Thông minh, tài giỏi là vậy nhưng ít ai ngờ rằng, Thomas Edison từng có một tuổi thơ đầy sóng gió. Thiên tài khoa học của nhân loại bị đuổi học vì "loạn trí" và lơ đãng trong lớp.
Nhà khoa học Thomas Edison. |
Thomas Edison là một trong những nhà khoa học, nhà phát minh người Mỹ có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20. Ông được người đời ca ngợi là vĩ nhân nhờ một loạt phát minh nổi tiếng như bóng đèn, máy hát, máy ghi âm...
Trước khi qua đời ông có khoảng 1500 bằng sáng chế. Trong đó có 1.093 bằng sáng chế tại Mỹ dưới tên ông và các bằng sáng chế khác ở Anh Quốc, Pháp, và Đức.
Thế nhưng ít ai ngờ rằng, hồi nhỏ, Edison từng bị cho là có vấn đề về thần kinh và chậm phát triển vì 4 tuổi mới biết nói.
Dù có vẻ ngoài kháu khỉnh, đáng yêu nhưng tuổi thơ của Edison lại bị nhiều người ghét bởi... hỏi quá nhiều. Trong khi những đứa trẻ khác còn đang ham chơi thì Edison lại luôn tò mò về mọi thứ xung quanh và muốn hiểu thấu đáo.
Thầy giáo của Edison thậm chí từng than phiền: "Edison không chịu học hành mà luôn làm phiền người khác bằng những câu hỏi chẳng đâu vào đâu. Hôm qua cậu ta còn hỏi: Tại sao 2 cộng 2 lại bằng 4? 2 cộng 2 tất nhiên là bằng 4, lại còn hỏi vớ vẩn gì nữa. Cậu ta chỉ làm ảnh hưởng xấu đến các bạn khác mà thôi!".
Vào một ngày đẹp trời vào những năm 1854 - 1855, khi cậu bé Thomas mới khoảng 7 tuổi. Hôm ấy, Thomas chạy từ trường về nhà và nói với mẹ: “Mẹ, thầy giáo bảo con đưa cho mẹ cái này”.
Bà Nancy Elliott cẩn thận mở ra đọc, bên trong là lá thư của giáo viên chủ nhiệm gửi phụ huynh em Thomas. Bỗng nước mắt bà giàn giụa khiến cậu bé Thomas đứng ngẩn người ra vì kinh ngạc, cậu hỏi mẹ rằng thầy giáo đã viết gì trong đó? Ngập ngừng một lát, bà Nancy đọc to lá thư cho con trai mình:
“Con trai của ông bà là một thiên tài! Nhưng ngôi trường này quá nhỏ, các giáo viên của chúng tôi cũng không có đủ năng lực để dạy dỗ cậu bé. Bởi vậy, xin ông bà hãy tự kèm cặp con trai mình”.
Như vậy, chỉ sau 3 tháng nhập học trường Port Huron, bang Michigan, Mỹ, Edison được mẹ cho ở nhà để bà tự dạy học. Nhiều năm sau đó, bà Nancy qua đời, còn Edison lại trở thành nhà phát minh vĩ đại nhất mọi thời đại.
Một ngày nọ, Edison bỗng phát hiện ra tờ giấy được xếp nhỏ, cất kĩ trong ngăn bàn. Mở ra đọc, Edison không khỏi ngạc nhiên khi thấy đó chính là thư của người thầy giáo năm xưa nhưng những dòng chữ trong đó lại là: "Con trai ông bà là đứa trẻ bị loạn trí. Chúng tôi không chấp nhận cho cậu bé đến trường nữa".
Edison đã khóc rất nhiều và ông quyết định ghi vào quyển nhật ký của mình rằng: "Thomas Alva Edison là đứa trẻ đần độn. Nhờ người mẹ anh hùng mà đã trở thành thiên tài của thế kỷ".
Về sau, Edison còn phát biểu rằng: "Mẹ đã làm nên tôi. Bà tin tưởng và chắc chắn về tôi, khiến tôi cảm nhận rằng mình có lý tưởng để sống và ai đó không thể để họ thất vọng".
Edison được giáo dục tại nhà dưới sự hướng dẫn của mẹ sau khi rời trường học. |
Chính tình yêu và sự hy sinh vĩ đại của người mẽ đã nâng đỡ và đánh thức tiềm năng trong Edison, gieo vào ông những hạt giống của niềm tin để chúng nảy nở, đơm hoa, rồi kết trái. Và nếu không có một người mẹ như bà Nancy Elliott, có lẽ nhân loại chúng ta sẽ vắng bóng những chiếc bóng đèn điện, những chiếc máy quay đĩa, máy chiếu phim, máy ghi âm, và hàng ngàn phát minh ưu việt khác.
Matthew Josephson, tác giả cuốn tiểu sử về Edison, viết về bà Nancy: “Bà không ép buộc hay khuyên con trai học hành. Bà chỉ cố gắng kích thích sự hứng thú của con bằng cách đọc cho con nghe những tác phẩm văn học xuất sắc. Bà ấy là một người mẹ tuyệt vời”.
Thiên tài Albert Einstein từng nói: "Mỗi người sinh ra đều là thiên tài. Nhưng nếu bạn bắt một con cá thể hiện khả năng qua việc trèo cây thì cả đời của nó sẽ sống và tin rằng nó chỉ là một đứa ngốc".
Câu nói này hàm ý mỗi người đều có điểm mạnh riêng và trẻ nhỏ cũng như vậy. Thay vì chỉ trích, nhìn vào điểm yếu, chúng ta hãy tìm ra điểm mạnh của trẻ và từ đó trau dồi, phát triển ưu điểm đó. Bên cạnh đó, trẻ có thành tích học tập kém chưa hẳn đã do ngu dốt mà bởi chưa được giáo dục theo phương pháp phù hợp, đúng cách. Chính vì vậy, tiềm năng của trẻ chưa được phát huy, tỏa sáng.
Mộc Miên (T/h)