Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hiến đất tổ tông làm quốc lộ

(DS&PL) -

Việc hiến đất làm đường giao thông không còn lạ đối với nhiều địa phương, nhưng đối với người dân Bắc Bộ, coi tấc đất quý hơn vàng thì việc hiến đất là chuyện hiếm

Việc hiến đất làm đường giao thông không còn lạ đối với nhiều địa phương, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thế nhưng, đối với người dân Đồng bằng Bắc Bộ, nơi đất chật người đông, coi tấc đất quý hơn vàng thì việc tự nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất ở đã gắn bó máu thịt để làm hai tuyến quốc lộ kéo dài hàng trăm cây số là chuyện “xưa nay hiếm”…

Chồng chị Trần Thị Hiền, thị trấn Gôi, huyện Vụ Bản (Nam Định) chỉ ranh giới phần đất mà gia đình đã tự nguyện lui vào để hiến làm đường

Dân tự hiến đất, QL vượt tiến độ “khủng”

Tại Thị trấn Gôi, huyện Vụ Bản (Nam Định) khi mặt trời đã trên đỉnh đầu, đập vào mắt chúng tôi là một thị trấn khang trang, giống như một khu phố đâu đó giữa lòng Hà Nội. Hình ảnh ấy khác hoàn toàn với hình ảnh nhếch nhác mấy năm trước. Sau khi tuyến QL37B qua đây vừa được hoàn thành, nhiều gia đình đang bắt tay vào việc sửa sang nhà cửa, quán sá.

Khi nghe thông tin về việc hai tuyến đường dài hàng trăm cây số là QL37B và QL38B qua địa bàn tỉnh Nam Định được thực hiện mà không mất một đồng kinh phí GPMB, tôi vẫn bán tín bán nghi. Điều này càng có cơ sở khi mấy năm trước xây dựng tuyến QL10 cũng qua địa bàn tỉnh này, công tác GPMB gặp vô vàn khó khăn. Thế nhưng, đây lại là một sự thực “trăm phần trăm”.

Để chứng minh điều đó với tôi, ông Nguyễn Hữu Hảo, Giám đốc Ban QLDA (Sở GTVT Nam Định) kể, từ xưa đến nay chưa có dự án nào thuận lợi như vậy. Khi Nam Định có chủ trương vận động người dân hiến đất, góp đất làm đường, ít người dám tin vào tính hiện thực và khả năng thành công của nó.

Chỉ lên tấm bản đồ các tuyến giao thông trên địa bàn Nam Định trong phòng làm việc, ông Hảo lấy đầu ngón tay kẻ một đường vòng vèo từ sát mép tấm bản đồ bên này sang mép bản đồ phía dưới rồi thuyết minh: “Đây là tuyến QL37B được bắt đầu từ địa phận Thái Bình đi vào đất Nam Định, chạy đến hết tỉnh rồi sang Ninh Bình. Cả tuyến kéo dài hơn 59km và có đến 90\% đi qua các khu dân cư. Thế nhưng, ngay từ những ngày đầu vận động hiến đất làm đường đã nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của người dân. Vì thế, thời gian để GPMB đã được tiết giảm chưa từng thấy. Tiến độ của toàn dự án cũng được rút ngắn một nửa thời gian so với yêu cầu”.

Hiện, dự án QL38B nối QL10 đến QL1 do Bộ GTVT giao Sở GTVT Nam Định làm chủ đầu tư cũng đang được thi công thuận lợi và dự kiến về đích trước tiến độ. Sở dĩ có được kết quả này, theo ông Hảo, là do sự hưởng ứng của các hộ dân bị ảnh hưởng. Đến nay, trong số hơn 1.200 hộ dân, chỉ còn 7 hộ đang phải tiếp tục vận động để tháo dỡ giải tỏa hành lang và tự nguyện góp, hiến đất bàn giao mặt bằng. Điều đáng nói là dự án này, ngay trước ngày khởi công đã có khoảng trên 98\% mặt bằng được người dân bàn giao.

Nhiều người dân ủng hộ hiến đất làm đường nên thời gian GPMB tuyến QL37B dài hơn 59km rút ngắn chưa từng thấy

“Lý do ư? - tất cả chỉ là… tự nguyện”

Ông Trần Hữu Bình, hiện là Hiệu trưởng của Trường THCS Thị trấn, dù cuối năm nay sẽ đến tuổi về nghỉ chế độ, vui với thú điền viên vẫn hiến hơn 20m2 đất sổ đỏ để làm đường. Thậm chí để bàn giao mặt bằng, đích thân ông đã tự cầm dao chặt cây si cổ thụ bao năm tỏa bóng mát trước nhà mà bản thân ông luôn coi như một kỷ vật thân thương của gia đình.

Theo Sở GTVT Nam Định, trên toàn tuyến QL37 có đến 5.264 hộ gia đình đã tự nguyện hiến, góp đất. Những hộ nằm trong phạm vi lưu không thì tự nguyện tháo dỡ, di dời công trình để cho dự án được triển khai sớm. Thậm chí khi các nhà thầu thi công, người dân còn tham gia giám sát, thấy chỗ nào làm chưa đúng, chưa tốt người dân đã gọi điện phản ánh với lãnh đạo Sở. 

“Lý do ư - tất cả chỉ là tự nguyện. Đó chính là hình ảnh về những vụ TNGT vô cùng thương tâm mà tôi từng chứng kiến. Trước đây, mặt đường chỉ vỏn vẹn có 6m, hai chiếc xe ô tô ngược chiều đã ních không nổi. Mặt đường hẹp lại đầy ổ trâu, ổ gà nên rất hay xảy ra tai nạn. Năm 2012, tôi tận mắt chứng kiến cái chết thê thảm của một thanh niên. Mặt đường quá hẹp, khi cậu thanh niên trẻ tuổi kia đang nép vào lề đường, bất ngờ một chiếc xe tải vượt lên, cuốn cả người và chiếc xe máy vào gầm xe. Cái chết tức tưởi ấy là nỗi ám ảnh khó phai mờ trong tâm trí tôi”, ông Bình nói khi tôi hỏi lý do nào khiến ông tự nguyện hiến đất tổ tông để làm đường.

Không chỉ ám ảnh về vụ tai nạn ấy, nhà ông Bình nằm đối diện một Trung tâm y tế nên cứ thỉnh thoảng lại chứng kiến cảnh người đi đường nháo nhào đưa nạn nhân bị tai nạn vào đây cấp cứu. Mỗi lần nghe thấy những âm thanh hoảng loạn ấy lại khiến ông Bình nhoi nhói trong tim.

Nằm cách không xa nhà ông Bình là gia đình chị Trần Thị Hiền. Gia đình chị cũng tự nguyện lùi sâu phần đất sổ đỏ, là đất tổ tiên để lại nhiều đời nay để làm đường mà không lấy một đồng đền bù nào. Chị Hiền bảo: “Gia đình đã ở trên mảnh đất này nhiều đời nay. Khi các con trưởng thành, bố mẹ chia ra làm ba khuôn đất, mỗi khuôn có mặt tiền 6m cho anh em trong nhà. Khi chính quyền vận động hiến đất, anh em đã họp bàn với nhau. Cũng có người lăn tăn. Thế nhưng, suy đi tính lại, nếu gây khó khăn, đòi hỏi này kia, biết bao giờ mới có đường mới. Con đường cũ đã quá xuống cấp, cứ vào mùa mưa là bị ngập úng đến ngang dóng chân. Vì thế, cuối cùng tất cả anh chị em đã thống nhất hiến đất, mở đường”.

Ông Trần Hữu Bình (bên trái) đã hiến hơn 20m2 đất sổ đỏ của gia đình để làm đường

Vận động người dân trước

Ngồi trước cửa phòng làm việc trong lúc “trà dư tửu hậu”, câu chuyện phảng phất triết lý, ông Giám đốc Ban QLDA thổ lộ câu chuyện về cách thức vận động người dân hiến, góp đất làm đường. Ông Hảo cho biết: “Người Việt mình vốn rất chi li nhưng cũng rất tình cảm, luôn có tâm lý “mời nhau ăn cỗ, đánh nhau chia phần”, tức là có thể không tính toán gì nhưng đã chia nhau thì phải sòng phẳng. Vì thế, trước bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn nên ngay từ khi xác định thực hiện hai dự án này, UBND tỉnh đã chủ trương vận động người dân hiến, góp đất làm đường”.

Ở một góc nhìn khác, ông Phạm Văn Quyết, Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản lại cho rằng, quá trình vận động, tuyên truyền cho người dân hiểu tầm quan trọng và lợi ích của dự án đối với chính cuộc sống của họ là yếu tố quyết định.

“Thực tế ngay trong chính sách GPMB hiện cũng có nhiều cách hiểu khác nhau, mức bồi thường, hỗ trợ đối với nhiều loại đất, theo từng giai đoạn lịch sử khác nhau. Ngay đội ngũ làm công tác GPMB đôi khi cũng chưa hiểu thấu đáo, dẫn đến thực hiện và giải thích cho người dân chưa rõ ràng dẫn đến khiếu kiện, chây ỳ. Thế nhưng, với cách làm tại hai dự án này, tất cả đều như nhau, không có sự so bì gì hết nên tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao. Lúc đầu, không phải tất cả các hộ gia đình đều ngay lập tức ủng hộ chủ trương này. Thế nhưng, khi đa số người dân đã ủng hộ việc vận động số ít còn lại dễ hơn nhiều”, ông Quyết chia sẻ.

Là người trực tiếp đi vận động người dân tại thị trấn Gôi hiến, góp đất làm đường, ông Trần Ngọc Phong, Phó Chủ tịch UBND Thị trấn Gôi chia sẻ một cách làm không giống ai, bởi công thức trong các cuộc vận động thường là “cán bộ, Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” nhưng ông Phong cho biết: “Chúng tôi xác định phải vận động người dân trước bởi bà con đã đồng ý, thông suốt rồi thì không có lý nào cán bộ, Đảng viên không theo”.

Tin nổi bật