Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hộ chiếu vaccine ở châu Âu và những điều cần biết trước khi có hiệu lực vào tháng 7

(DS&PL) -

Với tốc độ tiêm chủng đi đầu thế giới, các quốc gia ở châu Âu đã nhanh chóng phê duyệt chương trình "hộ chiếu vaccine" đối với công dân thuộc khối EU. Theo đó, chương trình này sẽ chính thức có hiệu lực vào tháng 7 tới.

"Hộ chiếu vaccine" vẫn còn là một thuật ngữ khá mới hiện nay. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã bùng phát và lan rộng trên toàn thế giới trong hơn 1 năm qua, nhiều quốc gia buộc phải đóng cửa biên giới với bên ngoài để đảm bảo công tác phòng, chống sự lây lan của dịch bệnh. Hiện nay, với tốc độ tiêm chủng đi đầu thế giới, các quốc gia ở châu Âu bắt đầu nới lỏng các quy định giãn cách và dự kiến sẽ mở cửa lại nền kinh tế với quốc tế. 

Dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không khuyến khích chương trình "hội chiếu vaccine" nhưng các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) vẫn nhất trí áp dụng chính sách này từ tháng 7 tới. Dưới đây là những điều cần biết về "hộ chiếu vaccine" tại EU.

Châu Âu sẽ bắt đầu áp dụng chương trình "hộ chiếu vaccine" từ ngày 1/7 tới. Ảnh: Reuters

Hộ chiếu vaccine là gì?

Trước đó, nhiều tên gọi khác nhau đã được đặt ra đối với "hộ chiếu vaccine", bao gồm "thẻ xanh" và chứng nhận tiêm chủng. "Hộ chiếu vaccine" thực chất là thẻ kỹ thuật số, được thiết kế và công nhận trên toàn EU. Tấm thẻ này dùng để xác định một người đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 hay chưa.

Nếu công dân các nước châu Âu muốn di chuyển tới một quốc gia khác cùng khối, họ cần cung cấp cho lực lượng chức năng một mã QR lưu trong điện thoại, máy tính bản hoặc in ra giấy. Thiết kế của mã QR này chứa chữ ký kỹ thuật số độc đáo, có khả năng kết nối với dữ liệu tiêm chủng COVID-19 của du khách. 

Tuy nhiên,"hộ chiếu vaccine" chỉ được sử dụng cho người trưởng thành bởi việc tiêm chủng vẫn chưa được cấp phép cho trẻ em và thiếu niên tại châu Âu. Theo đó, các em có lẽ sẽ cần xét nghiệm và mang theo chứng nhận kết quả của mình nếu muốn đi ra nước ngoài ngay cả khi cha mẹ các em có "hộ chiếu vaccine".

Trong văn bản quy định về chương trình "hộ chiếu vaccine", Liên minh châu Âu nêu rõ chứng nhận tiêm phòng chứa những dữ liệu "thực sự cần thiết" để giám sát việc đi lại an toàn của công dân nhưng vẫn cần tuân thủ luật Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR) của khối.

Cụ thể, dữ liệu của công dân sẽ không được chia sẻ với các quốc gia khác. Đồng thời, dữ liệu cá nhân của công dân sẽ không được lưu giữ tại các quốc gia họ đến hoặc quá cảnh sau khi đã được xác minh.

Những loại vaccine nào đủ điều kiện?

Công dân các quốc gia trong Liên minh châu Âu sẽ được quyền tự do di chuyển trong khối nếu tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19. Bốn loại vaccine được coi là đủ điều kiện trong chương trình "hộ chiếu vaccine" này là những loại đã được Cơ quan Dược phẩm Châu Âu phê duyệt, bao gồm: Pfizer-BioNTech, Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson.

Ngoài ra, công dân một vài quốc gia trong khối đã tiêm loại vaccine COVID-19 khác, không nằm trong số những vaccine trên, như tại Hungary triển khai tiêm phòng bằng vaccine Sputnik V của Nga, vẫn có quyền được di chuyển sang nước khác cùng khối nếu chính phủ nước đó chấp thuận. 

Những loại vaccine đã được WHO phê duyệt như Sinopharm của Trung Quốc cũng có thể được thông qua trong chương trình "hộ chiếu vaccine" của châu Âu. Việc phê duyệt này không bắt buộc với toàn khối, ví dụ Pháp chấp thuận nhưng Đức có thể từ chối công nhận chứng chỉ tiêm chủng của những người đã tiêm vaccine Sinopharm.

Công dân EU có cần phải cách ly khi tới quốc gia khác?

Về lý thuyết, những công dân đã sở hữu "hộ chiếu vaccine" sẽ không cần tuân thủ các quy định phòng dịch như trước khi tới một quốc gia khác trong khối, bao gồm việc cách ly y tế. Tuy nhiên, các nhà chức trách cho rằng vẫn có thể có ngoại lệ.

Trong đó, nếu tình hình dịch bệnh tại một khu vực có xu hướng xấu đi nhanh chóng hoặc một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện, các biện pháp cách ly có thể sẽ được áp dụng trở lại.

Khi một quốc gia thành viên muốn áp dụng các biện pháp kiểm soát khẩn cấp như vậy, họ phải thông báo cho các nước đối tác của mình trước 48 giờ và khách du lịch có thể tham khảo trang web của EU để theo dõi các thay đổi về quy tắc.

Quy định của EU về "hộ chiếu vaccine" liên quan đến các nguyên tắc di chuyển tự do của châu Âu. Tuy nhiên, các quốc gia thành viên riêng lẻ có thể tự quyết định xem họ có muốn sử dụng chứng nhận tiêm chủng này để kiểm soát quyền ra vào trong các sự kiện đông người hoặc địa điểm tụ tập khác theo các điều khoản của luật quốc gia hay không.

30 quốc gia tham gia chương trình "hộ chiếu vaccine"

Chương trình "hộ chiếu vaccine" sẽ áp dụng đối với 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu và 3 nước láng giềng bao gồm Iceland, Na Uy và Liechtenstein.

Tính đến thời điểm hiện tại, cổng dữ liệu của EU đã thực hiện các cuộc thử nghiệm thành công đối với chương trình "hộ chiếu vaccine" tại 18 quốc gia thí điểm. Vì vậy, EU dự kiến sẽ bắt đầu áp dụng chương trình này từ ngày 1/7, các chứng nhận tiêm chủng sẽ có hiệu lực trong vòng 12 tháng.

Tuy nhiên, sẽ có một giai đoạn chuyển tiếp kéo dài sáu tuần đối với các quốc gia chưa sẵn sàng triển khai chứng chỉ theo mô hình của EU. Trong giai đoạn này, các thành viên EU khác nên chấp nhận chứng nhận tiêm phòng của các nước này nếu chúng có cùng dữ liệu.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Minh Hạnh (Theo Daily Sabah)

Tin nổi bật