Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hóa chất dùng để tẩy trắng dừa có thể gây ung thư?

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Quả dừa sau khi gọt vỏ xong, được bỏ thẳng vào hai thùng phuy để “tắm trắng” bằng hóa chất vô cùng độc hại.

(ĐSPL) - Quả dừa sau khi gọt vỏ xong, được bỏ thẳng vào hai thùng phuy để “tắm trắng” bằng hóa chất vô cùng độc hại.

Trong vai người đi tìm mối dừa xiêm để mở quán nước, PV báo Đời sống và Pháp luật đã thâm nhập vào những đại lý dừa trên địa bàn TP. Hà Nội và tận mắt chứng kiến việc “tắm trắng” dừa bằng hóa chất vô cùng độc hại.

Quả dừa sau khi gọt vỏ xong, được bỏ thẳng vào hai thùng phuy. Khoảng gần 10 phút sau, một người phụ nữ đeo găng tay, vớt từng quả dừa ra, bày lên bàn để bán. Bà Tr., một chủ đại lý giới thiệu: “Cứ yên tâm, loại này để cả tuần vẫn trắng tinh như vừa gọt vỏ”.

Dừa xiêm “tắm” hóa chất

Dừa xiêm vốn là một thức uống giải khát khá an toàn, lại mát bổ, phù hợp với khí hậu khô và nóng bức, giá lại khá mềm, chỉ từ 20.000 - 25.000 đồng/quả,. Tuy nhiên, do dừa xiêm khó bổ, khó gọt vỏ nên khá nhiều người lựa chọn dừa đã bổ sẵn.

Trên thực tế, nếu dừa xiêm hái từ trên cây xuống, để nguyên cả trái mới giữ được sự an toàn, tự nhiên, còn dừa được gọt vỏ sẵn, ngâm qua hóa chất (mục đích để giữ trắng vỏ) thì không đảm bảo an toàn.

Dọc các con phố hay ở các quán nước, quán giải khát, không khó để tìm những trái dừa xiêm đã gọt vỏ trắng nõn nà, rất bắt mắt. Công nghệ “tắm trắng” bằng hóa chất đã cho ra đời những quả dừa vừa đẹp mắt, vừa lâu hỏng.

Có mặt tại khu đô thị Đền Lừ (đoạn gần chợ đầu mối Đền Lừ, Hoàng Mai, Hà Nội) lúc 3-4h sáng, chúng tôi có dịp “tận mục sở thị” công nghệ tẩy trắng dừa tại cơ sở chuyên kinh doanh dừa của bà Tr.. Dù trời còn chưa sáng hẳn, đại lý dừa của bà Tr. đã nhiều người ra vào hối hả, nhộn nhịp. Gần chục nhân viên đang miệt mài gọt vỏ dừa để kịp giao hàng cho khách. Một nhân viên nam (khoảng 28 tuổi) và một người phụ nữ (khoảng gần 40 tuổi) múc nước đổ vào hai thùng phuy đã cũ. Đổ được khoảng nửa thùng phuy nước, người phụ nữ lấy một túi bột màu trắng, đổ thẳng vào thùng phuy, khuấy đều.

Những quả dừa sau khi gọt vỏ được bỏ vào hai thùng phuy, khoảng 10 phút sau, một người phụ nữ đeo găng tay vớt từng quả dừa ra bày lên bàn để bán. Cầm quả dừa vừa ngâm nước trắng tinh, bà Tr. giới thiệu: “Nhà chị ngâm qua rồi, nên cứ yên tâm. Loại này để cả tuần vẫn trắng tinh như vừa gọt vỏ”.

Cách đại lý dừa của bà Tr. không xa là đại lý dừa của bà Chi. Đại lý của bà Chi rộng chừng 100m, bên trong chất đầy dừa. Thấy có mối hàng mới, bà Chi hồ hởi: “Lấy về bán quán nước, làm thạch hay làm kem dừa? Dừa nhà chị lấy nguyên gốc Bến Tre nên rất ngon, dừa gọt vỏ loại lớn 17 ngàn đồng/quả, loại bé 13 ngàn/quả, không gọt vỏ rẻ hơn 2 ngàn đồng/quả”.

Khác với cách làm thủ công như ở đại lý của  bà Tr., bà Chi đầu tư hẳn một máy gọt vỏ dừa chạy bằng điện. Ngay bên máy gọt vỏ dừa là một thùng nhựa màu đỏ loại lớn bên trong đựng già nửa xô nước màu trắng đục có mùi hắc rất khó chịu. Gọt xong vỏ quả dừa nào, bà Chi bỏ vào xô nước quả đấy. Cứ như thế, hàng trăm quả dừa ngâm thuốc tẩy trắng tinh nhanh chóng được các lái buôn đến vận chuyển đi tiêu thụ.

Thấy mối hàng lo lắng về khả năng bảo quản dừa, bà Chi cười sang sảng đáp: “Cứ lấy loại đã gọt vỏ về mà bán. Loại này chỉ đắt hơn loại chưa gọt có 2 ngàn đồng thôi, gọt xong chị ngâm hoá chất rồi nên không lo bị đen hoặc hỏng đâu, bán không hết cứ bỏ vào tủ lạnh để cả tuần vẫn trắng tinh, cả khu vực Hoàng Mai, Hai Bà Trưng đều lấy hàng của nhà chị, mỗi ngày nhà chị bán ra cả trăm quả dừa đã tẩy trắng ấy chứ”.

Dừa được ngâm tẩy trắng bằng hoá chất trong thùng phuy. (Ảnh Doãn Kiên)

Nói đoạn, bà Chi vào kho lấy trong tủ ra một túi màu đen, bên trong đựng một túi bột màu trắng. Theo quan sát, túi bột không hề có tên cơ sở sản xuất, tên nhãn hàng hay hướng dẫn sử dụng và có mùi hắc rất khó ngửi, nói: “Bí quyết đây, không có loại này gọt xong được dăm phút là dừa đen như bị ruồi bâu, nhìn chả ai dám mua”. Bà Chi cho biết, loại bột màu trắng này là một loại hoá chất dùng để tẩy trắng dừa, được mua ở phố Hàng Buồm (Hoàn Kiếm) và chợ Đồng Xuân.

“Có người gọi là hoá chất tẩy trắng, có người lại gọi là bột chanh, bột tẩy đường hay bột a xít, cứ ra Hàng Buồm bảo mua thuốc tẩy trắng dừa là họ bán cho cả loại bột này và thuốc tẩy đi kèm. Thường thuốc tẩy là loại tẩy nhà vệ sinh hoặc tẩy quần áo, bao nhiêu cũng có, loại tốt 70 ngàn đồng/kg, loại bình thường giá 40 ngàn đồng/kg. Pha một lạng bột này với một chén thuốc tẩy cùng vào xô nước bỏ quả dừa vào ngâm khoảng 4 phút là quả dừa có thể trắng được cả tuần”, bà Chi giới thiệu.

Để chứng minh lời mình, bà Chi đeo găng tay vớt quả dừa vừa được ngâm, giọng hào hứng: “Đây, trắng tinh ra rồi đây. Cứ yên tâm lấy về bán, dừa càng trắng càng được nhiều người chọn mua, nhà chị bán mấy năm nay rồi”.

Người làm ra cũng không dám dùng

Trưa ngày 30/8, chúng tôi tiếp tục đến một đại lý kinh doanh dừa ở phố Nguyễn An Ninh (Hà Nội). Trong kho rộng chừng 70m2, dừa xếp ngổn ngang. Dù đang trưa nắng, nhưng người làm tại đây vẫn hối hả gọt vỏ dừa để ngâm tẩy trắng. Những chiếc xô, chậu, thùng phuy ngâm dừa tại đây ố vàng, cáu bẩn, mùi thuốc tẩy, hoá chất bốc lên hăng hắc rất khó ngửi.

Để giữ chân mối hàng, bà D., một người làm tại đây không ngần ngại: “Nhà chị ngâm tẩy trắng hết rồi, không lo bị đen đâu. Tẩy trắng như thế này dễ bán lắm, người mua họ thấy trắng là thích chứ không biết là mình tẩy trắng đâu mà lo”. Chúng tôi tỏ ý muốn học cách pha chế, bà D. cười xòa: “Dễ ợt thôi mà, muốn dừa trắng lâu thì dùng nhiều bột hoá chất và thuốc tẩy pha với ít nước, muốn trắng vừa vừa thì bớt liều lượng thuốc và ngâm nhiều nước, có thể ngâm trực tiếp dừa vào nước hoặc pha hóa chất ra chậu, rồi tưới lên từng quả dừa”.

Cũng theo bà D., đại lý nơi bà làm việc đã áp dụng cách tẩy trắng này từ gần hai năm nay, dừa đã gọt vỏ tiêu thụ rất tốt, trung bình mỗi ngày cơ sở của bà tiêu thụ được hơn 100 quả. Ngoài bán dừa ngâm nguyên quả, bà D. còn làm cả thạch dừa, kem dừa.

“Ngâm là để cho dễ bán chứ không dám dùng, mình dùng thì cứ quả nào chưa gọt vỏ, chưa ngâm, bổ ra dùng ngay cho chắc ăn. Không ăn dừa ngâm vì lỡ đâu thuốc nó ngấm vào lại đau bụng”, bà D. nói.

Theo chân một chuyến hàng, chúng tôi đến khu vực gần bến xe Mỹ Đình. Tại đây, có rất nhiều hàng quán bán dừa, những quả dừa đã gọt vỏ trắng tinh, nhiều khách hàng vô tư mua về sử dụng, ít ai biết được những quả dừa đó đã được tẩy trắng bằng hoá chất độc hại. Chị Hạnh (40 tuổi, trú quận Nam Từ Liêm) vô tư cho biết: “Dừa trắng đẹp thế này uống mới ngon, nhiều quả dừa đen thui, nhìn rất mất cảm tình, không muốn mua. Còn dừa chưa gọt vỏ mình không mua vì rất lười gọt”.

Cũng theo giới thiệu của bà D., chúng tôi tìm đến phố Hàng Buồm tìm mua thuốc tẩy trắng dừa. Dạo qua một vòng rất nhiều cửa hàng bán hoá chất, chúng tôi hỏi mua thuốc tẩy dừa. Tuy nhiên, thấy chúng tôi là khách lạ, nhiều chủ hàng dứt khoát: “Không có. Ai dám bán loại thuốc đấy!”.

Phải qua rất nhiều cửa hàng, lấy đủ lý do, bảo người này, người kia giới thiệu, chúng tôi mới được một chủ hàng thật thà: “Đây là loại hoá chất cấm bán và cấm được sử dụng vì rất nguy hiểm, chỉ bán cho mấy bà buôn dừa là khách quen lâu năm thôi, bán bừa bãi lỡ khách hàng bị ngộ độc, công an họ truy ra thì hết đường làm ăn”.


Tin nổi bật