Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hi hữu người đàn ông không biết chữ vẫn là "thần y"

(DS&PL) -

“Người bị ung thư vú, bướu cổ, có nhiều biến chứng khác nhau ở từng giai đoạn bệnh khác nhau thì khó một tý thôi, còn chữa gãy xương thì chữa dễ lắm...".

“Người bị ung thư vú, bướu cổ, có nhiều biến chứng khác nhau ở từng giai đoạn bệnh khác nhau thì khó một tý thôi, còn chữa gãy xương thì chữa dễ lắm...".

Những người không may bị tai nạn, hay mắc bệnh về ung thư vú, bướu cổ, dạ dày, đại tràng, viêm phổi, bệnh gan làm người phù nề sưng to... tìm đến đều được ông tận tình thăm khám và cứu chữa. Đặc biệt là những ca bệnh liên quan đến gãy xương, liền cơ, ông có thể “chữa cho ai khỏi người đó, không hỏng lần nào”.

Bị tẩy chay vì đi ngược tục truyền

Làng Làm, xã Kiến Thiết, Yên Sơn, Tuyên Quang lâu nay chỉ duy nhất có ông Vàng Seo Dìn (SN 1957) tinh thông bệnh tật, chữa bệnh giúp người mà không đòi hỏi công, của, bồi dưỡng của người bệnh.

Ai cảm ơn sao, ông nhận vậy, còn hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông chữa trị miễn phí. Bởi thế, dù chưa từng học qua trường lớp đào tạo về y học nhưng người khắp vùng vẫn ưu ái gọi ông là thầy thuốc, là “thần y”.

Đến xã Kiến Thiết, hỏi về ông Dìn Mông (ông Dìn, người dân tộc Mông – PV), ai cũng biết. Thế nhưng để chữa bệnh thì dễ mà để viết về ông thì cực khó bởi người nông dân không nhận mình có tài, chỉ là chữa bệnh giúp người, “là lẽ thường tình ở đời, có gì để khoe khoang”.

Hơn nữa, người Mông có một lệ tục bất thành văn là không muốn người khác quá coi trọng tài năng của mình. Họ rất khiêm tốn, giản dị, cái bụng nghĩ thẳng tưng như cái ruột ngựa. Những gì họ đã không thích thì có chết họ cũng không mở lòng. Bởi vậy, phải qua rất nhiều liên hệ, nhờ cán bộ xã giải thích cặn kẽ làm “bình phong” niềm tin, tôi mới có được một cuộc trò chuyện thân tình.

Chân dung “thầy thuốc của nhân dân”, ông Vàng Seo Dìn.

Bằng ngôn ngữ tiếng Kinh không thật sõi, thi thoảng lại quên, lại quen miệng nói thêm vài câu tiếng Mông, ông Dìn tạo cho tôi một cảm xúc rất lạ khi nói chuyện. Ông cười thoải mái mà liên tục từ chối: “Tao không phải thầy thuốc, bác sỹ gì đâu. Tao không có tài đâu. Tao chỉ  chữa bệnh giúp đỡ mọi người thôi”.

Ông kể, trước đây gia đình nghèo lắm, cuộc sống quá cơ cực, lao động chân tay khiến người hay bị gãy xương, sai khớp. Tiên tổ lâu đời đã tự mày mò những cây lá trên rừng làm thuốc, đắp vào vết thương. Thế mà chữa được lành bệnh, đời nọ truyền dạy lại đời kia.

Đặc biệt, dòng họ của ông từ lâu đã có một lời nguyền: “Không được mang bài thuốc gia truyền chữa bệnh cho người ngoài họ. Người nào làm trái sẽ phải trả giá bằng cái chết. Lịch sử dòng họ chưa từng có ai dám làm trái điều đó”.

Ông Dìn nhớ lại, vào khoảng năm 2002, ông bắt đầu được cha đẻ của mình truyền dạy bài thuốc lá chữa gãy xương, liền gân cơ, chính thức “tiếp quản” vị trí “thầy thuốc của dòng họ”. Ông đã tự học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, phát triển bài thuốc gia truyền với nhiều vị thuốc khác nhau, chữa khỏi nhiều bệnh cho mọi người hơn cả những gì mà cha ông dạy lại.

Vào cuối năm 2013, có một sự kiện đã tạo bước ngoặt lớn trong đời ông, thành một dấu ấn không thể quên. Đó là việc gia đình ông bị cả dòng họ từ mặt. Với 10 đứa con nheo nhóc, vợ chồng ông xưa nay chỉ làm nương làm rẫy, cuộc sống đã cơ cực nay lại bội phần khó khăn trước sự cách ly của người trong họ.

Đến bây giờ, ông không thể quên được trường hợp của Đào Anh Vũ, lúc đó chừng 20 tuổi, con ông Đào Thanh Nghị, người dân tộc Kinh ở xóm Cây đa, xã Trung Thực, Yên Sơn khi đang làm việc trong lò gạch thì không may bị sập lò, gãy xương. Nhà nghèo, không có tiền đi bệnh viện, ông Thanh buồn rầu đứng nhìn con mình chờ chết mà không biết làm gì.

Biết nhà họ Vàng, người Mông có bí quyết gia truyền từ lâu nhưng chưa bao giờ có tiền lệ chữa cho người ngoài họ, bước đường cùng, ông Thanh vẫn quyết tâm tìm đến nhờ sự giúp đỡ.

Sau khi nghe về gia cảnh nhà ông Thanh, lại đến chứng kiến một người đang hấp hối giữa tuổi xuân, tình người trong ông Dìn được dịp trỗi dậy, chiến thắng mọi nỗi sợ hãi. Bất chấp sự van xin của vợ con, bất chấp những đe dọa của người thân và trong họ, ông Dìn vẫn quyết định làm mâm cơm đạm bạc dâng tổ tiên, xin phép được mang bí quyết gia truyền đi cứu sống một con người.

Và, sự kỳ diệu đã xảy ra khi ông chữa lành vết thương cho Vũ. Lời nguyền năm xưa của dòng họ được hóa giải bằng lòng tốt và tình “thương người như thể thương thân”. Từ đó, ông Dìn quyết tâm mang bài thuốc quý chữa bệnh cho tất cả mọi người. Dần dần, lòng biết ơn của những người bệnh mà ông chữa khỏi đã cảm hóa những cái đầu khó tính nhất trong dòng họ.

Ông Dìn là người đầu tiên phá vỡ tục lệ khắt khe, lạc hậu để trở thành một “thầy thuốc” của nhân dân khắp vùng như ngày nay.

“Thần y” đang băm cây mới đi rừng lấy về để chế thuốc lá chữa cho người bệnh.

Bệnh nhân thì chẳng có ai sang, ai hèn

Thấm thoắt 10 năm trôi qua, ông Dìn không còn nhớ mình đã từng chữa khỏi bệnh cho bao nhiêu người, chỉ áng chừng được con số hơn vài trăm qua các vết dao trên cột nhà mà ông chém lên mỗi lần chữa khỏi cho một ca bệnh.

Bệnh nhân của ông đa số là người trong xã, trong huyện. Dần dần, “tiếng lành đồn xa”, người từ huyện Chiêm Hóa sang, từ thị xã Tuyên Quang về, thậm chí nhiều người ở Hà Nội và các tỉnh khác khi nghe tiếng ông cũng tìm đến và đều được ông chữa trị giúp.

Mặc dù cuộc sống gia đình phải lo cái ăn từng bữa, tình cảm vợ chồng cũng có lúc “xô” như lá cây rụng ngoài rừng vì những chuyện cơm áo gạo tiền, nhưng tuyệt nhiên ông Dìn không kinh doanh trên bài thuốc quý của cha ông để lại. Vì vậy, người khắp vùng ưu ái gọi ông là thầy thuốc mà chưa bao giờ ông chịu công nhận điều đó. Chỉ cần người ốm, khỏe lại là ông vui.

Bài thuốc của ông Dìn rất đơn giản chỉ là thuốc lá tự kiếm từ trên rừng mang về pha chế. Lá thuốc chỉ dùng được khi còn tươi nguyên, hơn nữa lá lại mọc chậm nên ông đã phải dồn hết tâm sức vào công việc của mình, sáng tạo tự gây giống và phát triển cây thuốc, làm sao chữa càng được nhiều thì càng tốt. Mỗi khi khách đến, ông kết hợp kể bệnh và thăm khám rồi tự mình lên rừng lựa thuốc về chữa trị.

Nhiều loại cây thuốc mảnh mai, khô cằn lẫn vào vách núi đá, phải tinh mắt lắm, thành thạo lắm mới phát hiện được đúng. Vị thuốc được chế tỉ mỉ, cẩn thận, mỗi ca một khác.

Có khi cùng là một bệnh nhưng phải căn cứ vào cơ địa từng người để pha chế, tăng giảm các vị lá thuốc cho phù hợp.  Những ca bệnh của ông đa số là do tai nạn, gãy xương, có cả ung thư vú, bệnh liên quan đến dạ dày, tá tràng, gan...

Ông Dín hồ hởi cho biết: “Người bị ung thư vú, bướu cổ, có nhiều biến chứng khác nhau ở từng giai đoạn bệnh khác nhau thì khó một tý thôi, còn chữa gãy xương thì dễ lắm. Tao chữa cho thằng nào được thằng ấy luôn, không hỏng thằng nào. Bệnh chữa khó nhất là vô sinh của đàn bà, có khi chữa 10 người thì chỉ chữa khỏi được cho 5 người thôi”.

Bất cứ ai đến nhờ, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, cứ chữa được là ông hết lòng cứu giúp. Nhiều người bị bệnh viện trả về, khi tìm đến ông, được khỏe ra. Đến bây giờ, người tìm đến “thầy thuốc” Dín Mông ngày càng đông hơn, phạm vi chữa trị ngày càng được mở rộng.

Thường mỗi ngày, có 5 – 6 người chờ đợi để được thăm khám và bốc thuốc. Ngày chủ nhật thì đông hơn, không đi đâu được, chỉ ở nhà chữa bệnh thôi.

Ông chia sẻ: “Chữa bệnh thì không có gì khó. Cứu giúp được một người là vui lắm. Làm phúc thì không bao giờ khó”.

Cuộc sống gia đình ông Dín nay nhờ phúc lộc của tổ tiên để lại đã khá hơn rất nhiều. Tám đứa con ông đã yên bề gia thất, chỉ còn hai đứa con trai sống với bố mẹ. Người đến chữa bệnh, ông không lấy tiền nhưng hầu như ai cũng có ý thức cảm ơn, không tiền thì vật chất, đồ dùng, lương thực, thực phẩm.

Ban đầu, ông không nhận nhưng người ta cứ để lại thì thành quen, quen thành lệ. Tuy nhiên, điều quý giá nhất với thầy lang vườn Vàng Seo Dìn có lẽ là được người dân khắp vùng biết đến và khâm phục không chỉ tài năng mà còn là đức độ của một “từ mẫu”.

Theo Người đưa tin

Tin nổi bật