VTC News dẫn lời ông Tâm cho hay, người bắt muỗi phải lộ các phần cơ thể (tay, chân…) để dẫn dụ muỗi bay đến bám đậu, chích hút máu để bắt.
Muỗi sau khi bắt về sẽ được xác định thành phần loài, tính mật độ muỗi để phục vụ giám sát, điều tra, hoặc dùng thử nghiệm sinh học, xác định mức nhạy cảm của muỗi đối với hóa chất và đánh giá hiệu lực diệt tồn lưu của hóa chất.
"Đây là hoạt động để phục vụ giám sát, điều tra muỗi truyền bệnh sốt rét, nhân viên chuyên trách có thể dùng những phương pháp khác nhau như: Bắt muỗi trú đậu trong nhà ban ngày và ban đêm, ở ngoài nhà ban ngày, ở chuồng gia súc ban đêm; dùng bẫy đèn, bẫy màn bắt muỗi; đặc biệt là lấy thân mình làm mồi cho muỗi đốt máu ban đêm để bắt", ông Tâm cho hay.
Nhân viên HCDC đang làm mồi người bắt muỗi ở trong nhà. Ảnh: VTC News
Lãnh đạo CDC TP.HCM cũng cho biết thêm, trước đây, người làm mồi và người đi bắt muỗi đêm được hỗ trợ 130.000 đồng/người/đêm theo quy định tại Mục c, Khoản 3, Điều 5 Thông tư 26/2018 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020.
"Tuy nhiên, hiện nay Thông tư nói trên hết hiệu lực nên TP.HCM đưa ra đề xuất hỗ trợ và vừa được HĐND thông qua", ông Tâm nói.
Trước đó, theo báo Pháp luật TP.HCM, chiều 19/9, tại kỳ họp lần thứ 11 của HĐND TP.HCM khóa X, HĐND TP.HCM đã thông qua nghị quyết quy định nội dung chi, mức chi một số hoạt động y tế - dân số trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2023-2025.
TP.HCM dự kiến chi hỗ trợ người làm mồi và người đi bắt muỗi đêm 130.000 đồng/người/đêm; chi hỗ trợ cho người trực tiếp phun, tẩm hóa chất diệt muỗi bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng (tính theo ngày) do Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; chi hỗ trợ cho người trực tiếp thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, lăng quăng tại hộ gia đình và trong các đợt tổ chức chiến dịch với 3.000 đồng/hộ/lần.
Thủy Tiên (T/h)