Báo An Ninh Thủ Đô dẫn thông tin từ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, sản phụ sinh năm 1995, mang thai lần đầu, nhập viện trong tình trạng vỡ ối non ở tuần thai thứ 31, nhiễm trùng nặng nhưng cổ tử cung vẫn đóng chặt.
Tình huống buộc các bác sĩ phải mổ cấp cứu lấy thai. Bé trai chào đời trước với cân nặng 1,5kg. Trong khi đó, bé gái vẫn còn trong bọc ối, các bác sĩ phải rạch túi nước ối đưa ra ngoài, nặng 1,6kg.
Sau khi chào đời, cả hai bé được bọc túi ngay để tránh hạ thân nhiệt, rồi được chuyển khoa Sơ sinh nuôi trẻ non tháng. Hiện tại, sức khỏe của hai em bé đều ổn định.
Bé gái vẫn còn trong bọc ối, các bác sĩ phải rạch túi nước ối đưa ra ngoài. Ảnh: VietNamNet
Được biết, túi ối đóng vai trò như nơi trú ngụ và nuôi dưỡng thai nhi. Một túi ối có 2 lớp bọc, được gọi là màng ối và màng đệm. Nước ối có màu nhờ và trong, giúp thai nhi trôi nổi, cử động dễ dàng.
Thông thường khi chuyển dạ, cổ tử cung của sản phụ đã mở, tạo áp lực tương đối lớn cho buồng ối khiến màng ối sẽ vỡ, nước ối chảy ra ngoài. Với sản phụ sinh mổ, túi ối cũng có thể bị vỡ do thao tác của bác sĩ phẫu thuật.
Tình trạng màng ối được giữ nguyên vẹn cho đến khi trẻ sinh ra rất hiếm gặp. Những trường hợp đẻ bọc điều là do túi ối dày và dai hơn bình thường, trẻ sinh non hoặc sản phụ có tử cung giãn và mềm, ca sinh đa thai. Trẻ chào đời trong túi ối còn nguyên còn được gọi là "đẻ bọc điều".
Vì được bao bọc và bảo vệ hoàn toàn bởi màng ối trong suốt ca sinh nở, trẻ ra đời còn nguyên bọc ối không gặp nguy cơ nào. Sau khi bọc ối chứa thai nhi được sinh ra, bọc sẽ tự vỡ. Nếu không vỡ thì các bác sĩ sẽ rạch túi ối, cho nước thoát ra, bóc lớp màng ối ra khỏi người em bé. Tiếp đó, các bác sĩ sẽ cắt dây rốn, tiếp tục các thủ tục chăm sóc sau sinh.
Chia sẻ trên VietNamNet, bác sĩ Nguyễn Trung Đạo ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội nói "đẻ bọc điều" rất hiếm gặp, chiếm tỷ lệ 1/80.000 ca sinh nở. Ca song thai mà có một bé chào đời với toàn bộ cơ thể vẫn nằm nguyên trong bọc ối càng hiếm gặp hơn.
Đinh Kim (T/h)