Vợ bỏ về nhà ngoại vì không thể chịu nổi sự nghèo khổ, sống cảnh gà trống nuôi con trong căn nhà dột nát, số phận của ông Nguyễn Hữu Mười (51 tuổi, ngụ ấp Bình An, xã Long Bình, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) tưởng chừng như gắn liền với kiếp nghèo khổ và sự bất hạnh. Vậy mà, chỉ sau một buổi chiều định mệnh đầy may mắn, người đàn ông miệt vườn vùng sông nước bỗng dưng trở thành tỷ phú xổ số nhờ một cơ duyên kỳ lạ. Không ai ngờ rằng có ngày ông lại cầm trong tay số tiền gần chục tỷ đồng nhờ 5 tờ vé số độc đắc. Và cũng nhờ trúng số mà ông… lại có vợ, gia đình càng hạnh phúc hơn xưa.
Trước khi trở thành một “tỷ phú xổ số” thì người làng ai cũng biết đến hoàn cảnh rất “đặc biệt” của ông. Bởi đã tới tuổi ngũ tuần nhưng cuộc đời ông Mười vẫn nằm trong vòng luẩn quẩn của sự nghèo đói. Hồi đó, nhà ông nằm lọt thỏm trong con ngõ nhỏ xíu ngập nước ở ấp Bình An. Gọi là nhà cho oách chứ kỳ thực nó chỉ là cái chòi sập xệ được chắp vá bằng những mảnh cọ đơn sơ, bên trong cũng không có vật dụng gì giá trị.
Hàng ngày của ông Mười chỉ biết đầm mình với mấy sào ruộng với hi vọng cuối mùa có ít thóc gạo để giải quyết cái đói trong dăm ba tháng, làm gì có tấn này tấn nọ để bán như nhiều nông dân chính hiệu ở vựa lúa miền Nam này. Đêm đến người dân trong ấp lại quá đỗi quen thuộc với hình ảnh ông Mười cầm theo chiếc đèn pin, đi lần mò quanh những khúc sông bắt cua, cá.
Sáng ra một chút, ông mang những thứ đã bắt được ra phiên chợ sớm bán lại cho các chủ sạp, kiếm đôi đồng cho cả gia đình. Quần quật sớm tối như vậy nhưng tính trung bình thu nhập mỗi ngày thì không quá trăm ngàn. Đó là chưa kể những ngày mưa gió lớn quá hoặc ốm yếu không bắt được con gì, mấy bố con đành phải rau cháo cho qua ngày.
Ông Mười đang tâm sự với phóng viên về việc bất ngờ trở thành tỷ phú. |
Nhớ lại thưở hàn vi còn ngụp lặn trong nghèo túng, ông Mười bảo, chẳng hiểu sự đời nó run rủi thế nào mà hàng xóm xung quanh kinh tế ngày càng ổn định, còn mình thì tuổi càng cao, đói nghèo càng bủa vây. Ông kể lại, trước đây khi lấy vợ, gia đình vốn cũng không khá giả nên hai vợ chồng phải đùm bọc lẫn nhau, ngày qua ngày vật lộn với cái đói.
Thấy hoàn cảnh cơ cực, nhiều lần xóm giềng và chính quyền cũng đã giúp đỡ nhưng dường như số phận không hề mỉm cười với ông. Vợ chồng sinh được hai người con, một trai và một gái. Cậu con trai đầu phải nghỉ học khi chưa qua ngưỡng lớp 9, ngược TP.HCM làm thuê, cùng cha mẹ lo toan cuộc sống qua ngày, nhường lại cơ hội cho cô em gái.
Vợ ông thì ở nhà tần tảo với mấy sào ruộng, quanh năm cơ cực nhưng cũng chỉ đủ thóc gạo cho cả nhà trong mười tháng, những tháng giáp hạt phải đi mua hoặc vay mượn rồi mùa sau trả lại.
Cũng chính vì cái đói nghèo cứ như một cái vòng luẩn quẩn mà vợ ông đã không thể chịu đựng thêm, bỏ về nhà bố mẹ đẻ để lại ông một mình nuôi hai con. Tuy rằng, đã nhiều lần tìm sang nhà ngoại nói chuyện “phải quấy” và khuyên về sống nhưng vợ nhất quyết chối từ.
Từ khi vắng bóng bàn tay của người phụ nữ, ông mới cảm nhận được những gian truân vất vả của cảnh “gà trống nuôi con” khó khăn đến chừng nào. Hầu hết các việc lớn nhỏ trong nhà ông đều phải lo toan, gánh vác. Những vất vả ấy chỉ được bù đắp phần nào khi cô con gái luôn có được những thành tích học tập cao, cậu con trai luôn chăm chỉ làm lụng, gửi về cho cha khoản tiền nhỏ hàng tháng để giúp bớt gánh nặng chi phí sinh hoạt gia đình và lo cho việc học của em.
Sự trớ trêu ấy còn đè nặng lên mái ấm của gia đình ông vào năm 2009. Do ảnh hưởng từ một trận lốc xoáy, ngôi nhà vốn đã tồi tàn của ông Mười bị tốc mất nguyên phần mái, mấy cây cột chống cũng gãy tan tành. Mọi đồ dùng, vật dụng trong nhà bị thổi bay, hư hại rất nhiều.
Lần ấy phải nhờ sự giúp đỡ của rất nhiều dân quân và lực lượng bộ đội mới có thể dựng được ngôi nhà tạm của gia đình bằng là dừa như hiện nay. “Vào những hôm trời mưa, mái không đủ che chắn làm trong nhà ngấm nước. Sân ngoài thấp không sửa chữa nên nước từ con kênh gần nhà dâng lên, ngập lênh láng. Ngày nắng thì trong nhà rất nóng nực như cái lò hơi vậy”, ông Mười ngậm ngùi kể.
Kể về cuộc đời của mình trước đây, ông Mười chỉ cười buồn. Hơn nửa cuộc đời, chưa bao giờ ông thôi khỏi bị ám ảnh những câu hỏi giữa cuộc sống đời thường về cảnh “nghèo rách mồng tơi”. Và ông cũng nếm đủ sự khổ nhục của một kẻ mà người ta cho là nghèo, là hèn. Đặc biệt là việc người vợ đầu gối tay ấp đã nỡ bỏ ông ra đi vào những lúc khó khăn. Nhiều lúc, cuộc đời cần một vận may nào đó để thoát khỏi hố đen. Nhưng ông Mười không ngờ vận may của mình lại lớn đến như vậy.
Ông Mười chưa thể quên được cái ngày may mắn hiếm có của mình vào cuối tháng 9/2013. Ông kể, bình thường cũng có mua vé số chơi nhưng chỉ thường chỉ mua 1 tờ mà thôi, cùng lắm là tới tờ thứ 2, bởi bản thân cũng không có tiền mua cái ăn, chứ đừng nói mua vé số. Ấy thế mà không hiểu trời xui thế nào, cái ngày định mệnh ấy ông mua liền nhiều vé.
Lần ấy, trong khi dự đám cưới của con của một người bạn, có một bà bán vé số tới và mời mọi người mua giúp. Ai cũng lắc đầu nói không, duy chỉ có ông là tự dưng nổi hứng mua liền 5 tờ. Lúc đó, ông chỉ thương bà cụ già yếu mà vẫn phải lam lũ nên mua luôn nhiều tờ giúp đỡ chứ không hề nghĩ mua để mong số phận mỉm cười với mình qua xấp vé ấy.
Sau khi trở về nhà với cơn say mèm ông nghủ thiếp đi, lúc tỉnh dậy trời đã tối. Chợt nhớ tới đống vé hồi chiều vừa mua, ông lấy điện thoại gửi tin nhắn kết quả để tra thử. Khi đọc tin nhắn kết quả rồi so vào dãy số của mộ tờ vé số, ông không tin vào mắt mình, cứ ngỡ mới say rượu nên “không chuẩn”.
Ông đọc đi đọc lại từng con số rồi lại so với với từng chữ số ở trong tờ vé đến mấy lần. Hết so ngược rồi so xuôi thấy đều khớp cả ông mới dám tin giấc mơ đã thành hiện thực. Hạnh phúc hơn nữa khi cả 5 tờ vé số ông mùa đều nằm trong một xê-ri, điều đó cũng có nghĩa là ông trúng liền 5 tờ vé số độc đắc, mỗi tờ được giải thưởng 1,5 tỷ đồng của Công ty xổ số kiến thiết Bến Tre. Quá đỗi vui sướng, ông gọi ngay các con về để báo tin và cùng đi lãnh thưởng.
Ngôi nhà trước đây của ông Mười, giờ đã được thay mới. |
Ngay ngày được lĩnh số tiền “trời ban”, ông Mười mua cả chục két bia, cả trăm cân thịt về thiết đãi hàng xóm xung quanh. Ngoài ra, ông cũng mua một lượng gạo lớn phân phát cho toàn bộ học sinh trường tiểu học Long Bình sát nhà mình. “Số phận mình trước đây nghèo khó được mọi người hết lòng giúp đỡ, nay nhờ trời mà khá lên thì phải giúp đỡ mọi người và xóm giềng cái gì đó”, ông Mười bảo.
Ông Mười còn tình nguyện đóng góp một số tiền cho việc sửa chữa 3 cây cầu tại địa phương. Ba cây cầu này đã cũ kỹ, không đảm bảo an toàn lâu dài cho dân chúng và các phương tiện, nhiều lần đi qua ông nhận ra điều ấy nên luôn đau đáu trong dạ. Có tiền rồi ông quyết định sẽ giúp mọi người tu sửa lại, đảm bảo việc đi lại cho dân làng.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông cũng tiết lộ thêm rằng, sẽ lấy một phần tiền thưởng của mình làm từ thiện những nơi xa, giúp đỡ những mảnh đời cơ cực. Cũng nhờ có số tiền này mà ông có thể lo cho cuộc sống các con mình tốt hơn. Ông cũng đã xây dựng một ngôi nhà khang trang hơn trên mảnh đất của mình, sửa lại nền sân gạch thấp cho không ngập nước nữa. Số tiền còn lại sẽ gửi ngân hàng để dành cho các con sau này.
Niềm vui, hạnh phúc của ông Mười đến giờ vẫn được người dân nơi đây kể lại như một câu chuyện cổ tích. Và họ vẫn không thể tin rằng, sẽ có ngày người đàn ông đánh cá đêm, chật vật chạy ăn từng bữa giờ đã thành một tỷ phú, có tiền giúp đỡ dân làng.
Khó nghĩ vì vợ quay về xin “nối lại tình xưa”? Sau khi ông Mười trúng vé số với 5 giải độc đắc, hàng xóm cho biết là có thấy vợ ông trở về. Tuy nhiên, khi nhắc đến câu chuyện có hàn gắn lại tình cảm của mình như trước hay không, “tỷ phú xổ số” này im lặng. Ông bảo, đã lâu rồi quen sống với vai trò “vừa làm cha, vừa làm mẹ” nên giờ chưa biết tính thế nào. |
Hữu Huấn - Phan Cường