Phi công lái máy bay chiến đấu F-35A của không quân Nhật Bản rơi xuống Thái Bình Dương hôm 9/4 được cho là đã gửi đi thông báo muốn “huỷ bài tập huấn luyện”.
Nhật Bản vẫn đang tìm kiếm phi công F-35A sau vụ tai nạn. Ảnh minh hoạ: Nikkei Asian Review |
Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang mở một cuộc điều tra để xác định nguyên nhân vụ tai nạn máy bay chiến đấu F-35A. Kết quả sơ bộ cho thấy phi công đã gửi đi thông báo trước khi máy bay rơi, nói rằng anh phải “hủy bài tập huấn luyện”. Các quan chức quân đội Nhật Bản cũng nói rằng họ không nhận được bất kỳ tín hiệu nào cho thấy hệ thống khẩn cấp - cho phép phi công sử dụng ghế phóng và thoát hiểm khỏi buồng lái, từ đó nhảy dù ra ngoài trong tình huống nguy hiểm được kích hoạt. Nghĩa là phi công không có đủ thời gian để rời khỏi ghế thoát hiểm trước khi máy bay lao xuống biển.
Lực lượng Phòng vệ Không quân Nhật Bản (JASDF) cũng đã yêu cầu sự hợp tác của quân đội Mỹ để tìm kiếm phi công mất tích. "Tôi muốn làm mọi việc có thể để ngăn chặn tai nạn tương tự tái diễn trong tương lai", Bộ trưởng Quốc phòng Takeshi Iwaya nói với các phóng viên.
Máy bay phản lực bị rơi là một trong bốn chiếc F-35A cất cánh từ căn cứ không quân Misawa ở tỉnh Aomori. Nó biến mất khỏi radar của JASDF sau đó khoảng 25 phút tại khu vực cách căn cứ trên Thái Bình Dương 135 km, ông Iwaya xác nhận.
Tình trạng của phi công - một thiếu tá ở độ tuổi 40 với kinh nghiệm 3.200 giờ bay (trong đó có 60 giờ bay với F-35A) vẫn chưa được xác định rõ ràng. Ủy ban điều tra sẽ thẩm vấn 3 phi công khác tham gia cuộc tập trận.
Đây là lần đầu tiên một chiếc F-35A trên toàn thế giới bị rơi. Nhật Bản đã đình chỉ 12 máy bay chiến đấu khác sau vụ tai nạn. Các máy bay phản lực được điều đến Misawa từ tháng 1/2018. Chiếc máy bay bị rơi là chiếc được giao đầu tiên, lắp ráp tại một cơ sở công nghiệp nặng của Mitsubishi ở tỉnh Aichi bằng thiết bị của Mỹ.
F-35 do tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ sản xuất là vũ khí đắt đỏ nhất trong lịch sử Mỹ. Hơn 320 chiếc F-35 đang hoạt động tại 15 căn cứ của Mỹ trên toàn thế giới. Tuy nhiên, F-35 được cho là tồn tại tới gần 1.000 lỗi.
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo Nikkei)