Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hiệu trưởng không đạt Chiến sĩ thi đua "diễn kịch" nhận danh hiệu, bệnh thành tích đã "di căn"?

(DS&PL) -

Vừa qua, dư luận bất bình trước thông tin một Hiệu trưởng trường Tiểu học không đạt Chiến sĩ thi đua vẫn lên sân khấu nhận danh hiệu và giấy chứng nhận "giả".

Vừa qua, dư luận bất bình trước thông tin một Hiệu trưởng trường Tiểu học không đạt Chiến sĩ thi đua vẫn lên sân khấu nhận danh hiệu và giấy chứng nhận "giả" trong lễ khai giảng. Căn bệnh thành tích trong giáo dục đã quá nặng nề ngay từ khi tiếng trống khai trường mở màn năm học mới.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, cần phải cách chức Hiệu trưởng và đưa ra khỏi ngành.

Sự gian dối không thể chấp nhận

Cụ thể, trong lễ khai giảng năm học mới vừa qua, bà Trịnh Ngọc Thùy Mai, Hiệu trưởng trường Tiểu học Vĩnh Phong 4 (huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang), yêu cầu người dẫn chương trình xướng tên bà cùng với danh sách các giáo viên nhận giấy chứng nhận tặng thưởng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở năm học 2018- 2019.

Do Hiệu trưởng Trịnh Ngọc Thùy Mai không có danh sách được khen thưởng và nhận danh hiệu nên không có giấy chứng nhận. Bà Thùy Mai đã "diễn kịch" nhận danh hiệu này bằng cách, yêu cầu một số giáo viên lấy giấy khác có lồng khung giống giấy chứng nhận để trao tạm và cùng chụp hình với giáo viên được trao giấy chứng nhận tặng thưởng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở trên lễ đài.

Trước câu chuyện "nực cười" chạy theo "danh hão" trên, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) bày tỏ: "Tôi thấy trong câu chuyện trên là một vị Hiệu trưởng hơi kỳ kỳ. Dù ở cương vị hiệu trưởng hay giáo viên, khi đã không đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua lại lên nhận giấy chứng nhận là gian dối. Tất cả mọi sự gian dối đều không thể chấp nhận được! Mà việc này có lẽ cực kỳ hiếm, gian dối này hoàn toàn không đáng!".

Trong trường hợp này, cố gắng "dàn xếp" để nhận danh hiệu trước bao nhiêu đại biểu, giáo viên và học sinh, như một chiêu trò có thể bị người ta chê trách và "phỉ báng"! "Bản thân tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc chạy theo những danh hiệu thi đua như vậy. Bên cạnh những mặt tích cực tôn vinh nhà giáo, gần đây, xã hội đang xuất hiện những biến tướng, chỉ là "danh hão". Tôi chỉ cố gắng phấn đấu trở thành "nhà giáo của nhân dân", thầy Khang khẳng định.

Hiệu trưởng trường Marie Curie tiếp tục nhấn mạnh: "Trong câu chuyện trên, tư duy của một người đứng đầu trường học mà lại chạy theo hư danh như vậy, theo tôi đó là biểu hiện của bệnh thành tích đã ở mức "ung thư giai đoạn cuối", đã "di căn", có lẽ chỉ còn chờ đưa về nhà...".

Người thầy phải là tấm gương sáng, mẫu mực

Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT đánh giá: "Tôi có thể hình dung một con người không có điều gì tốt đẹp, buộc mọi người phải tôn vinh mình là Chiến sĩ thi đua bằng những sự giả dối, là không xứng đáng đứng trong hàng ngũ của ngành giáo dục. Ngành giáo dục nói chung phải trong sáng, minh bạch, rõ ràng, giỏi thì khen để khích lệ phát huy, chưa tốt thì nói chưa tốt để nhìn vào mà khắc phục. Đối với người Hiệu trưởng kia, nếu tôi có thẩm quyền, tôi sẽ ngay lập tức cách chức, thậm chí, đưa ra khỏi ngành. Không thể để một người có hành vi gian dối như vậy trong ngành giáo dục, gây ra một hình ảnh rất xấu", ông Nhĩ nêu ý kiến.

Ông Nhĩ còn cho rằng: "Trước nay, ngành giáo dục dù có nhiều thành tích đến đâu nhưng "con sâu làm rầu nồi canh", hình ảnh một Hiệu trưởng đã không đạt Chiến sĩ thi đua mà lại "dàn cảnh" để được nhận danh hiệu trước toàn trường, buộc người khác phải kiếm"đạo cụ" cho mình diễn trên sân khấu, sẽ khiến mọi người liên tưởng đến bệnh thành tích quá lớn trong toàn ngành giáo dục. Dĩ nhiên ngành giáo dục không phải chỉ toàn những tiêu cực! Những con người như vậy không nên ở trong ngành giáo dục, sẽ làm mất niềm tin của xã hội vào đội ngũ của toàn ngành.

Thầy cô phải là tấm gương sáng, mẫu mực, để người khác soi vào, chứ không phải là một hình ảnh "xấu xí", "méo mó" và "bậy bạ" như vậy. Người có tư duy, suy nghĩ như vị Hiệu trưởng kia không có tư cách và khả năng để giáo dục ai".

Cũng theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, xã hội hiện nay luôn đòi hỏi sự minh bạch, rõ ràng. "Muốn minh bạch, rõ ràng, phải giáo dục cho thế hệ trẻ, từ những điều nhỏ nhất trong cuộc sống. Đối với những người đã, đang và sẽ gắn bó với ngành sư phạm, lại càng phải trở thành một tấm gương. Đặc biệt, những sinh viên sư phạm càng cần được giáo dục đạo đức, nêu cao đạo đức nghề nghiệp để giữ được sự trong sạch, minh bạch".

Cẩm Mịch
Bài đăng trên ấn phẩn báo in Đời sống & Pháp luật số 38

Tin nổi bật