp được cứu sống nhờ làm theo cách đó rồi đấy!”.
Không những tin rằng, chích máu đầu ngón tay, ngón chân cứu được bệnh nhân đột quỵ, nhiều người còn quả quyết, để phòng ngừa vĩnh viễn tổn thương do đột quỵ thì nên chọc dái tai!
Trên thực tế, những câu chuyện về cách sơ cứu truyền miệng đã không còn cá biệt hiện nay. Không riêng bệnh có nguy cơ tử vong chỉ tính bằng tích tắc mà với những tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhiều người cũng áp dụng các cách sơ cứu vô cùng... lạ đời.
Trong quá trình tác nghiệp, PV đã từng được các bác sỹ tại viện Bỏng Quốc gia kể về những cách sơ cứu quái đản của nhiều người khi có người thân bị bỏng. Theo đó, nghe những cách lưu truyền trong dân gian, sơ cứu ban đầu vết bỏng bằng cách đắp lá, bôi nước mắm, rắc vôi bột,... vào vết bỏng, thay vì đỡ đau, người bệnh lại bị nặng thêm.
Thậm chí, theo chia sẻ của các bác sỹ, có trường hợp bệnh nhân bị nhiễm trùng và vết loét “ăn” sâu vào đến gần xương, khiến các khớp xương bị tổn thương nặng, phần thịt bị hoại tử...
Lãng phí “giờ vàng”, “ôm” thêm tốn kém!
Chưa hết “xót” tiền vì phải đi viện chữa bỏng, chị Nguyễn Hải Yến – sinh viên Học viện Báo chí Tuyên truyền còn phải chi tiền đến trung tâm thẩm mỹ để làm mờ vết thâm ở chân do sẹo bỏng bô. Trái khoáy hơn, vì trước đó, chị đã tự sơ cứu vết bỏng bằng... nước mắm! Đến giờ chị Yến vẫn chưa hiểu điều gì khiến chị “ngớ ngẩn” rót cả lít nước mắm vào vết bỏng.
“Lúc bỏng luýnh quýnh sợ để lại sẹo thâm, tôi nhớ ra ở quê các bà hay bảo, khi bị bỏng có thể rót nước mắm cho vết bỏng se, khô nhanh. Tuy nhiên, do vết thương quá xót nên tôi rửa bằng nước sạch ngay sau đó và lập tức đến viện. Khi tôi kể cách sơ cứu của mình, bác sỹ bảo rằng, đó là cách làm phản khoa học. Tôi may vì chưa bị sốc bỏng, nhiễm khuẩn vết thương”, chị Yến hú hồn nói.
Bác sỹ Dương Thanh Sơn, khoa Hồi sức và Cấp cứu (bệnh viện Đống Đa, Hà Nội) chỉ dẫn: “Sơ cứu vết bỏng là một kiến thức mà rất nhiều người cần biết. Tuy nhiên, những cách sơ cứu vết bỏng như trên khiến không ít người bệnh có nguy cơ nhiễm trùng vết bỏng, việc điều trị càng khó khăn và nguy hiểm hơn. Khi bị bỏng, người dân chỉ nên sơ cứu làm hạ nhiệt độ bề mặt da bằng nước sạch, sau đó chuyển ngay bệnh nhân tới cơ sở y tế để được chăm sóc tốt nhất”.
Theo bác sỹ Sơn, không nên bôi bất cứ thứ gì, thậm chí cả thuốc xịt làm mát vào vết bỏng... Có thể khi bôi kem đánh răng, sẽ có cảm giác đỡ rát hơn, nhưng thực ra, kem đánh răng có chất kiềm, khi da đã bị tổn thương do nhiệt, bôi kem đánh răng càng làm vết bỏng nặng hơn. Đối với các chất khác như nước mắm, giấm, lòng trắng trứng, khi bôi vào vết bỏng sẽ không đảm bảo vết thương được vô trùng, không có tác dụng kháng khuẩn, nguy cơ nhiễm trùng vết bỏng là rất lớn”.
Trở lại câu chuyện về trường hợp mới nhất về vị khách Tây bị ngất được người dân Hà Nội chích máu ngón tay, ngón chân cách đây ít ngày, bác sỹ Lương Quốc Chính (khoa Cấp cứu, bệnh viện Bạch Mai) nhận định, "trường hợp trên, bệnh nhân được mô tả là bất tỉnh, co giật, sùi bọt mép và co quắp bàn tay... Khoảng vài phút sau bệnh nhân tỉnh lại là rất phù hợp với bệnh cảnh của một cơn động kinh. Không phải vì chích máu đầu ngón tay nên bệnh nhân mới tỉnh dậy, đây chỉ là diễn biến bình thường của một cơn động kinh toàn thể”.
Theo bác sỹ Chính, hành động chích các đầu ngón tay hoặc dái tai, nếu may mắn sẽ chỉ làm mất một lượng máu không đáng kể và sẽ không có bất cứ ảnh hưởng nào đến huyết động của nạn nhân đột quỵ. Trường hợp xấu, nó có thể khiến đột quỵ thêm tồi tệ hơn do làm giảm tưới máu não và cung cấp oxy.
Lý giải thêm về trường hợp ông Tây bỗng dưng tỉnh dậy sau khi được chích ngón tay, bác sỹ Chính băn khoăn: “Tại sao khi tỉnh lại, ông Tây lại xin phép không tới bệnh viện khám lại? Không phải vì ông ấy không lo cho sức khỏe, có thể đây chỉ là một cơn động kinh và ông ấy đã bị nhiều lần nên có kinh nghiệm. Nếu đúng là cơn động kinh thì không cần can thiệp gì ngoài việc bảo vệ đường thở trong cơn mất ý thức và co giật”.
Thời gian bằng sự sống Theo bác sỹ Lương Quốc Chính, hôn mê là tình trạng mất ý thức, gây ra bởi một loạt các vấn đề khác nhau như chấn thương sọ não, đột quỵ, u não, cơn động kinh, ngộ độc thuốc hoặc rượu... Mỗi bệnh cảnh có những biện pháp điều trị khác nhau. Tất nhiên, trước khi các biện pháp điều trị đặc hiệu được đưa ra, bệnh nhân hôn mê cần phải được sơ cứu đúng cách nhằm đảm bảo các chức năng sống ổn định (đường thở, hô hấp, tuần hoàn…) và phải nhanh chóng gọi xe cấp cứu. Việc chích đầu ngón tay và nặn chảy máu là vô tác dụng, làm chậm việc cung cấp cho nạn nhân đột quỵ biện pháp chăm sóc y tế đúng đắn. Trong thần kinh học có câu: Thời gian = não. |
HOÀNG MAI
Xem thêm video Tin tức:
[mecloud]t9h475x9IU[/mecloud]