Theo Daily Mail, các bác sĩ ở Đại học Pikeville (Kentucky, Mỹ) đã trình bày chi tiết về một trường hợp hiếm gặp trên Tạp chí Oxford Medical Case Reports, trong đó nước tiểu của bệnh nhân chuyển sang màu tím đậm do biến chứng nhiễm trùng bàng quang.
Cụ thể, người bệnh là một cụ bà 76 tuổi giấu tên bị suy tim, suy thận và ung thư bàng quang. Bệnh nhân phải nhập viện và được đặt ống thông tiểu để đưa nước tiểu ra ngoài.
Chứng nhiễm trùng đường tiết niệu đã thúc đẩy một phản ứng sinh hóa tạo ra các sắc tố màu xanh và đỏ trong nước tiểu của người phụ nữ, khi bị oxy hóa trong ống thông sẽ chuyển sang màu tím sẫm.
Các bác sĩ đã đưa ra chẩn đoán về hội chứng túi nước tiểu màu tím (PUBS), xảy ra ở 42% người bệnh được nối với ống thông trong một thời gian dài. Một phản ứng hóa học trong gan tạo ra sắc tố chàm và đỏ. Những sắc tố này kết hợp với nhau và bị oxy hóa sẽ chuyển sang màu tím trong túi tiết niệu.
Túi đựng nước tiểu của người bệnh chuyển sang màu tím đậm sau 4 ngày nằm viện.
Được biết, hội chứng túi nước tiểu màu tím thường là một biến chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI). Ở trường hợp của bệnh nhân 76 tuổi, túi đựng nước tiểu và ống thông đã chuyển sang màu tím. Tuy tình trạng này đa phần đều lành tính nhưng màu tím đậm có thể khiến bệnh nhân, gia đình và cả bác sĩ lo lắng.
Hội chứng nói trên lần đầu tiên được mô tả lâm sàng vào năm 1978. Hiện tượng nước tiểu mau tím là kết quả của một quá trình sinh học gồm nhiều bước trong ruột. Tuổi tác, sức khỏe yếu, là phụ nữ và bị suy thận, nước tiểu có tính kiềm và táo bón là những yếu tố nguy cơ chính.
Nước tiểu màu tím thường báo hiệu cho các bác sĩ rằng bệnh nhân bị nhiễm trùng đường tiết niệu nhưng không phải trường hợp nào cũng vậy. Theo các bác sĩ, đa số trường hợp mắc hội chứng túi nước tiểu màu tím sẽ không sao nhưng nhóm người suy giảm miễn dịch dễ bị bệnh nặng.
“Những bệnh nhân lớn tuổi và nằm liệt giường với nhiều bệnh đi kèm thường phải đặt ống thông tiểu trong thời gian dài. Việc này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tiểu. Khả năng họ nhiễm vi khuẩn hiếm gặp có thể gây ra hội chứng túi nước tiểu màu tím nhiều hơn”, các bác sĩ viết trong báo cáo.
Đối với nữ bệnh nhân 76 tuổi, bà vốn có tiền sử lâu dài mắc các bệnh nghiêm trọng, gồm suy tim sung huyết, bệnh thận mạn tính và ung thư bàng quang. Bà đến bệnh viện vì gặp tình trạng khó thở liên quan đến các vấn đề về tim mạch.
Để dẫn lưu bàng quang cho bệnh nhân, các bác sĩ đã đặt một ống thông và điều trị bằng thuốc nhằm giảm sưng do suy tim sung huyết. Sau 4 ngày nằm viện, túi đựng nước tiểu của người bệnh chuyển sang màu tím đậm.
Thử nghiệm bằng que nhúng cho thấy nước tiểu của bệnh nhân có tính kiềm cực cao với độ pH là 8,5 – dấu hiệu cho thấy thận hoạt động không bình thường. Bên cạnh đó, người bệnh cũng có nồng độ vi khuẩn Proteus mirabilis cao. Đây là một nguyên nhân phổ biến dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu phức tạp.
Sau khi tình trạng táo bón được giải quyết và áp dụng liệu trình kháng sinh kéo dài 5 ngày, bệnh nhân đã được xuất viện đến một cơ sở điều dưỡng với các khuyến nghị của bác sĩ chuyên khoa thận và bác sĩ tiết niệu.
Đinh Kim (Theo Daily Mail)