Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hậu vận những người trúng số (Kỳ 12): Đại gia trúng 8 vé số độc đắc phải sống bám nhà vệ sinh

(DS&PL) -

Khi trở nên giàu có, vị đại gia này bắt đầu tiêu xài hoang phí. Cộng thêm bản tính “háo sắc”, tiền bạc trúng số đã lần lượt đội nón ra đi theo những cuộc tình chóng vánh.

Nói đến câu chuyện đời bi hài của “đại gia” M.(51 tuổi), người dân ở khóm 4, thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau ai cũng có thể kể vanh vách. Cách đây gần chục năm, ông từng trúng liền 8 tờ vé số độc đắc và nhanh chóng phất lên, sống rất vương giả. Thế nhưng, khi trở nên giàu có, vị đại gia này bắt đầu tiêu xài hoang phí. Cộng thêm bản tính “háo sắc”, tiền bạc trúng số đã lần lượt đội nón ra đi theo những cuộc tình chóng vánh. Kết cục tiền hết, tình tan… ông lại phải quay về với kiếp sống cơ hàn và mưu sinh bằng cách “thầu” thu phí nhà vệ sinh ở Bệnh viện huyện Đầm Dơi.

Phút chốc “lên đời” nhờ vé số

Trúng độc đắc là niềm mơ ước của bất kỳ ai ngày ngày vẫn bỏ tiền ra mua “số may mắn”. Trong số những người phút chốc may mắn trở thành đại gia, nhiều người biết tiết kiệm, đầu tư tích luỹ nên có được cuộc sống khá an nhàn.

Nhưng ngược lại, khi thực hiện loạt bài này, chúng tôi cũng từng chứng kiến không ít trường hợp coi tiền tỷ có được từ trúng số như… “tiền chùa” nên ăn tiêu thả cửa. Đến lúc trắng tay, họ mới cảm nhận được hết dư vị cay đắng khi trở về kiếp sống nghèo hèn. Chuyện về “đại gia miệt vườn” M. là một ví dụ điển hình cho bi kịch “giấc mơ trưa” của những đại gia vé số.

Đại gia vé số M. 

Từ bận ấy, cuộc đời ông M. bắt đầu rẽ sang một trang khác. Có trong tay bạc tỷ, ông M. bắt đầu tính chuyện làm ăn lớn cho xứng tầm với cái mác “đại gia”. Nghĩ là làm, sau khi tìm hiểu cách làm ăn của những người giàu có, ông quyết định bỏ tiền ra mua 4 chiếc xe ô tô 16 chỗ để chuyên chở khách. Chẳng mấy chốc, ông trở thành ông chủ trong lĩnh vực vận tải, sở hữu cùng một lúc cả dàn ô tô xịn, tiền vô như nước khiến cho người dân ở thị trấn bé nhỏ phải “mắt tròn mắt dẹt”.

Theo một người dân ở huyện Đầm Dơi, ông M. trước đây cùng vợ con sống bằng nghề buôn bán nhỏ trước cổng bệnh viện của huyện. Nhờ chí thú làm ăn, kinh tế gia đình cũng thuộc loại khá giả so với người dân trong vùng. Lúc đó, ông còn sắm cả ca nô để phục vụ chuyên chở bệnh nhân có nhu cầu chuyển viện lên tuyến trên. Cuộc sống cứ thế êm đềm trôi đi cho tới một ngày, ông M. tình cờ trúng liền bộ 8 tờ vé số độc đắc.

Thủa còn buôn thúng bán mẹt, gia đình ông M. sống trong căn nhà nhỏ trước cổng bệnh viện huyện Đầm Dơi. Nhưng sau thành đại gia, ông M. tìm mua một căn nhà mặt tiền ngay tại trung tâm huyện để ở cho hoành tráng, đồng thời dùng luôn căn nhà để làm trạm giao dịch cho công ty vận tải của mình cho tiện việc kinh doanh. Những điều đó cho thấy ông M. rất nhạy bén và có tầm nhìn trong kinh doanh.

Thời điểm ông quyết định đầu tư trong lĩnh vực vận tải thì đường giao thông tỉnh nối liền huyện còn chưa xong, chỉ mới được đổ đá. Bởi thế, nhiều người vẫn cười nhạo ông không biết tính toán, mua xe nay chạy mai đắp mền bỏ xó. Thế nhưng, không lâu sau đó, tuyến đường giao thông huyết mạch của huyện được hoàn thành trước thời hạn.

Lúc này, nhu cầu đi TP.HCM của người dân tăng cao, các tuyến xe của ông M. đã có sẵn để phục vụ với giá cả hết sức hợp lý nên rất đông khách. Khi ấy, nhiều người lại quay sang khen ông biết làm ăn, đồng thời “tiên đoán” ông M. sẽ sớm trở thành đại gia máu mặt nhất nhì của huyện Đầm Dơi.

Nhưng chuyện đời khó ai biết được chữ ngờ. Công việc làm ăn phát đạt, tiền bạc đổ về càng nhiều thì cũng là lúc ông M. sinh ra đổ đốn. Sẵn gia sản kếch xù trong tay, đại gia vé số này bèn vung tiền tuyển “người giúp việc đặc biệt” trong nhà mình.

Cho đến bây giờ, người dân địa phương vẫn kể lại giai thoại rằng: Ngày ấy, các cô gái muốn được ông M. tuyển làm “giúp việc” phải đáp ứng được hai tiêu chuẩn: trẻ và đẹp. Với tiêu chuẩn ấy, xung quanh phục vụ đại gia M. lúc nào cũng có dăm ba cô gái tuổi 19, 20 phơi phới sức xuân. Thế nhưng, những cô gái này cứ thi thoảng lại bị vợ của ông M…. “giảm biên chế” đột ngột. Lý do của sự bất thường này thì không cần nói ra, những người dân xung quanh cũng tự hiểu.

Sau khi sa thải hàng loạt cô giúp việc trẻ trung, bà vợ quay sang quản lý, tối ngày sát sao chồng như “hình với bóng”. Không chịu thua, ông M. lại chuyển hướng, tự dành cho mình một chân tài xế trong đội xe để thường xuyên được… biến mất khỏi nhà. Rong ruổi trên những cung đường bát ngát, không phải chịu sự kiểm soát của vợ, ông thoải mái “trêu hoa ghẹo nguyệt” rồi dùng tiền thiết lập “căn cứ” ở khắp hành trình từ Cà Mau lên TP. HCM.

Từ những cô gái địa phương tới khách đi xe, mỗi khi nhìn thấy phụ nữ đẹp thì lòng ông lại xao xuyến, tìm đủ mọi cách lân la làm quen, tán tỉnh. Và để nhanh chiếm được cảm tình của các người đẹp thì ông M. phải chi nhiều tình phí.

Đại gia… đi trông nhà vệ sinh

Sự xuống dốc của đại gia miệt vườn này càng diễn ra nhanh chóng, khi ông “bập” vào mối tình với một thiếu nữ Sài Gòn xinh như mộng. Để chiều ý người đẹp, vị đại gia này phải chi tiền nhiều vô kể. Một người dân ở gần nhà ông M. trước đây (xin giấu tên – PV) tiết lộ, chính vì phải chu cấp quá nhiều tiền cho “phòng nhì” tại TP. HCM mà vợ chồng ông M. không ít lần xảy ra mâu thuẫn.

Có lần, ông M. bỏ tiền ra mướn nhà đẹp, mua than đước lên cho “người đẹp” sinh nở thì bị bà vợ phát hiện. Lần ấy, vợ chồng vị đại gia “cự” nhau căng thẳng đến nỗi chính quyền phải có mặt can thiệp. Dù vậy, ông M. không thể bỏ được các “phòng nhì” và “căn cứ” đã lập từ trước nên vẫn cứ phải giấu vợ “chuyển lương” đều đều.

Không từ bỏ được thói trăng hoa, tài khoản của đại gia M. cứ vơi dần, tiền vào như nước nhưng chảy ra cũng chẳng kém gì lũ cuốn. “Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí”, giai đoạn đắm chìm trong những cuộc tình “qua đường” cũng là lúc việc làm ăn dần sa sút. Ngay cả dàn xe khách chạy đường dài, ông M. cũng phải đem cầm cố giải quyết nợ nần.

Sau những chiếc xe, đến lượt căn nhà mặt tiền to đẹp cũng bị gán để khấu trừ cho chủ nợ. Ngày phải thu xếp đồ đạc dọn đi, ông M. rớt nước mắt đưa vợ con trở lại căn nhà nhỏ trước cổng bệnh viện ngày nào. Chuỗi ngày “đế vương” của tỷ phú vé số này kết thúc theo kịch bản mà chẳng một ai ngờ đến.

Nhà vệ sinh công cộng nơi đại gia vé số thủa nào đang thầu để thu phí.

Hỏi thăm một số bà con, chúng tôi được chỉ đến… nhà vệ sinh bệnh viện huyện Đầm Dơi để tìm ông M. Không khó khăn để nhận ra ông M. đang làm việc ở nhà vệ sinh công cộng phía trước bệnh viện.

Anh xe ôm ở đây cho biết: “Ông ấy mới được bệnh viện cho thuê lại để kinh doanh. Cực chẳng đã ông M. mới làm nghề này chứ trước đây giàu lắm, toàn đi xe hơi không à. Tội nghiệp! Nghe đâu bị bể nợ rồi nên mới về đây để kiếm sống vậy mà”.

Điều ngạc nhiên là dường như còn nuối tiếc thời vàng son, phần lớn tiền kiếm được, ông M. lại dùng để mua vé số, hy vọng có ngày “trời lại thương” để lấy lại những gì đã mất. Người dân sống quanh khu vực kể, có ngày vị “đại gia” sa cơ này mua đến cả trăm tờ vé số. Nhưng đến giờ, vận may vẫn chưa thấy “mỉm cười” với ông thêm lần nữa.

Chị H., bán bánh chuối chiên trước cổng Bệnh viện huyện Đầm Dơi kể: “Tội nghiệp ông M., coi vậy chứ ổng tốt với người nghèo lắm, chẳng hạn như tui nè. Trước đây mỗi lần mua bánh ăn, thối tiền ông M. đâu có lấy. Hôm nào ông M. nổi hứng, ra mua hết cả mâm để cho tui được về nhà sớm. Những lúc như vậy, tui mang ơn ổng dữ lắm. Phải chi ông M. biết kiềm chế, đừng ăn xài phung phí thì giờ đây trở thành người giàu có lắm rồi. Có khi, cũng vì tiền vé số không phải lao động bằng mồ hôi công sức nên ông M. xem thường. Dân lao động như tui đây, làm ra được đồng nào là quý dữ lắm...”.

Chính quyền từng hòa giải chuyện ông M. lăng nhăng

Một lãnh đạo khóm 4, thị trấn Đầm Dơi (huyện Đầm Dơi, Cà Mau) cho biết: “Chuyện ông M. trúng vé số cả khu phố này đều biết. Lúc đó, ông ấy cũng làm ăn dữ lắm nhưng sau thì lại trắng tay. Tui cũng nghe nói chuyện ông ấy có thói trăng hoa. Có lần, chính quyền địa phương phải đứng ra hòa giải vì người vợ lên thưa chuyện chồng mình mê gái này khác, sau đó sự việc được giải quyết êm xuôi”.

Phạm Vũ

Tin nổi bật