Tinh thần hiệp sĩ là điều mà xã hội luôn cần nhưng song hành với đó, các cơ quan có thẩm quyền cần xây dựng một lực lượng chuyên nghiệp đủ năng lực, dũng cảm thực hiện đúng chức trách. Với các “hiệp sĩ”, không chỉ là khuyến khích bằng lời nói mà cần giúp họ tham gia các lớp tập huấn kinh nghiệm về chống cướp, khi gặp đối tượng manh động thì xử lý như thế nào...
Băng nhóm của Tài “mụn” từng đe dọa các “hiệp sĩ”
Liên quan vụ việc nhóm "hiệp sĩ" 5 người bị đâm thương vong tại quận 3 vào tối 13/5, mới đây, đại diện cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho biết, đơn vị vừa bắt giữ khẩn cấp đối tượng Ngô Văn Hùng (SN 1986, ngụ đường Phạm Văn Chiêu, phường 8, quận Gò Vấp, TP.HCM) để điều tra về hành vi che giấu tội phạm. Trước đó, Công an TP.HCM đã bắt giữ hai đối tượng Nguyễn Hoàng Châu Phú (SN 1994, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) và Nguyễn Tấn Tài ( tức Tài “mụn”, SN 1994, ngụ quận 12, TP.HCM).
Theo điều tra của công an, Hùng biết Nguyễn Tấn Tài tức Tài “mụn” vừa gây trọng án khiến 2 người tử vong, 3 người trọng thương tại quận 3. Thế nhưng, đối tượng vẫn cho Tài nương náu trong nhà nhằm tránh sự truy bắt của công an. Trước đây, Hùng từng là bạn tù với Tài “mụn”.
Theo tìm hiểu của PV, trước khi gây ra vụ án đâm thương vong 5 "hiệp sĩ", băng nhóm của Tài “mụn” đã bị nhóm "hiệp sĩ" bắt quả tang trộm tài sản tại quận Tân Phú (TP.HCM) và giao cho Công an quận Tân Phú xử lý.
Sau đó, nhóm Tài "mụn" liên tục đe dọa các “hiệp sĩ”: “Tụi mày dồn tao vào đường cùng thì tao cũng sống chết với tụi mày”. Đáng nói, Tài “mụn” nhiều lần cố tình dẫn dụ, khiêu khích nhóm "hiệp sĩ" để trả thù. Ngoài ra, nhóm Tài “mụn” còn có những chiêu chống trả các hiệp sĩ rất manh động bằng hung khí thủ sẵn trong người.
"Hiệp sĩ" Trần Văn Hoàng đang điều trị - Ảnh: Infonet |
Trước sự manh động của các đối tượng cướp giật, bên cạnh sự cảm phục vì sự hy sinh của hai hiệp sĩ Nguyễn Hoàng Nam (29 tuổi) và Nguyễn Văn Thôi (42 tuổi) khi ra tay chống lại cái ác, dư luận còn đặt câu hỏi: Các "hiệp sĩ" săn bắt cướp để bảo vệ bình yên cho xã hội, nhưng ai sẽ là người đứng lên bảo vệ họ?
Diện tích rộng, người dân đông đúc, lực lượng mỏng chính là yếu tố khiến nạn cướp giật trở nên đáng báo động ở TP.HCM hay Bình Dương. Việc các nhóm "hiệp sĩ" được thành lập và kịp thời can thiệp giúp cho nhiều khu vực được đảm bảo, lực lượng chức năng cũng nhờ đó có được "kênh thông tin" hiệu quả trong việc tuyên truyền, kêu gọi người dân trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm.
Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là quyền bắt cướp của các "hiệp sĩ" đến đâu? Theo luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về bắt người phạm tội quả tang thì bất cứ người nào cũng có quyền bắt giữ, khống chế tội phạm đang thực hiện hay vừa thực hiện hành vi phạm tội và giao cho cơ quan chức năng.
Chuyện người dân phòng chống tội phạm như vụ việc nhóm hiệp sĩ Tân Bình bắt trộm xe SH là cần thiết. Họ hoàn toàn có quyền tham gia hoạt động bắt tội phạm, tuy nhiên cần có những kỹ năng, nghiệp vụ nhất định đảm bảo tình huống bất ngờ hoặc những trường hợp tên cướp manh động để tránh trường hợp thương tâm xảy ra. Ngoài ra, vụ việc xảy ra tại TP.HCM khiến hai “hiệp sĩ” Nam và Thôi tử vong được nhiều người đặt câu hỏi, có nên trang bị các thiết bị bảo hộ cho các “hiệp sĩ” khi tham gia bắt cướp?
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: “Sau sự việc lần này khiến 5 “hiệp sĩ” thương vong, cần xem lại cơ chế hoạt động của họ sao cho phù hợp. Tức là cần hỗ trợ, bảo vệ họ. Không chỉ khuyến khích bằng lời nói mà có thể giúp họ tham gia các lớp tập huấn kinh nghiệm về chống cướp như thế nào, khi gặp đối tượng manh động thì xử lý ra sao...
Hiện nay, họ không được trang bị bất kỳ công cụ hỗ trợ nào mà chỉ chống cướp bằng tay không. Điều đó rất nguy hiểm. Vì vậy, có thể xem xét trang bị cho họ một số công cụ hỗ trợ cần thiết, với điều kiện họ phải đăng ký là thành viên chính thức của một câu lạc bộ chuyên chống cướp nào đó. Và nếu khi họ xảy ra bị thương hoặc tử vong trong quá trình truy bắt tội phạm thì ngoài việc khen thưởng cũng phải có chế độ chính sách.
Trường hợp của 5 “hiệp sĩ” ở TP.HCM vừa qua là rất dũng cảm, kiên quyết đấu tranh phòng chống tội phạm. Theo quan điểm cá nhân của tôi, ngoài chính sách bảo hiểm xã hội thì nên xem xét công nhận họ là thương binh và liệt sĩ. Chúng ta cần tri ân những con người dũng cảm như thế, họ ăn cơm nhà nhưng lại đi làm việc nghĩa hiệp, vì mục đích bảo vệ sự bình yên cho cuộc sống nhân dân”, Đại biểu Mai nói.
Cần ghi nhận và tôn vinh xứng đáng
Xung quanh vụ việc trên, trao đổi với PV báo ĐS&PL, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu quan điểm: “Theo tôi, đối với các câu lạc bộ “hiệp sĩ đường phố” thì cơ quan công an nên yêu cầu họ hợp tác với mình. Khi đã hình thành tổ chức thì phải có cơ chế, điều lệ hoạt động của câu lạc bộ hiệp sĩ. Khi đó, công an sẽ trang bị cả về nghiệp vụ và công cụ hỗ trợ cần thiết cho họ trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm theo quy định của pháp luật hiện nay”.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (Ảnh: Nguyễn Hường). |
Theo vị Đại biểu Quốc hội này: “Các “hiệp sĩ” hoạt động có tiếng tăm từ lâu. Họ có sự đóng góp cho trật tự an ninh xã hội từ nhiều năm nay. Chính vì thế, những nhóm “hiệp sĩ đường phố” này có các thành tích rất đáng ghi nhận. Đó là những con người vừa có đức, vừa có trách nhiệm đối với xã hội.
Chính vì thế, những người “hiệp sĩ” vừa rồi bị các đối tượng giết hại thì nên truy tặng liệt sĩ cho họ. Còn đối với những cá nhân bị thương thì nên có các chế độ cho họ giống như thương binh. Nhà nước nên trợ cấp, đài thọ cho họ và cho gia đình họ vì hành động xả thân cứu tài sản của nhân dân, bảo vệ bình an cuộc sống”.
Đại biểu Phương cũng chia sẻ thêm: "TP.Hồ Chí Minh rất cần thiết nhân rộng mô hình “hiệp sĩ đường phố”. Vì thời gian qua, họ đã đóng góp rất nhiều vào việc chống các đối tượng cướp, cướp giật. Ngoài ra, nếu muốn làm giảm vấn nạn cướp giật thì một yếu tố rất quan trọng nữa là cơ quan công an cũng phải thực sự vào cuộc có trách nhiệm. Trong vụ việc vừa, cho thấy các đối tượng xấu hoạt động có tổ chức, có sự phân công vai trò của từng đối tượng tham gia. Những ổ nhóm hoạt động có tổ chức như thế, cần xử lý quyết liệt ngay từ khi mới manh nha".
Nữ công an nuôi con nhỏ phá án Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP.HCM cho biết, người tiếp nhận vụ việc và điều tra ban đầu vụ án chính là nữ Phó Trưởng Công an quận 3 phụ trách công tác điều tra và phòng chống tội phạm. Chị là Trung tá Trần Thị Kim Lý. Cũng theo ông Minh, Trung tá Lý có con nhỏ nhưng nửa tháng nay, từ khi xảy ra vụ đánh nhau ở đường Hoàng Sa, (quận 3) đến vụ đâm thương vong các "hiệp sĩ", chị gần như không gặp mặt con và ít khi về nhà. “Chị chính là người phát hiện băng nhóm này có một số đối tượng đã bị bắt ở quận Tân Bình, quận 12, Hóc Môn trước đây”, ông Minh khẳng định. Theo tìm hiểu của PV, để xác định kẻ tình nghi, Trung tá Lý đã phụ trách tiếp cận hiện trường và lấy lời khai các nhân chứng. Để lần ra kẻ tình nghi, nữ trung tá đã trích xuất lời khai từ hàng loạt bị can, bị án từng biết Tài “mụn” để xét hỏi. Từ những lời khai của bị can, bị án liên quan này, những thủ đoạn và địa bàn hoạt động của Tài “mụn” dần được xác minh. Sau khi rà soát từ những thông tin trên, Trung tá Lý nhận định băng nhóm của Tài chính là đối tượng tình nghi số 1 đâm các "hiệp sĩ" thương vong vào tối 13/5 trên đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 3, quận 3, TP.HCM. |
Nhóm PV
Bài đăng trên báo giấy Đời sống & Pháp luật số 60