Chắc hẳn nhiều người chưa bao giờ nghe nói về hồ Natron, đây là một hồ được gọi là sông Styx, rất đáng sợ.
Hồ Natron là một hồ nước mặn ở Tanzania, nằm trong khe nứt Gregory ở phía đông của Thung lũng Great Rift. Điều kỳ lạ nhất của hồ là nó có một loại phép thuật “hóa đá”, nhiều loài động vật khi tiếp xúc với hồ sẽ biến thành những “pho tượng” bằng đá và chết ở đây, chính vì vậy, hồ Natron còn được gọi là “hồ nước hóa đá”.
Hồ Natron nằm ở phía bắc Tanzania, gần biên giới Kenya, nổi bật với sắc đỏ.
Tại sao hồ Natron có thể hóa đá động vật? Đó là do trong nước hồ có chứa một hợp chất tự nhiên gọi là xút, xút chủ yếu bao gồm natri cacbonat và muối nở làm cho giá trị pH của nước hồ cao từ 9 đến 10,5 và độ kiềm cũng tương tự như amoniac, có tác dụng đốt cháy da và mắt của động vật, vì vậy nếu chạm vào có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Đặc điểm nổi bật ở hồ Natron là màu nước đỏ như máu. Màu sắc này do một số loại vi khuẩn đặc biệt tạo nên. Chính màu lạ mắt này đã thu hút rất đông giới nhiếp ảnh gia và du khách từ nhiều nơi đổ về muốn ghi lại khoảnh khắc ấn tượng không đâu có được.
Với người dân địa phương, Natron không hề đơn giản chút nào. Người ta thậm chí còn đặt cho nó một tên gọi khác, hồ Tử thần.
Trên thực tế, hồ Natron vốn là một hồ muối. Điều này có nghĩa là, nước có thể chảy vào trong hồ, nhưng không chảy được ra ngoài. Bởi vậy, nó chỉ có thể thoát ra ngoài bằng cách bốc hơi.
Theo thời gian, khi nước bay hơi sẽ để lại nồng độ muối cao cùng nhiều khoáng chất khác. Nguyên lý này tương tự như xảy ra tại Biển Chết hay hồ muối lớn của Utah.
Tuy nhiên, không giống như những hồ khác, nước ở hồ Natron lại có tính kiềm cao do lượng Natron hóa học cao. Điều kiện khắc nghiệt ở hồ nước liên quan tới núi lửa Ol Doinyo Lengai nằm gần đó, phun ra dung nham đổ vào hồ qua mạng lưới suối chảy. Độ pH cao tới 10,5.
Lý do hồ có tên gọi chết chóc như vậy là từ hàng nghìn năm nay, bất kỳ loài vật nào sảy chân ngã xuống hồ, xác đều bị hóa đá. Khi mực nước hồ hạ thấp, xác các loài động vật này dạt vào bờ, trên mình chúng đều phủ một lớp muối.
Theo nhà sinh thái học David Harper đến từ Đại học Leicester (Anh), những sinh vật không may "sảy chân" rơi xuống hồ sẽ bị bao bọc trong lớp muối và "hóa đá".
Và các chất lắng đọng của natri cacbonat - thứ từng sử dụng trong quá trình ướp xác của người Ai Cập, cũng đóng vai trò như chất bảo quản tuyệt vời cho những con vật không may rơi xuống vùng nước hồ Natron.
Nhiệt độ nước của hồ có thể lên tới 50 độ.
Khi mực nước hạ thấp, xác của những động vật này trôi dạt vào bờ. Hầu hết chúng vẫn giữ được hình dáng ban đầu và trên mình phủ một lớp muối dày.
Chỉ duy nhất loài chim hồng hạc vẫn coi hồ Natron là "địa chỉ" quen thuộc. Chúng tới để ghép đôi. Mặc dù vậy, chúng cũng không thể thoát khỏi điều kiện khắc nghiệt của hồ. Nếu không may rơi xuống, hồng hạc cũng trở thành "nạn nhân" bị bọc bằng muối.
Xác các con vật kém may mắn này được bảo quản tốt dưới lòng hồ.
Ngoài xác động vật, hồ Natron còn là "nhân chứng" lưu giữ lịch sử 19.000 năm. Theo Tiến sĩ Cynthia Luitkius Pierce, nhà địa chất học đến từ Đại học Appalachian, khi dấu chân in lên lớp bùn, trầm tích khô và cứng lại bảo quản dấu chân. Có những lớp bùn lưu giữ dấu vết của tổ tiên loài người ở thế Canh Tân dọc theo bờ hồ Natron.
Do nhiệt độ cao và nồng độ muối lớn nên du khách muốn tới đây phải tuân thủ theo sự chỉ dẫn từ hướng dẫn viên du lịch để tránh mệt mỏi và mất nước.
Thùy Dung (T/h)